Mở cửa trường học để dân vui chơi

Nhà thi đấu đa năng của Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) hoạt động hết công suất mỗi đêm để phục vụ nhu cầu vui chơi thể dục thể thao của học sinh và người dân xung quanh. Ảnh: P.V.
Nhà thi đấu đa năng của Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) hoạt động hết công suất mỗi đêm để phục vụ nhu cầu vui chơi thể dục thể thao của học sinh và người dân xung quanh. Ảnh: P.V.
TP - Từ đầu tháng 12, hằng đêm, các trường học ở Đà Nẵng đồng loạt thắp đèn, mở cổng đón người dân khu vực xung quanh tới vui chơi. Nhiều trường khai thác tối đa cơ sở vật chất để phục vụ người dân, giúp họ không bị gián đoạn hoạt động thể dục thể thao, giải trí trong mùa mưa lạnh.

Đà Nẵng: Khai thác hết cơ sở vật chất để phục vụ dân

Mặc dù trời trở lạnh, ngoài đường người đi lại đã co ro nhưng sân Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) như một công viên tản bộ về đêm. Cụ ông, cụ bà thảnh thơi đi quanh sân, chốc chốc nghỉ chân bên hàng ghế đá. Nhóm các chị em phụ nữ nhịp nhàng tập nhảy theo âm điệu bài hát tươi vui phát ra từ góc sân. Đến 8 giờ tối, giáo viên trong trường cũng đến đây phân nhóm ra, cùng lắc lư theo điệu rumba, cha cha cha… Sân trường về đêm sôi động và vui tươi không kém ban ngày.

Cô giáo Hoàng Minh Khánh Vi, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay từ khi nhà trường mở cổng sau giờ học, người dân xung quanh bày tỏ sự hào hứng vì có thêm không gian giải trí buổi tối. Nhiều gia đình còn đưa con nhỏ tới đây vận động vì trời lạnh không thể đến các khu vui chơi. Cô Vi cho biết thêm, trường mở cổng sau giờ lớp tan liên tục các ngày trong tuần, trừ chiều Chủ nhật.

Sân Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) đêm đêm cũng được thắp đèn sáng trưng. Khoảng sân rộng rãi trông có vẻ “chật” hơn vì chỗ nào cũng có người vươn vai, nhún nhảy. Chị Nguyễn Thị Quỳnh My (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) háo hức: “Trước giờ toàn đi bộ ở vườn hoa gần nhà, nhưng nơi đó điện đèn tù mù nên bữa nào đi ít người là tụi tui không dám ra. Mấy bữa nay mưa lạnh hội tính giải tán luôn. Giờ nghe tin trường học mở cửa cho dân vô thoải mái thì còn chi bằng. Sân trường y như cái công viên sáng trưng, lại an toàn, sạch sẽ như vậy thì cả hội sẽ đi thể dục thường xuyên hơn nữa”.

Theo thầy Đặng Trần Duy Tân (Trường THPT Hoàng Hoa Thám,, quận Sơn Trà), mở cổng trường sau giờ học là rất thiết thực, tạo môi trường thư giãn, giải trí an toàn, lành mạnh cho học sinh và nhân dân. Đây cũng là cách kết chặt hơn mối quan hệ giữa nhà trường và người dân địa phương. 

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, cho hay từ việc mở cổng trường, mở thư viện và các khu tập luyện thể dục thể thao trong hè diễn ra hiệu quả, Sở tiếp tục khuyến khích các trường mở cổng, thắp đèn giúp người dân xung quanh có thêm không gian giải trí.

Thời gian mở cửa hằng ngày từ 17 giờ -21 giờ, riêng ngày nghỉ buổi sáng các trường mở cửa từ 8 giờ - 10giờ 30, chiều từ 14 giờ - 21 giờ.

Ông Vĩnh nhấn mạnh rằng, mục đích của việc mở cổng trường còn nhằm khai thác tối đa công năng cơ sở vật chất nhà trường, không bỏ phí, nhất là trong mùa mưa lạnh.

Hai nhà thi đấu đa năng của Trường THPT Hoàng Hoa Thám  (quận Sơn Trà) từ đầu mùa mưa tới nay, đêm nào cũng đông đúc học trò và người dân tới chơi các môn thể thao. Có gia đình đi tới bốn người vừa thi đấu, vừa làm khán giả. Hai nhà thi đấu này hoạt động hết công suất phục vụ các môn bóng rổ, bóng chuyền… Thầy Đặng Trần Duy Tân, giáo viên phụ trách các hoạt động ngoài giờ của trường cho hay, trước đây nhà thi đấu đa năng chỉ phục vụ cho việc dạy học hoặc làm nơi cho các đội tuyển thể thao của trường tập luyện tăng cường.

“Tuy nhiên, khi mở cổng trường, thấy nhu cầu của người dân không chỉ dừng lại ở việc dạo bộ và chơi các trò chơi không cần tới cơ sở vật chất, nhà trường đã mở cửa nhà thi đấu để họ có thể tham gia nhiều môn hơn. Đặc biệt trong mùa mưa, hai nhà thi đấu này sẽ giúp người dân không bị gián đoạn hoạt động thể dục thể thao”, thầy Tân nói.

