Gian lận trong quản lý, sử dụng nước sạch tại TP.HCM:

Mỗi năm, hàng tỷ đồng nước sạch bị “đánh cắp”

Mỗi năm, hàng tỷ đồng nước sạch bị “đánh cắp”
Trong quý 1/2005, Cty cấp nước TPHCM (CTCN) đã bắt quả tang và lập biên bản xử lý hơn 80 trường hợp gian lận với lượng nước sạch bị đánh cắp lên tới hàng vạn m3.

Tuy chưa có con số thống kê, nhưng theo ước tính của một lãnh đạo Cty cấp nước TP.HCM, trong số tỷ lệ nước sạch thất thoát 33% trong năm 2004, thì thất thoát do gian lận chiếm tỷ trọng rất cao. Các trường hợp gian lận phát hiện được trong thời gian qua chỉ là phần nổi của tảng băng ...

Khi nước sạch là... chùm khế ngọt!

Ngày 23/3, qua tin báo của người dân, CTCN phối hợp với chính quyền địa phương bất ngờ kiểm tra, phát hiện 46 hộ ở phường 25, quận Bình Thạnh có hành vi gian lận nước sạch. Nhiều hộ ngăn phòng cho thuê hoặc bán nước cho các tàu cập cảng bằng nước sạch câu “chùa” của nhà nước.

Tổng số nước sạch bị thất thoát phát hiện được trong quý 1/2005 lên tới 38 nghìn m3, trong đó số tiền đã truy thu được lên tới 230 triệu đồng.

Trước đó, CTCN đã phát hiện 355 trường hợp vi phạm với số thất thoát lên đến 283 nghìn m3, trị giá trên 2,5 tỷ đồng. Tại xóm Giá, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, chi nhánh Phú Hoà Tân đã phát hiện 23 hộ vi phạm, trong đó có 6 hộ được lắp đồng hồ nước (ĐHN).

Số nước thất thoát cần truy thu là hơn 14.100m3, trị giá gần 119 triệu đồng. Tại quận 9, trong số trên 100 trường hợp gian lận phát hiện trong năm 2004 thì có 98 trường hợp xảy ra tại phường Phước Bình. Không chỉ các hộ lẻ mà các đơn vị, doanh nghiệp lớn cũng tham gia câu trộm nước sạch của nhà nước.

Qua nhiều lần theo dõi, CTCN phối hợp với thanh tra GTCC và chi nhánh Nhà Bè bắt tại trận Khách sạn Vạn Phát (số 28/6 Lý Phục Man, quận 7) sử dụng nước trái phép với lượng nước phải truy thu là 16 nghìn m3 trị giá hơn 141 triệu đồng.

Để che mắt cơ quan chức năng, đơn vị này đã đổ bê tông chỗ nối kết của ống nước cho dính liền với đà kiềng nên CTCN phải cho đào nền nhà kiểm tra mới phát hiện được.

Theo ông Trần Công Thanh, trưởng phòng Thanh tra Kiểm sát (CTCN), người dân có rất nhiều kiểu nhưng có 3 kiểu ăn cắp nước nước thông dụng nhất. Đó là, câu mắc trực tiếp vào đường ống chính (không cho nước chảy qua ĐHN) hoặc cắt tê (T) trên đường ống phụ ngay phía trước ĐHN và dùng hệ thống van đóng –mở, muốn xài loại “trả tiền”  hay xài “chùa” đều được.

Một kiểu gian lận khác rất thường gặp là người vi phạm tác động vào làm ĐHN ngưng chạy (hoặc chạy chậm) như khoan lỗ trên ĐHN rồi xỏ kim dừng nhảy số hoặc tác động cho số chạy chậm. Bên cạnh đó, có trường hợp còn tháo cả nắp và đổ vào ĐHN một chất keo kết dính khiến đồng hồ ngưng chạy (hỏng) hoặc chạy không còn chính xác.

Nhiêu khê công tác xử  lý vi phạm!

Theo ông Trần Công Thanh, hiện nay, ngành cấp nước phát hiện gian lận dựa trên kết quả so sánh giữa lượng nước sử dụng thực tế và quy mô sử dụng của khách hàng (số người, quy mô sản xuất, áp lực nước qua ống).

Thuật tính này rất khó và thiếu chính xác do nhiều nơi sử dụng thêm nước giếng. Vì vậy, việc phát hiện gian lận chủ yếu dựa vào trình độ, nghiệp vụ của nhân viên quản lý đồng hồ và địa bàn, trong khi, thủ thuật gian lận ngày càng tinh vi.

Khi phát hiện dấu hiệu gian lận, Cty cấp nước phải kết hợp với chính quyền, CA địa phương vì “tang vật” luôn được xây ngầm và ngụy trang khéo léo dưới mặt đất nên thường phải đào nền nhà lên. Các hộ vi phạm có thể nại cớ này để bất hợp tác, đe dọa hành hung, gây khó khăn cho công tác kiểm tra.

Theo quy định, việc đào kiểm tra gian lận tại một số tuyến đường trung tâm thành phố còn phải xin phép. Trong thời gian qua, việc phát hiện dựa theo tin báo của quần chúng nhân dân. Ngành cấp nước đã có chế độ thưởng cho những cá nhân báo tin chính xác là 200 nghìn đồng/địa chỉ và 20% tổng số tiền truy thu được (nếu là nhân viên trong ngành thì được thưởng 100 nghìn đồng và 10%).

Đến nay, Cty đã trích thưởng hơn 38 triệu đồng cho 15 người ngoài Cty, trong đó người được thưởng cao nhất là hơn 12,2 triệu đồng. Tuy nhiên, quy định này hiện vẫn còn ít người biết để tham gia đấu tranh chống tiêu cực. Thực tế, 50% số tin do người dân cung cấp là chính xác nhưng cũng có rất nhiều tin báo sai sự thật, ác ý nhằm ý đồ trả thù gây rất nhiều khó khăn cho ngành.

Ngay cả khi bắt quả tang, lập biên bản vi phạm thì việc truy thu tiền nước cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong số các trường hợp nổi cộm kể trên thì KS Vạn Phát mới thanh toán 50%, Xóm giá phường Hiệp Tân hơn 40%, …

Riêng tại phường Phước Bình, quận 9 có đến 35/98 trường hợp vi phạm không đến làm việc đã được mời nhiều lần. Hiện nay, CTCN đã kiện ra tòa một số trường hợp vi phạm. Ông Thanh kể : 3 năm trước, Cty kiện ra tòa đòi một người nhập cư bồi thường vì có hành vi gian lận nước. Sau 3 năm, tòa án tuyên người vi phạm phải trả cho CTCN 6 triệu đồng nhưng kẹt nỗi người phải thi hành đã về Quảng Bình. Việc đòi nợ vì thế trở nên quá … xa vời.

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG