Mẹ của những đứa con đặc biệt

Câu lạc bộ Văn nghệ Trẻ em Khuyết tật Hà Nội
Câu lạc bộ Văn nghệ Trẻ em Khuyết tật Hà Nội
TP - “Mẹ Phúc là người có tấm lòng vị tha, đặc biệt có tình yêu thương vô bờ bến đối với những đứa trẻ kém may mắn”. Đó là lời tâm sự của cô Dậu, người đã nhiều năm phụ giúp công việc hậu cần cho Câu lạc bộ Văn nghệ Trẻ em Khuyết tật Hà Nội.

Nằm gọn trong góc nhỏ của trường Tiểu học Trung Tự, Câu lạc bộ Văn nghệ Trẻ em Khuyết tật Hà Nội (CLB VNTEKT) vẫn sinh hoạt đều đặn vào mỗi sáng thứ 7, chủ nhật hằng tuần.

Lớp học tình thương

“Mẹ ơi, bạn Hiếu đánh con”, “Mẹ ơi, bạn Anh lấy kẹo của con”. Đấy là lời nũng nịu của những trẻ khuyết tật trong CLB với mẹ Phúc khi bị các bạn tranh giành quà của mình. Quen gọi là đứa trẻ nhưng tính ra thì cũng đều gần hai mươi tuổi cả rồi. Đáp lại những câu nói ấy, mẹ Phúc ôn tồn “Tí nữa mẹ sẽ nhắc nhở các bạn”. Đi kèm với đó là một cái ôm thật chặt và ánh nhìn âu yếm.

Tôi biết đến lớp học đặc biệt này trong một lần đi tình nguyện. Buổi học bắt đầu với bài học múa “Cho con”. “Bẵng đi một thời gian dài không tập luyện, giờ các con quên hết rồi, tôi lại phải dạy lại từ đầu. Cứ mỗi một bài học phải dạy đi dạy lại cả tháng, thậm chí cả năm trời”, cô Phan Thị Phúc, Chủ nhiệm CLB VNTEKT chia sẻ.

“Các em đều bị thiểu năng nên dạy rất khó. Có khi, một bài hát phải dạy tới cả năm, ngày nào cũng hát đi hát lại bài đó, các em mới nhớ”. 

Cô Phúc chia sẻ

Trên sân khấu lớp học nhỏ, cô Phúc, dù năm nay đã ngoài tuổi thất tuần nhưng vẫn miệt mài dạy cho những đứa con kém may mắn của mình những động tác múa khéo léo, uyển chuyển. Cũng có những lời quát mắng, cũng có những lời động viên, nhưng dường như, đó chính là phương pháp dạy cho những đứa trẻ đặc biệt này. “Đôi lúc mình phải thật sự nghiêm khắc thì các cháu mới nghe. Với đối tượng là những em bị thiểu năng trí tuệ, tăng động thì các em không thể kiểm soát được hành động của mình”, cô Phúc nói.

Câu chuyện về lớp học “một năm học một bài” là câu chuyện có thật đang diễn ra tại Câu lạc bộ VNTEKT. CLB được xây dựng từ năm 1995 do cô Phan Thị Phúc sáng lập.

Cô Phúc, trước lúc về hưu là cán bộ ở Nhà hát Tuổi trẻ. Cô kể, trong quá trình làm việc ở Nhà hát nhận thấy một mảng trẻ em khuyết tật ít được đề cập đến nên, khi chuyển về làm công tác khán giả trẻ của Nhà hát, cô nuôi ước muốn được đi sâu vào mảng này. 

Ấp ủ với những dự định từ thời còn là một nghệ sĩ, sau khi về hưu, cô đã toàn tâm toàn ý thực hiện ước mong của mình về một CLB dành riêng cho đối tượng là những trẻ em khuyết tật. CLB Văn nghệ Trẻ em Khuyết tật Hà Nội ra đời từ đó.