Trong khi đó, Trường Tiểu học Núi Thành lại sẵn sàng hỗ trợ phường khi cần địa điểm tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ. Sắp tới đây, trường sẽ xây dựng tủ sách mở cộng đồng để tạo điều kiện cho người dân xung quanh đọc và mượn sách.

“Mọi người đều bức bối vì thiếu nơi giải trí an toàn, lành mạnh. Trong khi đó trường lại “ngủ” đêm, như vậy thì lãng phí quá. Chúng tôi khuyến khích các trường thành lập các câu lạc bộ nghệ thuật, thể dục thể thao, các bộ môn năng khiếu…để người dân cùng tới trường tham gia. Có một địa điểm phục vụ giải trí tốt như vậy, tôi tin rằng đời sống tinh thần của mọi người sẽ phong phú, thú vị hơn”, ông Vĩnh chia sẻ.

Mở cửa trường học để dân vui chơi ảnh 1

Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Sơn Trà, Đà Nẵng) trở thành nơi dân đi bộ thể dục buổi tối. Ảnh: Giang Thanh.

Trường ở Hà Nội, TPHCM chưa thể “sáng đèn”

Sau khi kết thúc một ngày học, các trường ở  Hà Nội lại tận dụng phòng học, không gian cho học sinh vui chơi thể thao và sinh hoạt câu lạc bộ (CLB). Còn ở TPHCM sau giờ học trường đều đóng kín mít cửa.

Nhiều người cho rằng, hiện nay, trường ở Hà Nội chưa thể mở cửa cho người dân vào tập thể dục, vui chơi nhưng cũng tận dụng không gian cho học sinh luyện tập thể thao, sinh hoạt CLB sau giờ học.

Chị Nguyễn Thị Hoài An, có con là học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: “Tuần 3 buổi, tan học chị thường cho con gái chơi bóng rổ thêm khoảng một tiếng rưỡi mới đến đón. Về nhà cháu chỉ có bốn bức tường, không có không gian vui chơi cũng rất bí bách”, chị Hoài An nói.

Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B cho biết, trường hiện có 2.155 học sinh. Dù giờ học kết thúc lúc 4 giờ 30 phút nhưng trường chỉ thực sự tắt điện lúc 9-10 giờ đêm, bởi lẽ học sinh về muộn, lao công quét dọn trường chuẩn bị cho ngày học mới. Theo bà Yến, phụ huynh ở Hà Nội đa số đi làm về muộn nên họ cũng đón con muộn. Vì thế, giáo viên phụ trách, bảo vệ cũng phải trông đến học sinh cuối cùng ra về mới đóng cửa.

Bà Yến cho rằng, người dân, trẻ em Hà Nội cực kỳ thiếu không gian sống, đi bộ. Vì thế, nếu trường học mở cửa cho người dân đi dạo, trẻ vào thư viện đọc sách là việc làm tốt, đáng ngưỡng mộ. “Tuy nhiên, trường ở Hà Nội khó có thể “sáng đèn” vì không quản lý được tài sản chung như: tủ, điều hòa, máy chiếu…nhỡ mất mát hay hỏng hóc không biết bắt đền ai”, bà Yến nói.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Chữ Xuân Dũng cho rằng, việc trường học mở cửa, sáng đèn cho học sinh đọc sách, người dân tập thể dục là việc tốt nhưng phải tùy tình hình thực tiễn, nhu cầu của từng địa phương. Sở GD&ĐT Hà Nội không có văn bản chỉ đạo cũng không cấm các trường. Bởi lẽ, có mở cổng trường hay không phụ thuộc vào nhu cầu của người dân, phụ huynh cũng như trường đó có giải pháp quản lý, bảo vệ tốt hay không nữa. “Ví dụ như Hà Nội, người dân có nhiều kênh thông tin nên có thể nhu cầu vào thư viện của trường đọc sách không cao như nơi khác. Thay vào đó nhiều trường cho các em vui chơi thể thao, sinh hoạt các CLB”, ông Dũng nói.

Tại TPHCM, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh, quận 12, cho biết, TPHCM chưa có chủ trương mở cửa sau giờ học cho người dân vào vui chơi như mô hình mới thực hiện của TP Đà Nẵng. “Đây là một mô hình hay nhưng với TPHCM thì rất khó thực hiện, bởi TPHCM rất đặc thù, phức tạp về tình hình xã hội, nhất là các khu vực vùng ven như quận 12. Nếu có thực hiện thì đòi hỏi phải đồng bộ, phải phối hợp nhiều lực lượng, trong đó có cả công an thì mới đảm bảo được trật tự, an toàn cho người dân”, bà Chi nói.

Tương tự, hiệu trưởng một trường cấp 3 ở quận 1 có khuôn viên rộng, đẹp cũng tỏ ra băn khoăn với mô hình này nếu áp dụng ở TPHCM mặc dù về ý nghĩa rất hợp lý. “Mở cửa để người dân vào vui chơi, thư giãn là tốt nhưng kèm với đó không tránh khỏi các cặp đôi cũng vào hẹn hò, rồi lỡ xảy ra cướp giật, đánh nhau thì sẽ không hay, bởi ai cũng biết TPHCM phức tạp hơn các địa phương khác rất nhiều”, vị hiệu trưởng này nói.

Theo ghi nhận của PV, tại TPHCM sau khi kết thúc giờ học, hầu hết các trường học đều đóng kín mít cửa, có bảo vệ trông coi.

MỚI - NÓNG