Miền Bắc mưa lớn, úng ngập diện rộng, giao thông tắc nghẽn

Phố Định Công (Hà Nội) ngập nửa bánh xe. Ảnh: Thanh Hà
Phố Định Công (Hà Nội) ngập nửa bánh xe. Ảnh: Thanh Hà
TP - Ngày 1/8, nhiều tỉnh phía Bắc có mưa lớn khiến đường sá biến thành sông, nhiều điểm ngập sâu.  

Hà Nội: 2 tiếng mưa lớn, nhiều điểm ngập úng

Từ 11h30 phút ngày 1/8, Hà Nội bắt đầu có mưa lớn 2 tiếng liên tục, sau đó mưa có ngớt nhưng vẫn dai dẳng. Ghi nhận của phóng viên, chỉ sau hơn 1 tiếng mưa lớn, nhiều tuyến phố đã bị ngập úng cục bộ như: phố Định Công, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Giáp Bát, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Phạm Văn Đồng…

Tại một số tuyến phố như Định Công, Giáp Bát nước mưa ngập nửa bánh xe máy khiến nhiều chủ phương tiện phải dắt bộ. Hai tuyến đường này cũng tạm thời được lực lượng chức năng ngăn lại. Tại chân cầu Vĩnh Tuy, Mạc Thị Bưởi, do ảnh hưởng của việc thi công trên mương Vĩnh Tuy, nên cũng đã xuất hiện úng ngập với mức độ 0,1- 0,2m.

Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng, thực hiện ứng trực trên địa bàn thành phố theo kế hoạch phòng chống bão, tua vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy, vệ sinh mặt đường… Công ty Thoát nước sẽ tiếp tục tổ chức ứng trực tại hiện trường, vận hành trạm bơm Yên Sở, trạm Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ khác để hạ mực nước trên hệ thống, chủ động đối phó với đợt mưa tiếp theo.

Lai Châu: 2 người chết do mưa lũ, thiệt hại nhiều tài sản

Theo Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, sáng 1/8, mưa lớn trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã làm sạt lở đất tại huyện Nậm Nhùn, làm chết 2 người. Nạn nhân là chị Mùa Thị Khua, sinh năm 1996 và con trai là Mùa A Dũng sinh năm 2014, sống tại bản Huổi Đanh, xã Nậm Hàng bị đất, đá vùi lấp khi đi làm nương.

Đến 16 giờ cùng ngày, các lực lượng chức năng huyện Nậm Nhùn đã tìm thấy thi thể các nạn nhân. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ ban đầu để gia đình mai táng.

Mưa lớn đã làm sạt lở tại một số tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn.

Tại huyện Mường Tè, Đường tỉnh lộ 127 đi các xã Mường Mô, Nậm Chà, Can Hồ bị đất đá sạt từ taluy dương xuống lấp nhiều đoạn gây tắc nghẽn cục bộ. 

Tuyến đường giao thông từ thị trấn đi các xã Mường Tè Vàng San, Pa Vệ Sủ sạt lở một số điểm gây ách tắc giao thông. Điểm tái định cư thị trấn Mường Tè do mưa to đã làm sạt lở mái taluy dương, nước kèm theo bùn đất chảy vào trường tiểu học, trường mầm non và khu dân cư.

Tại huyện Nậm Nhùn, mưa lớn kéo dài trong ngày đã làm xói lở vào chân tuyến đường dẫn vào trung tâm xã Hua Bum; cuốn trôi một cầu gỗ dài 35m bắc qua suối Nậm Ban tại xã Nậm Ban. 

Một số tuyến đường giao thông đến trung tâm các xã trên địa bàn huyện cũng bị sạt lở đất, đá, ách tắc nghẽn cục bộ. Mưa lũ cũng làm sạt lở, vùi lấp nhiều kênh mương, công trình thủy lợi tại huyện Nậm Nhùn. Sạt lở, bùn đất trôi vào nhà 10 hộ dân ở khu tái định cư thủy điện Lai Châu, thị trấn Mường Tè và buộc chính quyền địa phương phải cho di dời khẩn cấp một số hộ dân.

Thái Bình: Đường phố biến thành sông

Mưa lớn kéo dài từ đêm 31/7 đến sáng 1/8, tại Thái Bình đã khiến nhiều tuyến phố trên địa bàn thành phố Thái Bình bị ngập nặng. 

Đến trưa 1/8, tình trạng ngập lụt tại các tuyến phố này đã khiến cho nhiều loại phương tiện lưu thông hết sức khó khăn. Việc ngập, ùn ứ nước trên các tuyến phố cũng khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị đảo lộn.

Theo khảo sát, các tuyến phố xảy ra tình trạng ngập lụt nặng là các phố: Lê Quý Đôn, Lý Bôn, Phạm Đôn Lễ, Ngô Quang Bích… Đặc biệt, tại tuyến phố Lê Quý Đôn, nơi được cho là “rốn ngập” của thành phố Thái Bình, đỉnh điểm có lúc mức nước tại con phố này lên đến 0,5m. 

Nhiều người dân ở các tuyến phố nêu trên cho biết: Tình trạng ngập lụt, ùn ứ nước xảy ra từ sáng sớm. Cho đến trưa tình trạng ngập nước đã bớt căng thẳng do cơn mưa đã ngớt. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn lo ngại khi mưa lớn tiếp diễn thì tình trạng ngập nước vẫn sẽ xảy ra. 

