Một đạo luật đề cao quyền con người

Các đại biểu Quốc hội thông qua Luật tạm giữ, tạm giam.
Các đại biểu Quốc hội thông qua Luật tạm giữ, tạm giam.
TP - Người bị tạm giam, tạm giữ, chưa bị kết án được thực hiện các quyền cử tri; người mang thai hoặc đang tuổi vị thành niên được hưởng nhiều chính sách ưu ái. Đó là những thông tin quan trọng trong Luật Tạm giữ, tạm giam vừa được Quốc hội thông qua.

Quyền cử tri được đảm bảo

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng việc Quốc hội thông qua luật Tạm giữ, tạm giam ngày 25/11 thể hiện bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp, đặc biệt, đó là việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp khi chưa có một bản án, hay quyết định có hiệu lực của cơ quan tòa án.

Đơn cử như Điều 8 của đạo luật quy định các hành bị nghiêm cấm, như tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, hạ nhục con người, hoặc bất kỳ hình thức nào xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam. Cũng tại văn bản này, hành vi cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân theo quy định của luật này và luật khác có liên quan, cũng bị liệt kê vào những điều nghiêm cấm.

Điều 9 của Luật Tạm giữ, tạm giam quy định, người bị tạm giữ, tạm giam, ngoài việc được bảo vệ an toàn tính mạng, chăm sóc sức khoẻ, tôn trọng danh dự, nhân phẩm, còn  được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo…

Liên quan chế định chế độ ăn, ở, quản lý người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, văn bản này quy định, những phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe. Trong tình huống sinh con, những người này được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sỹ hoặc bác sỹ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh, được bảo đảm thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Ngoài ra, cơ sở giam giữ có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh, UBND cấp xã nơi cơ sở giam giữ đóng trụ sở có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh. Về chỗ ăn ở, sinh hoạt, Luật này yêu cầu người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng, được bố trí chỗ nằm tối thiểu 3 mét vuông.

Về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở giam, giữ, Luật Tạm giữ, tạm giam nêu rõ, cơ sở giam giữ phải tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên, phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng; trường hợp không có thân nhân nhận nuôi dưỡng, thủ trưởng cơ sở giam giữ đề nghị sở LĐ-TB&XH nơi có cơ sở giam giữ chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Trong thời hạn 2 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, sở LĐ-TB&XH chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng.

Cũng theo đạo luật, người bị tạm giữ, tạm giam khi chưa thành niên, ngoài các chế độ dinh dưỡng như người bình thường, còn được hưởng thêm khoản dinh dưỡng (thịt, cá) cao hơn. “Điều này góp phần thể hiện bản chất nhân văn, nhân đạo trong quá trình lập pháp đặc biệt đề cao quyền con người của nhà nước ta” –  thẩm phán Nguyễn Xuân Văn (Chánh án TAND huyện Gia Lâm, Hà Nội) nói. 

MỚI - NÓNG