Mô hình bác sĩ gia đình: Chưa hấp dẫn bác sĩ

Tư vấn chăm sóc sức khỏe tại gia đình. Ảnh: PV.
Tư vấn chăm sóc sức khỏe tại gia đình. Ảnh: PV.
TPO - Mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) đã xuất hiện từ hơn 100 năm nay trên thế giới nhưng tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu được gần 3 năm và chưa thực sự thu hút được bệnh nhân và bác sĩ.

TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Những người làm nhiệm vụ BSGĐ biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. Đây là lực lượng quan trọng giúp người dân phòng tránh bệnh tật và giải quyết ban đầu bệnh tật, giúp điều phối giữa các chuyên khoa trong điều trị ngoại chẩn và là cầu nối giữa người bệnh với bệnh viện khi cần điều trị nội trú.

Ông Tường thừa nhận, nhiều người dân thờ ơ với BSGD vì chưa hiểu rõ và chưa nhận thấy cái lợi của mô hình này. Còn với không ít bác sĩ mô hình này chưa thực sự hấp dẫn họ vì chưa có nhiều quyền lợi. Đơn cử như tại Việt Nam chưa cho phép phòng khám BSGĐ tư nhân được chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và hưởng bảo hiểm y tế. Điều này khiến nhiều bác sĩ e ngại, không muốn làm việc tại phòng khám BSGĐ tư nhân. Chính vướng mắc về thanh toán bảo hiểm y tế cũng khiến người dân không hào hứng với mô hình này.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết: “Nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại, một số phòng khám bác sĩ y học gia đình còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác, việc cấp chứng chỉ hành nghề BSGĐ còn gặp khó khăn”.  

Đặc biệt đến nay vẫn chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám BSGĐ với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân. Phòng khám BSGĐ tư nhân rất khó tham gia bảo hiểm y tế. Ở những phòng khám BSGĐ lồng ghép trạm y tế, người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại trạm nên không đến khám...

Đến nay Bộ Y tế đã thành lập được 240 phòng khám BSGĐ tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó có 234 phòng khám BSGĐ công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%), đã thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế do các cơ sở khám chữa bệnh này.

TS Trần Quý Tường cho biết thêm, từ năm 2016 đến năm 2020, Sở Y tế các thành phố sẽ có mô hình chuẩn phòng khám BSGĐ. Mô hình này được triển khai đến 100% trạm y tế phường, xã và các phòng khám tư nhân. Sở cũng sẽ hoàn thiện việc xây dựng các biểu mẫu khám, xét nghiệm và chuyển bệnh viện; xây dựng mạng quản lý thông tin, bệnh án điện tử, hệ thống chuyển bệnh viện cũng như các thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh.

MỚI - NÓNG