Mở đường xuyên thủng khu bảo tồn: Nên không?

Hồ Cao Vân, hồ nước ngọt cung cấp cho hơn nửa triệu dân Quảng Ninh.
Hồ Cao Vân, hồ nước ngọt cung cấp cho hơn nửa triệu dân Quảng Ninh.
TP - UBND huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đang “rục rịch” mở con đường độc đạo dài gần 19km, xuyên thủng khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh. Con đường này còn đi qua đầu nguồn nước cung cấp cho hơn nửa triệu dân. Dự án đang gặp phải nhiều ý kiến phản đối của người dân và các cơ quan chức năng trong tỉnh.

Phá khu bảo tồn để làm đường

Ba Chẽ là một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Quảng Ninh. Toàn huyện đa số là người dân tộc thiểu số và chủ yếu dựa vào đất rừng, thu ngân sách hàng năm của huyện chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện hiện có 3 con đường nối trung tâm huyện đi các đầu mối giao thông của huyện khác nhưng thường bị ngập lụt. Có nhiều trận lũ lớn chia cắt và cô lập hoàn toàn với bên ngoài, phải đợi nước rút các công tác cứu trợ mới tiếp cận được người dân.

Từ năm 2010, huyện Ba Chẽ trình UBND tỉnh Quảng Ninh dự án đường Ba Chẽ - Hạ Long, nối huyện này với đường vành đai phía bắc TP Hạ Long thuộc địa phận xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ. Tuyến đường này dài gần 19km, mặt đường bê tông rộng hơn 5m, là đường cấp IV miền núi. Dự kiến kinh phí ban đầu khoảng 230 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách T.Ư và ngân sách tỉnh Quảng Ninh, nhưng do thiếu vốn nên nhiều năm dự án vẫn chưa được khởi động.

Vào giữa năm 2015, huyện Ba Chẽ tiếp tục có báo cáo đề xuất chủ trương xây dựng dự án này với tổng mức đầu tư đội lên gần 420 tỷ đồng. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt  dự án với lý do đặc thù huyện miền núi, giao thông từ huyện đến các xã và địa phương lân cận còn nhiều khó khăn. Nhưng tổng mức đầu tư của dự án bị tỉnh rút xuống còn gần 307 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư hỗ trợ 255 tỷ, còn lại là ngân sách của huyện.

Điều đặc biệt, dự án này lại đi xuyên qua khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Đồng Sơn – Kỳ Thượng thuộc huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh). Đây là khu bảo tồn đa dạng sinh học được bảo vệ nghiêm ngặt và rừng nguyên sinh của tỉnh. Con đường này nếu được xây dựng sẽ xuyên thủng khu bảo tồn, chia khu bảo tồn ra làm hai phần riêng biệt. Việc chia cắt khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng phá vỡ hệ sinh thái, thu hẹp quần thể môi sinh của muông thú, khó khăn cho công tác bảo vệ động thực vật.

“Tuyến đường này xuyên qua khu bảo tồn gần 7km, phá gần 16ha rừng và đất lâm nghiệp của khu bảo tồn. Không ai bảo đảm khi có con đường này khu bảo tồn sẽ không bị xâm hại và hệ sinh thái của khu bảo tồn sẽ bị ảnh hưởng” - ông Mạc Văn Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh nói.

Con đường còn chiếm dụng 3,17km đường và 8,6ha rừng phòng hộ cùng 5,13km đường và 13,3ha rừng sát đường phân thủy do Cty TNHH MTV lâm nghiệp Hoành Bồ quản lý, cùng thuộc diện rừng phòng hộ. Ngay sau khi xem xét các ý kiến phản hồi từ các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra văn bản chỉ đạo tạm dừng thi công do quy hoạch đi vào khu bảo tồn.

Ngày 28/9/2016, UBND huyện Ba Chẽ có cuộc họp với một số sở, thảo luận có nên thay đổi, điều chỉnh tuyến đối với con đường này. Nhưng quan điểm của UBND huyện Ba Chẽ muốn giữ nguyên phương án đã duyệt, với những lập luận mở tuyến đường xuyên rừng, rút ngắn khoảng cách huyện Ba Chẽ đến thành phố Hạ Long, chỉ chặt hạ 16ha rừng bảo tồn Quốc gia, 13,3ha rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Cao Vân, lợi nhiều
hơn hại?

Triệt hạ nguồn nước sạch?

Theo nhiều người dân đang  sinh sống tại đây, dự án mở đường này không chỉ làm tổn hại nghiêm trọng đến khu bảo tồn quốc gia mà còn có nguy cơ làm ảnh hưởng nguồn nước cung cấp cho hơn nửa triệu dân của hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả. Con đường chạy dọc đầu nguồn của các khe, suối cung cấp nguồn nước chính cho hồ Cao Vân, hồ nước ngọt độc nhất cấp nước cho hơn nửa triệu dân.

Mở đường xuyên thủng khu bảo tồn: Nên không? ảnh 1

Ông Khiếu Anh Tú, Giám đốc Ban quản lý dự án công trình huyện Ba Chẽ giải thích về việc “nắn” con đường để tránh xuyên thủng khu bảo tồn

“Vào mùa khô, nếu không có nước từ hồ Cao Vân cung cấp thì dân chúng tôi sẽ rất khó khăn. Hồ này không chỉ cấp nước mà còn là lá phổi điều hòa cho người dân sống ở khu vực lân cận. Xây dựng một con đường mà làm ảnh hưởng đến hàng triệu người thì có đáng không?” - bà Hoàng Thanh Hương, một cư dân sống ở thành phố Hạ Long, nói.

Hồ Cao Vân thuộc địa bàn xã Hòa Bình, Hoành Bồ, đầu tư xây dựng từ năm 1996 bằng vốn ODA. Với độ cao 40m so với mực nước biển, cung cấp nước lên đến 90 nghìn m3/ ngày. Hồ Cao Vân được xem là “thiên đường nước sạch” cấp nước sinh hoạt cho nửa triệu người ở hai đô thị lớn của Quảng Ninh.

Khi đào đắp đất đá sẽ ảnh hưởng tới việc sinh thủy cung cấp nước cho hồ Cao Vân và gây bồi lắng lòng hồ. UBND huyện Ba Chẽ chưa đánh giá tác động môi trường cẩn thận đối với dự án này. Tuyến đường đi qua khu bảo tồn Đồng Sơn – Kỳ Thượng chưa có văn bản thỏa thuận của Bộ NN & PTNT và ý kiến tham gia của Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Ninh. “Chúng tôi đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo điều chỉnh tuyến đường, tránh làm ảnh hưởng thiên nhiên” - ông Mạc Văn Xuyên nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Khiếu Anh Tú, Giám đốc Ban quản lý dự án công trình huyện Ba Chẽ cho biết: “Nếu nắn con đường vòng ra khỏi khu bảo tồn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tổng chiều dài của con đường sẽ tăng lên thêm 2km và chi phí sẽ đội lên thêm 46 tỷ đồng cho 2km này. Trong khi Trung ương chỉ mới tạm chấp thuận giải ngân có 30 tỷ đồng và tiềm năng của huyện để bù cho chi phí này là bất khả thi”.

Ngay khi vấp phải nhiều sự phản đối của các cơ quan chức năng và người dân, UBND huyện Ba Chẽ đã có sự thay đổi, điều chỉnh định tuyến của dự án. Con đường sẽ được “nắn” đi vòng ra khỏi khu bảo tồn thiên nhiên nhưng vẫn giữ nguyên đoạn đi qua đầu nguồn rừng phòng hộ và các khe suối cung cấp nước cho hồ Cao Vân.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.