Mẹ liệt sỹ Trường Sa: “Mấy đứa ở Hoàng Sa về có khỏe không?”

TP - Đó là mẹ của những đứa con hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa - Gạc Ma ngày 14/3/1988. Những ngày Hoàng Sa cuộn sóng với giàn khoan 981, các mẹ luôn đau đáu dõi theo từng bản tin, hình ảnh. Khi gặp chúng tôi, các mẹ luôn hỏi về “mấy đứa ở Hoàng Sa…”. 

Những ngày cuối tháng Bảy, PV Tiền Phong cùng đại diện Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) tới thăm hỏi, tặng quà 10 người mẹ, người cha ở Đà Nẵng - Quảng Nam có con hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988. Mỗi suất quà 3 triệu đồng - nguồn quyên góp được từ Chương trình cộng đồng người Việt tại Nhật hướng về biển đảo quê hương.

Mẹ liệt sỹ Trường Sa: “Mấy đứa ở Hoàng Sa về có khỏe không?” ảnh 1 Mẹ Trương Thị Ngò vẫn lau chùi lại di ảnh con mỗi ngày - kỷ vật cuối cùng còn lại

Cổng làng Thanh Quýt 1 (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam), nằm đối diện nghĩa trang liệt sỹ huyện. Ngôi nhà tình nghĩa của mẹ Trương Thị Ngò, mẹ liệt sỹ Nguyễn Bá Cường nằm gần cuối làng. 87 tuổi, mẹ vẫn còn khá minh mẫn, vẫn tự lo cơm nước cho mình. Chỉ có đôi mắt là sâu thẳm, ẩn chứa nhiều trăn trở. Giữa thời loạn lạc mẹ sinh tất thảy 9 lần, nhưng chỉ có ba người con trai khỏe mạnh.

Rồi lần lượt những đứa con của mẹ Nguyễn Bá Hùng, Nguyễn Bá Xuân viết đơn tự nguyện đi bộ đội. Người con trai út Nguyễn Bá Cường theo gương các anh viết đơn nhập ngũ, năm 1988 được điều động ra Trường Sa canh giữ biển đảo.

Trước lúc lên đường, mẹ dúi vào tay cậu con trai mấy chục ngàn đồng dành dụm rồi dặn dò con: Khó mấy cũng không được đầu hàng, không đào ngũ. Rồi một ngày, tin sét đánh con mẹ hy sinh, vĩnh viễn nằm lại với Trường Sa trong trận chiến đấu kiên gan với quân Trung Quốc ở đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Giữa trưa nắng, mẹ ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác, cất giấu giọt nước mắt sau đôi mắt nhăn nheo. 

Mẹ liệt sỹ Trường Sa: “Mấy đứa ở Hoàng Sa về có khỏe không?” ảnh 2 Đôi mắt mẹ Hồ Thị Lai buồn thăm thẳm những ngày tháng Bảy. ảnh: Hoài Văn
Thấy chúng tôi đến thăm, mẹ Hồ Thị Lai (78 tuổi, phường Hòa Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng) - mẹ liệt sỹ Trương Quốc Hùng mừng mừng tủi tủi. Tháng Bảy - tháng tri ân, nhiều đơn vị mời mẹ đi nhận quà nhưng mẹ không đi được phải nhờ con cái đi nhận thay. Cách đây hai năm mẹ bị tai biến, gần như nằm một chỗ người gầy tọp hẳn đi.

Bạn Nguyễn Thị Thu Trang – đại diện Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, nắm chặt tay mẹ, xúc động: “Con sinh năm 1988, năm nay 26 tuổi, cũng là tròn 26 năm các anh hy sinh”.

Mẹ Lai ôm choàng lấy vai cô gái, rồi quay sang anh Nguyễn Văn Tấn - đồng đội cũ của con mẹ, giờ làm nhiệm vụ liên lạc với các gia đình đồng đội, giọng nghẹn lại: “Con mẹ hy sinh bao nhiêu năm rồi, nhưng cứ nghĩ cứ thương. Giờ thương cả mấy đứa cảnh sát biển, kiểm ngư còn lo canh gác ngoài Hoàng Sa. Không biết mấy đứa giờ có khỏe không, có vững chân sóng để hoàn thành nhiệm vụ rồi về thăm vợ thăm con không?”.

Mẹ bảo mấy hôm trước mẹ mệt không ăn được gì. Cho tới khi nghe trên ti vi nói Trung Quốc đã đưa giàn khoan ra khỏi vùng biển của mình, mẹ mừng lắm, lại ráng ăn cho hết bát cháo để khỏe mạnh mà dõi theo tin tức ngoài biển.

Mẹ liệt sỹ Trường Sa: “Mấy đứa ở Hoàng Sa về có khỏe không?” ảnh 3 Mẹ Nguyễn Thị Trước, phía sau là đứa con út bị bệnh từ nhỏ

Phải gần tối chúng tôi mới tìm tới được nhà mẹ Nguyễn Thị Trước (82 tuổi, ở đường Phan Nhân Chú, quận Cẩm Lệ) - mẹ liệt sỹ Phạm Văn Lợi. Một thanh niên ngồi bệt trước hiên nhà, dáng vẻ ngô nghê. Đó là đứa con út trong nhà, mắc bệnh down. Nhà còn một người con trai nữa là Phan Văn Long nay đã quá tứ tuần vẫn chưa lập gia đình. Hằng ngày anh đi làm thợ nề nuôi mẹ già và em bị bệnh. Mẹ gần như trầm lặng suốt cuộc trò chuyện.

Anh Long ra hiệu rằng dạo này mẹ đang rất buồn, chắc tại nhớ em. Nếu không phải xuống tiếp khách, mẹ ngồi hàng giờ trên gác, nơi đặt bàn thờ liệt sỹ Lợi, con trai mẹ. Cuộc đời mẹ buồn, chồng mất sớm, rồi con trai cũng hy sinh. Tuổi này, giá có đứa cháu để bồng cũng nguôi ngoai phần nào.

Trong ba người con, Lợi là cậu bé khôi ngô, tính tình vui nhộn nhất, lại rất biết quan tâm, lo toan việc nhà. Giờ mẹ chẳng còn kỷ vật gì ngoài tấm di ảnh đã mờ cũ. Thế nhưng khi chào mẹ ra về, mẹ níu tay chúng tôi hỏi nhỏ “Có phải Trung Quốc rút hẳn giàn khoan rồi không? Con có gặp cho mẹ gửi lời hỏi thăm mấy chiến sĩ ngoài đó nhé”. Tôi kịp nhìn thấy đôi mắt mẹ chợt ngấn nước...

Anh Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa 1988 tại Quảng Nam - Đà Nẵng, bùi ngùi: “Thời khắc này các mẹ buồn lắm. Ngoài ngày giỗ chung 14/3 hằng năm, thì cứ đến tháng Bảy khi các cơ quan, đơn vị tới thăm hỏi thì cảm xúc lại dồn về. Mỗi mẹ mỗi cảnh, nhưng ai cũng cố giấu nỗi đau của riêng mình”.

MỚI - NÓNG