Chia sẻ với chúng tôi, cô kể: “Đôi lần thiếu tiền để duy trì hoạt động cho CLB, tôi đã phải bỏ tiền túi ra, rồi vận động thêm từ nguồn thu nhập của con cái, gia đình. Mỗi lần xin được tài trợ tôi lại đầu tư vào trang thiết bị của CLB với mục đích tạo việc làm cho các em. Kể từ năm 2000, sau 5 năm thành lập, CLB duy trì sinh hoạt hằng tuần mà không phải đi xin tài trợ”.

Trong 19 năm qua, cô Phúc đã mở được nhiều lớp dạy nghề cho những đứa con của mình và tất cả đều thành nghề. Hiểu được khuyết điểm của những đứa trẻ khuyết tật, cô lựa chọn những nghề đơn giản và vừa sức với các em như sửa chữa điện dân dụng, học móc, làm các đồ thủ công mỹ nghệ. “ Rất hạnh phúc là các em đều thành nghề và các sản phẩm làm ra cũng được ủng hộ” - cô Phúc bộc bạch.

Làm thế nào để giúp trẻ khuyết tật hòa nhập với cuộc sống? Liệu nghệ thuật có phải là khìa khóa mở cửa tâm hồn những đứa trẻ đang chịu thiệt thòi? Đó là những câu hỏi mà cô Phúc luôn trăn trở. Cô quyết định thử nghiệm mang các môn nghệ thuật như múa, hát, vẽ để dạy cho những trẻ khuyết tật vốn tự ti, sống khép mình trong vỏ ốc. Kết quả thật bất ngờ, nhiều trẻ em khuyết tật đã trở nên cởi mở, tự tin, hòa nhập hơn trong cuộc sống.

“Nhân Tâm” hàng đầu

Vào thăm Câu lạc bộ, chúng tôi thực sự cảm động trước tình cảm của những trẻ khuyết tật dành cho cô Phúc. “Muốn được các con yêu, thì mình phải hiểu, phải yêu thương như chính con ruột của mình” - cô Phúc tâm sự.

Mẹ của những đứa con đặc biệt ảnh 1

Mẹ Phúc luôn dành tình cảm đặc biệt cho những đứa con thân yêu

Kể về những khó khăn trong việc dạy dỗ các em, cô Phúc nói: “Các em không thể làm chủ được những hành vi của mình. Với những trẻ tiếp xúc ban đầu, mình phải nhẹ nhàng, kiên trì, đôi lúc phải nghiêm khắc đánh các em một vài roi nhưng mình cũng xót lắm. Có nhiều em lớn rồi, nhưng không chủ động được vấn đề vệ sinh cá nhân thì mình cũng phải can thiệp. Hơn nữa, việc hướng dẫn các em tập trung khi học hát, học múa cũng rất khó khăn. Tất cả đều phải cần một thời gian dài để cảm hóa các em”.

“Các em đều bị thiểu năng nên dạy rất khó. Có khi, một bài hát phải dạy tới cả năm, ngày nào cũng hát đi hát lại bài đó, các em mới nhớ”, cô Phúc chia sẻ. Dù nhiều khó khăn, nhưng dưới sự dìu dắt của cô, Câu lạc bộ đã gặt hái nhiều thành tích với các huy chương Vàng, Bạc trong hội diễn cho người khuyết tật được tổ chức hằng năm. Năm 2001, 2002, Câu lạc bộ phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức triển lãm ảnh do các em chụp. Hai triển lãm này được đánh giá cao và gây ấn tượng mạnh với nhiều người. 

“Cái tôi nhận lại được từ các em không phải là vật chất mà là tình cảm chân thành. Có lần tôi đi chăm người nhà bị ốm trong bệnh viện, các em tưởng tôi bị ốm nên đến thăm. Khi đến nhà thấy tôi vẫn khỏe mạnh thì thi nhau ôm hôn, rồi còn bế tôi lên nữa. Có lần tôi ốm, các em cũng đến thăm. Em bị đau chân thì ở dưới nhà giúp việc, em khác thì lên gác chăm sóc, đấm bóp cho tôi. Đó là những kỉ niệm suốt đời không quên được và cũng là món quà lớn nhất mà tôi nhận được và mong muốn nhận được”.

