Mẹ nghèo đan áo tặng Trường Sa

Những chiếc áo đầu tiên bà Mang Thị Bộ gửi Hội phụ nữ xã Nhơn Hải nhờ chuyển đến chiến sĩ Trường Sa. Ảnh: H. Văn
Những chiếc áo đầu tiên bà Mang Thị Bộ gửi Hội phụ nữ xã Nhơn Hải nhờ chuyển đến chiến sĩ Trường Sa. Ảnh: H. Văn
TP - Nhà nghèo, tuổi lớn lại không chồng, xoay xở với cuộc sống mưu sinh đã cực, nhưng hễ có thời gian rảnh, bà Mang Thị Bộ (66 tuổi, xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, Bình Định) lại miệt mài với từng mũi đan những chiếc áo len ấm áp để gửi ra Trường Sa.  

300 ngày miệt mài

Hỏi thăm nhà bà Bốn Bộ, từ đầu xã ai cũng rành, chỉ dẫn nhiệt tình. Có quá nhiều điểm riêng ở bà để ai nấy nơi xã biển này nhớ đến, là hộ nghèo, không chồng, hay lui tới khắp xã để đi xin tiền làm từ thiện…

Khi thấy báo chí tìm đến để hỏi chuyện đan áo tặng chiến sĩ Trường Sa lúc đầu bà toan từ chối, vì “chỉ là một việc rất nhỏ, có gì lớn lao mà lên báo”. Nhưng khi chúng tôi nói chuyện về lính đảo, cuộc sống chiến sĩ canh giữ biển trời thì bà hào hứng. Trước giờ chỉ theo dõi qua báo, đài chứ chưa một lần được gặp các chiến sĩ Trường Sa, bà chỉ mường tượng rằng những người canh giữ biển khơi, bảo vệ chủ quyền sẽ ngày đêm đối mặt với sóng gió, có thêm chiếc áo len sẽ ấm áp hơn. Thời trẻ bà cũng từng tham gia Thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại chiến trường Campuchia, nên bà hiểu nỗi cực nhọc nhưng thiêng liêng của người lính.

“Mình không làm được việc gì lớn, chỉ đóng góp trong khả năng của mình những mong các chiến sĩ ấm lòng mà làm nhiệm vụ. Nhưng nghe nói ngoài đấy đông anh em lắm, sợ 30 chiếc không đủ, rồi người có người không lại tội”. 

Bà mang thị Bộ

Điều kiện kinh tế không cho phép, bà tìm đến những gia đình có kinh tế khá giả trong xã ngỏ ý. Mỗi người gom góp được 2 triệu đồng, bà bỏ thêm 1 triệu đồng tiền tích cóp lâu nay rồi bắt xe đi lên chợ trung tâm thành phố mua len. Để hoàn thành một tấm áo mất từ một tuần đến 10 ngày. Lúc nào bà cũng kè kè cuộn len bên mình, rảnh ra là ngồi đan. Hơn 10 tháng ròng bà hoàn thành 30 chiếc áo.

Mới đây, bà Bốn Bộ mang 30 chiếc áo len lên trụ sở xã, nhờ Chủ tịch Hội phụ nữ xã gửi tặng chiến sĩ Trường Sa khiến ai cũng bất ngờ. “Ở cái vùng biển nghèo này ai cũng chật vật mưu sinh. Bà Bốn cũng là hộ nghèo, vậy mà ròng rã 10 tháng trời đan 30 chiếc áo gửi tặng các chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài đảo, quả là một việc phi thường”, chị Mang Thị Huyền Nga, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nhơn Hải, ghi nhận.

“Chị ấy ngồi đan hoài nên cứ hay bị đau xương khớp, tê mỏi chân tay nhưng vẫn không chịu ngơi tay. Hết ngồi ghế lại chuyển xuống võng. Biết ước mơ của chị là muốn tận tay đan tặng tấm áo cho chiến sĩ mà tôi thì không làm được nên thay chị đảm nhận việc nhà”, bà Mang Thị Bích Hoa, em gái bà Bộ, kể. 

Mới đây, nhận được tiền hỗ trợ cho cựu TNXP, bà chắt chiu các khoản chi tiêu để mua thêm len tiếp tục đan áo. Bà dự định sẽ nhờ sự góp tiếng của chính quyền kêu gọi các tổ chức, đoàn thể tham gia đóng góp để đan được nhiều hơn nữa những tấm áo gửi ra Trường Sa.

Truân chuyên phận má hồng

Căn nhà nhỏ nằm hướng ra biển, ngày đêm từng con sóng vỗ rào rạt. Hai chị em tuổi về già cưu mang nhau. Người chị Mang Thị Bộ đã bạc gần trắng đầu, người em Mang Thị Bích Hoa (64 tuổi) nụ cười móm mém hiền hậu. Trước, còn sức khỏe thì chạy chợ, chăn nuôi dựng nhà, thậm chí còn nhận con nuôi. Nhưng giờ tuối xế chiều chị em dựa vào nhau với chén cơm, chén cháo. Cuộc sống cứ êm đềm mỗi ngày người em làm việc nhà, người chị ngồi đan áo.

Quá khứ không mấy êm đềm, duyên phận rủi may, hai chị em từng có một gia đình nhưng lương duyên quá ngắn. Là người con gái có nhan sắc nhưng duyên phận đẩy đưa thế nào, 36 tuổi Bốn Bộ mới lấy chồng, thì chỉ hai năm sau thì chia cách do hạn hẹp đường con cái. Người em Mang Thị Bích Hoa cũng lấy chồng được vài năm thì thành phụ nữ đơn thân. Chị em dở dang ghép lại một nhà nương tựa vào nhau để sống. Nhà cửa rộng rãi nhưng thấy neo người, hai chị em nhận một con gái nuôi. Đến tuổi trưởng thành cô con gái mang bầu, sinh con rồi đi đâu biệt tích. Đứa cháu giờ đã khôn lớn tự biết mưu sinh, lập nghiệp trong TPHCM lâu lâu trở về thăm bà.

“Ai cũng muốn có một cuộc sống ý nghĩa. Tuổi trẻ sống nhiệt huyết hết mình, tuổi già mong đóng góp điều gì đó nhỏ nhưng có ích. Chỉ mong còn sức để còn đan, cũng sắp tới mùa lạnh rồi…” - bà Bộ trầm ngâm.

MỚI - NÓNG