Để ngăn nước mưa tràn vào trong nhà, nhiều người dân đã phải dùng các vật dụng như bao tải, các tấm gỗ, căng phông, bạt ni-lông để che chắn trước cửa nhằm hạn chế lượng đất, cát và rác bẩn theo nước dềnh tràn vào nhà.

Tại Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh (thành phố Thái Bình) nhiều tuyến đường tại đây cũng xảy ra tình trạng ngập nước, ùn ứ, gây rất nhiều khó khăn, di chuyển đối với hàng ngàn công nhân của các công ty của khu công nghiệp. 

Bắc Giang: nhà cửa và hoa màu chìm trong nước

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bắc Giang, mưa lớn kéo dài đã khiến hàng chục ngôi nhà và hơn 20ha lúa, hoa màu trên địa bàn tỉnh bị chìm ngập trong nước.

Tại xã Đồng Tiến (huyện Yên Thế), 45 ngôi nhà bị chìm trong nước, hơn 10ha lúa, hoa và thủy sản bị mất trắng. Tại huyện Sơn Động, mưa lớn đã vùi lấp 9ha lúa mới cấy ở xã Vân Sơn và khoảng 2ha bị nước cuốn trôi, trong khi đó khoảng 10ha lúa ở xã Mai Đình (huyện Hiệp Hòa) đang bị chìm ngập trong nước. Một số đoạn đê ở các huyện Tân Yên, Việt Yên và thành phố Bắc Giang xảy ra hiện tượng lún, sạt lở. 

Hiện, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang chỉ đạo gia cố, đồng thời bố trí lực lượng túc trực 24/24h.

Điện Biên: Hàng trăm xe máy bị cuốn ra đường

Sáng 1/8, nước từ hệ thống hồ cá gần núi Huổi Củ, thị trấn Tuần Giáo (Điện Biên) bị vỡ tung, dòng nước đục ngầu tràn xuống khu dân cư, cuốn trôi nhiều đồ đạc. Nước quét qua một đại lý xe máy nằm gần chân núi, cuốn cả trăm chiếc xe ra đường.

Người dân cho biết, hệ thống ao nuôi cá nằm gần khe núi Huổi Củ, khi mưa lớn xuống, nước từ trong núi dồn ra, làm ngập ao, kết hợp với nước suối dâng tạo thành lũ ống. Nhiều người dân phải thốt lên rằng, đây là lần đầu tiên thị trấn này bị nước lũ tràn xuống như vậy. Khi nước tạm rút, lực lượng công an, dân quân huyện đã có mặt, thu hồi tài sản cho người dân.

Ông Vũ Văn Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, mưa lớn mấy ngày qua tích tụ nước, tạo thành lũ ống khiến khu nuôi cá gần núi của người dân bị vỡ. Hiện nước đã rút, người dân thu dọn đồ đạc bị trôi về nhà. “Từ chiều qua tới nay mưa rất to. Mưa chủ yếu vào nửa đêm về sáng nên gây khó khăn cho công tác ứng phó. Chính quyền huyện đã di dời nhiều hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn”, ông nói.

Với lý do tỉnh Điện Biên còn nghèo, ngân sách hạn hẹp, đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, Phó giám đốc Trần Hà Sơn đã đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Điện Biên khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra với số tiền 70 tỷ đồng. 

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục Tây Bắc- Đông Nam nối với vùng xoáy thấp tồn tại trên khu vực Bắc bộ, từ ngày 31/7 đến 1/8 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có mưa to và rất to. Trận mưa lớn không xảy ra chết người, nhưng đến chiều 1/8 đã có 4 người bị thương, hơn 200 nhà bị ngập và bị sạt lở đất, nhiều tài sản bị cuốn trôi và hư hỏng, 15 km đường quốc lộ, tỉnh lộ và liên xã, liên bản bị sạt lở, trôi xói mặt đường, nhiều cầu, cống, ngầm tràn bị phá hỏng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến đã phát công điện, yêu cầu các đơn vị kiên quyết di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, đặc biệt các khu vực hai bên sông, suối, hạ lưu các ao, hồ, đập; Chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu người, tài sản…

Tiếp tục mưa lớn trên diện rộng, sẽ có lũ

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, từ đêm 1/8 đến 3/8, các tỉnh miền Bắc tiếp tục có mưa vừa, mưa to diện rộng.

Tổng lượng mưa trong cả đợt ở vùng Đông Bắc và vùng đồng bằng khoảng 50-150mm (riêng vùng ven biển Quảng Ninh đến Nam Định 100-200mm); khu vực các tỉnh Việt Bắc 100-300mm; vùng Tây Bắc 200-300mm, có nơi trên 400mm. Dự báo, từ ngày 1/8 đến 4/8, trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ ở thượng lưu lên từ 3 đến 5 m, ở hạ lưu 2-3 m.

Mực nước sông Thao (tại Yên Bái) đạt mức báo động 1; sông Thương (tại Phủ Lạng Thương) báo động 2; sông Cầu (tại Đáp Cầu) và sông Lục Nam (tại Lục Nam) báo động 1; sông Đà (tại Mường Tè) báo động 2; dòng chảy lớn nhất đến hồ Sơn La đạt mức 10.000 m3/s.

Do lượng mưa lớn, các tỉnh vùng núi phía Bắc nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình; nguy cơ ngập lụt ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.               

 Phạm Anh

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.