Kể về một kỉ niệm đáng nhớ nhất, cô nói, “Tôi đã tập được thành công cho một trong những đứa con bị câm điếc bẩm sinh của mình biết hát. Cô Phúc kể “Cháu Vy được gia đình gửi vào CLB khi mới 9 tuổi. Ban đầu, em không có khả năng giao tiếp với mọi người xung quanh bởi em vừa câm vừa điếc. Bốn năm trời, tôi giao tiếp với em bằng ngôn ngữ kí hiệu. Cộng thêm, Vy là một trong những người sống khép kín, nên việc giúp em hòa nhập với các bạn rất khó. Không bỏ cuộc, tôi cùng với cháu Hải Ninh đã động viên, kiên trì tập luyện cho bé trong suốt 4 năm với duy nhất một bài hát “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”.

Sau đó, tôi mạnh dạn cho cháu tham gia chương trình kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Bác Hồ. Cả hội trường Cung Thiếu nhi Hà Nội hôm ấy đã lặng đi, xúc động trào nước mắt khi một đứa trẻ 13 tuổi bị câm điếc từ nhỏ cất lên tiếng hát, dù những từ phát ra còn chưa rõ”. “Tôi tin, nghệ thuật có thể cảm hóa được tâm hồn những đứa trẻ khuyết tật”- mẹ Phúc chiêm nghiệm.

Bà mối

Nói chuyện với chúng tôi, cô Phúc khoe về những lần làm mai làm mối cho những thành viên trong đại gia đình của mình. Cô đã tác hợp thành công cho không ít cặp trai gái trong CLB nên duyên vợ chồng. “Mẹ Phúc” hoặc được mời làm chủ hôn, hoặc là đại diện, khi nhà trai, khi nhà gái.

Cô Phúc chia sẻ: “Trong CLB, tôi thấy các em thân nhau, người này có thể bù đắp cho người kia những cái họ thiếu thì hết lòng tác hợp. Ước muốn, khi đến với nhau các em có thể giúp đỡ nhau trong cuộc sống, vượt qua mặc cảm của số phận”.

Nhớ lại trường hợp của chị Kim Oanh và anh Quang Huy, cô Phúc vẫn không giấu niềm vui của mình. “Thời gian đầu, tôi cứ có linh cảm đặc biệt khi hai người này nhìn nhau. Để ý một thời gian thì tôi hiểu rằng dù có tình cảm với nhau nhưng họ không dám thổ lộ vì mặc cảm, tự ti về bản thân. Sau một thời gian dài ủng hộ, động viên thì giờ đây, hai con đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc, có công việc ổn định”.

Ngoài cặp đôi trên thì cô Phúc còn là bà xui, mẹ nội, mẹ ngoại của nhiều cặp đôi khác trong CLB. “Nhìn các con hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình, bản thân tôi thấy ấm lòng”, cô Phúc tâm sự.

“Làm cái nghề này là phải đặt chữ nhân tâm lên hàng đầu, phải cố gắng để cảm hóa được các em, để các em tin mình, từ đó mình mới có thể giúp các em giải quyết mọi mối quan hệ trong cuộc sống”, cô Phúc đúc kết.

Cô Phúc kể “ khó khăn lớn nhất của tôi là cơ sở vật chất, địa điểm để hoạt động. Ban đầu, hoàn toàn là cơ sở trắng. Để vượt qua những khó khăn đó, tôi đã phải đi xin tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ dựa trên những mối quan hệ đã xây dựng được từ thời còn làm việc ở Nhà hát Tuổi trẻ. Đồng thời, cũng nhờ sự giúp đỡ của các trường như Nguyễn Đình Chiểu, trường Xã Đàn, trường Nhân Chính, đặc biệt là trường THCS Trung Tự mới có địa điểm cho CLB sinh hoạt như ngày hôm nay”.

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.