Mổ ruột thừa cũng 'kính chuyển'

Chưa biết bao giờ bệnh viện mới hết cảnh như thế này. Ảnh: L.N
Chưa biết bao giờ bệnh viện mới hết cảnh như thế này. Ảnh: L.N
TP - Nhiều năm nay, quá tải bệnh viện ở TPHCM đã trở thành căn bệnh trầm kha chưa có lời giải. Hôm qua (29-11), lãnh đạo Bộ Y tế đã làm việc với UBND TPHCM để tìm cách tháo gỡ.

> Nan giải bài toán quá tải bệnh viện

Chưa biết bao giờ bệnh viện mới hết cảnh như thế này. Ảnh: L.N
Chưa biết bao giờ bệnh viện mới hết cảnh như thế này. Ảnh: L.N.

Bệnh gì cũng kính chuyển

“Các bệnh viện tuyến tỉnh giờ đây mổ ruột thừa vô tư nhưng không hiểu sao vẫn chuyển lên tuyến trên?” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặt câu hỏi. Theo bà, nếu không tăng đầu tư cho y tế tuyến tỉnh, không phân tuyến kỹ thuật khám chữa bệnh ban đầu, các bệnh viện tuyến dưới sẽ còn kính chuyển dài dài.

TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, lý giải cơ chế tài chính góp phần gây quá tải hiện nay. “Tiền khám, tiền giường bệnh mười mấy năm nay chưa đổi nên không thể tái đầu tư được. Ngành y tế chỉ có thể làm tốt về chuyên môn, còn cơ sở vật chất, cơ chế tài chính, đầu tư phải trông cậy vào các ngành khác nữa” - ông Khuê nêu vấn đề.

Trong khi đó, ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, một mình ngành y tế không thể giải quyết được vấn nạn này: “Giải bài toán quá tải bệnh viện cần sự quan tâm phối hợp đồng bộ từ trung ương đến địa phương, ban ngành chứ một mình ngành y tế không làm được”.

Ông Thanh cho rằng, nếu không cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật cho y tế tuyến tỉnh, chuyển một phần phòng khám bệnh viện thành phố đến bệnh viện quận huyện làm mô hình bệnh viện vệ tinh…thì khó nói đến giải pháp giảm tải bệnh viện.

Ông Lương Ngọc Khuê cảnh báo: “Quá tải sẽ trầm trọng hơn nếu không tăng giường bệnh cho kịp tình hình gia tăng dân số và diễn biến bệnh tật hiện nay”. Theo ông, hiện Việt Nam mới đạt 20,4 giường bệnh/10.000 dân, trong khi các nước trong khu vực đã đạt 33,4 giường.

Quá tải ở bệnh viện TPHCM hiện nay là điều dễ hiểu, bởi bệnh viện TP có hơn 31.000 giường bệnh, tương đương gần 40 giường bệnh/10.000 dân, với 12,2 bác sĩ/10.000 dân, rất thấp so với chuẩn khu vực. Trong khi tổng số lượt khám gia tăng chóng mặt.

“Mỗi ngày các bệnh viện đều phải nhận bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú vượt 2.000 - 3.000 lượt bệnh nhân/ngày. Đối với BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, trung bình tiếp nhận 5.000 lượt bệnh nhi mỗi ngày. Tình trạng quá tải tập trung vào các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành và các BV đa khoa hạng 1 có định hướng phát triển chuyên khoa sâu và kỹ thuật cao.

TPHCM: chờ bệnh viện cửa ngõ vào hoạt động

Ông Nguyễn Việt Thanh cho rằng, muốn TPHCM giảm tải cần có những bước đột phá cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất. “Các dự án bệnh viện cửa ngõ TPHCM bị chôn chân do vướng đền bù giải tỏa. Nếu 5 bệnh viện cửa ngõ đi vào hoạt động sẽ có thêm gần 5.000 giường bệnh”- ông Thanh nói.

Xác định nguyên nhân chính của gần 60% số bệnh nhân vượt tuyến gây quá tải, bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, đề xuất tạo ra nhiều cơ sở vệ tinh sẽ hạn chế được tình trạng này. Theo BS Minh, những bệnh viện quận huyện, thậm chí bệnh viện tỉnh không sử dụng hết công suất thì giao lại một phần hoặc toàn bộ cho BV Ung bướu TPHCM để triển khai cơ sở vệ tinh.

Đồng quan điểm trên, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thừa nhận các bệnh viện quận huyện chỉ sử dụng 60% công suất: “Một số bệnh viện như Bình Chánh, Bình Tân thường tiếp nhận các trường hợp tai nạn giao thông nhưng phần lớn chuyển về BV Chấn thương chỉnh hình hoặc BV Chợ Rẫy”. Theo ông, cần mở rộng các cơ sở, bệnh viện vệ tinh cho các bệnh viện tuyến trên để tạo uy tín thu hút bệnh nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, giải quyết quá tải bệnh viện không thể ngày một ngày hai, càng không thể một mình ngành y tế làm được mà cần có sự tham gia của các cấp, các ngành. Bà Tiến đồng ý với quan điểm: “Phải tăng cường đầu tư cho y tế tuyến tỉnh, phân tuyến kỹ thuật khám chữa bệnh…”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG