Mẹ tàn tật nuôi con thơ dại

Chị Nhâm và hai con trước căn nhà xuống cấp. Ảnh: K.N
Chị Nhâm và hai con trước căn nhà xuống cấp. Ảnh: K.N
TP - Đó là hoàn cảnh của chị Trần Thị Nhâm (34 tuổi), trú tại thôn Văn Xá (xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội). Sau khi chồng mất, người phụ nữ tật nguyền này càng thêm vất vả sống cùng hai đứa con nhỏ trong căn nhà dột nát, xuống cấp.

Chúng tôi đến nhà chị Trần Thị Nhâm khi cơn bão số 2 vừa đi qua. Bước vào căn nhà cấp bốn xiêu vẹo, thấy tường nhà nứt, nền ẩm ướt, trên trần căng chi chít những tấm ni lông. Chị Nhâm cho biết: Cứ vào mùa mưa bão, gia đình chỉ lo nhà đổ. Trước đây, mỗi lần nhà dột, chồng chị Nhâm lại căng mảnh ni lông để tạm chống dột. Nhưng từ khi chồng mất, có nhiều chỗ dột thêm mà chị Nhâm đành chịu.

Khi sinh ra chị Nhâm đã bị tật ở chân, đi lại khó khăn. Thấy con tật nguyền sợ sau này không lấy được chồng, nên cách đây gần chục năm mẹ chị Nhâm đã cho con một mảnh đất nhỏ để làm nhà. Do nhà nghèo nên gia đình chị chỉ có thể xây được căn nhà cấp bốn với vật liệu rẻ tiền. 

Sau đó, hạnh phúc đến khi chị Nhâm kết hôn với anh Kiều Doãn Út. Hai vợ chồng sống trong ngôi nhà mẹ chị Nhâm cho, lần lượt sinh hai con Kiều Doãn Phong (2009) và Kiều Doãn Phúc (2010). Do sinh gần nhau, hai con lại không được khỏe nên cuộc sống hai vợ chồng chị Nhâm rất vất vả. Anh Út làm nghề lăn sơn, còn chị Nhâm làm may thuê trong xã, thu nhập bấp bênh. Vì vậy, dù căn nhà họ đang sống ngày một xuống cấp mà hai vợ chồng không có tiền để sửa chữa.

Đầu năm 2013, anh Kiều Văn Út không may qua đời do bị cảm. Chồng mất, từ một hộ cận nghèo, gia đình chị Nhâm trở thành một trong số hộ nghèo nhất xã. 

Do tàn tật, nên gần một sào ruộng khoán chị Nhâm đành phải thuê người trồng cấy để gia đình đủ gạo ăn. Thu nhập của hộ gia đình nghèo này giờ chỉ trông vào khoản trợ cấp tàn tật 350.000 đồng/tháng và tiền công may lặt vặt hằng tháng của chị Nhâm. Thương con, mẹ chị Nhâm đã đến ở cùng gia đình chị. Nhưng khoản lương hưu do về mất sức trước tuổi của bà cũng chỉ cáng đáng được phần nào cho hoàn cảnh khó khăn của con gái.

Ông Nguyễn Viết Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Khê cho biết: Tại địa bàn xã, trong số hơn chục ngôi nhà dột nát được chúng tôi thẩm định để đề nghị lên cấp trên sửa chữa, nhà của chị Nhâm là xuống cấp nhất. Trong quá trình chờ kinh phí sửa chữa, chúng tôi rất lo mỗi khi bước vào mùa mưa bão.

Theo kế hoạch, trong năm nay, Cty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam phối hợp với Báo Tiền Phong sẽ hỗ trợ tiền xây, sửa nhà cho hộ gia đình chị Trần Thị Nhâm với số tiền 45 triệu đồng.

MỚI - NÓNG