Một vùng cỏ áy bóng tà

Một cái miếu được xây dựng để thờ chung 500 linh hồn ở chiến khu Đ
Một cái miếu được xây dựng để thờ chung 500 linh hồn ở chiến khu Đ
TP - Chiến khu Đ ra đời vào năm 1960, tại vị trí hiện nay thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai. Đằng sau những chiến công lẫy lừng đi vào thơ văn một thời, vẫn còn đây những ánh mắt buồn khi người về thăm lại di tích ấy.

Ông Nguyễn Văn Mùi, Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên- văn hóa Đồng Nai cho biết, Khu bảo tồn tổng diện tích tự nhiên của khu bảo tồn lên tới hơn 100.303 ha, gồm: 67.903 ha đất lâm nghiệp và 32.400 ha mặt nước (hồ Trị An). Nơi này có 1.401 loài thực vật, thuộc 589 chi, 156 họ.

Trong đó, có 6 loài thực vật đặc hữu của Đồng Nai, như Cù đèn Đồng Nai; Lát hoa Đồng Nai; Ngâu Biên Hòa; Bướm bạc Biên Hòa; Hạ đệ; Xú hương Biên Hòa... Khu bảo tồn có 1.729 loài động vật, côn trùng hoang dã thuộc 238 họ, 52 bộ động vật. 

Ngày nay chiến khu Đ được phục dựng mới nhiều hạng mục như hầm hào, lán trại, bếp, khu y tế, nhà tưởng niệm. Nơi này còn có Nhà lưu niệm Trung ương cục, bên suối Nhung.

Các cựu chiến binh sư đoàn 9, sư chủ lực của Miền cho biết “Chính tại suối Nhung, Trung ương cục đã có những cuộc họp quan trọng đầu tiên quyết định thành lập các sư đoàn chủ lực của ta chuẩn bị đối phó với việc Mỹ sẽ đổ bộ vào miền Nam”. Ông Nguyễn Văn Linh được cử làm Bí thư Trung ương cục. 

Khách tới tham quan thường được nghe đọc lại bài thơ tả cảnh cưa chân một thương binh, mà thi tướng Huỳnh Văn Nghệ viết “... Bác sĩ cưa chân một thương binh bằng cưa thợ mộc/ Bác sĩ vừa cưa vừa khóc/ Chị cứu thương nước mắt tràn trề/ Người chiến sĩ vẫn mê mải hát/ Cưa cứ cưa, xương cứ đứt/ Máu cứ rơi những giọt đỏ hồng...”.

Nghĩa trang kèm với miếu 

Chúng tôi được đưa tới nghĩa trang xây dựng bằng đá, bê tông khá đẹp. Điều lạ mắt là khác với các nghĩa trang thông thường, nơi đây chỉ dựng bức tượng một người chiến sĩ ngã trong vòng tay đồng đội, phía dưới in dòng chữ Ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ.

Trong nghĩa trang hoàn toàn không thấy một nấm mộ nào. Dưới một gốc đa lớn, xây cái miếu nhỏ thờ hương hồn liệt sĩ. Đoàn khách mới tới công phu đưa vòng hoa vượt hàng trăm cây số, họ không đem hoa vào nghĩa trang mà đặt trước miếu. Hương khói nghi ngút. 

Nhìn khung cảnh nghĩa trang vắng các nấm mộ, lòng người không khỏi bùi ngùi. Chiến khu Đ là một trong những chiến khu đầu tiên ở Nam bộ. Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng chiến khu Đ. Số là lúc thế giặc mạnh, ông được lệnh rút ra hướng Bắc, nhưng ông “chống lệnh” một mình ở lại.   

Theo nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy, Huỳnh Văn Nghệ từng kể lại trong lý lịch tự khai của mình: Tại Biên Hòa, khi “bộ đội, cơ quan bị địch (Nhật) hăm dọa, bắt buộc đều rút khỏi thị xã hai đêm một ngày trước khi bọn Anh - Ấn đến, phần lớn đi về Xuân Lộc để ra Bắc.

Mặc dù Ủy ban Kháng chiến miền Đông ra lịnh tôi phải rút theo về hướng đó, nhưng tôi vẫn ở lại một mình với hai đội viên, xin chỉ thị của đồng chí Dương Bạch Mai, Thanh tra chính trị miền Đông, tổ chức đốt phá tòa bố, sở cò, nhà bưu điện, trấn tĩnh tinh thần đồng bào trong thị xã, gom góp tàn binh, vũ khí của các lực lượng bỏ rơi rớt lại lúc rút lui. Kết quả thu được 23 khẩu súng trường đem về Tân Uyên xây dựng lực lượng”.

“Ngày chiến tranh, các ngôi mộ được chôn dưới các gốc cây đa để làm dấu và để giữ bí mật không cho đối phương biết khu căn cứ của ta. Khi chiến khu Đ và Trung ương cục chuyển đi nơi khác, khu nghĩa trang thiếu người chăm sóc, cỏ cây đã mọc trùm lên hết”. 

Hướng dẫn viên giới thiệu
Huỳnh Văn Nghệ để lại những câu thơ nổi tiếng: “Từ độ mang gương đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Người dân địa phương thường thân mật gọi giải phóng quân chiến khu Đ là “Bộ đội Huỳnh Văn Nghệ”. Tiếc rằng người nằm xuống ở chiến khu Đ bây giờ gồm những ai? Địa chỉ quê quán ở đâu vẫn còn chưa biết hết.

Nhà các anh giữa đám rễ đa

Vào nghĩa trang mà không thấy mộ đâu, chúng tôi hỏi, chị Dung hướng dẫn viên kể: “Chiến khu Đ vốn có nghĩa trang chôn cất hơn 500 liệt sĩ, nhưng trải qua thời gian mưa gió, suối cuối trôi, núi lở, từ năm 1960 đến nay cái nghĩa trang bị san phẳng hết rồi”. Hóa ra nghĩa trang bằng đá hoa chỉ là nghĩa trang mang tính cách tượng trưng. 

Một vùng cỏ áy bóng tà ảnh 1 Ngôi mộ liệt sĩ Việt đã được gia đình tìm thấy

Chúng tôi đi theo đường mòn, giữa rừng cây đa cổ thụ chọc trời, gần như không thấy ánh mặt trời. Cây cỏ mọc chằng chịt. Khu rừng hàng trăm cây đa lớn, rễ buông phủ khắp mặt đất. Không nhìn thấy nấm mồ nào cả. Không khí vắng ngắt, lạnh lẽo. Xế chiều mà rừng đã dâng đẫm sương.

“Mộ nằm đâu hết rồi?”. Chúng tôi hỏi. Người hướng dẫn viên đáp: “Làm gì còn mộ nữa chứ”. Cô giải thích: “Ngày chiến tranh, các ngôi mộ được chôn dưới các gốc cây đa để làm dấu và để giữ bí mật không cho đối phương biết khu căn cứ của ta. Khi chiến khu Đ và Trung ương cục chuyển đi nơi khác, khu nghĩa trang thiếu người chăm sóc, cỏ cây đã mọc trùm lên hết”. 

Rễ cây lan khắp mặt đất, lớp lớp cỏ dại cũng mọc xanh rì. Anh Quang, một nhà văn ở Đồng Nai vốn chiến đấu tại khu vực này kể: “Khu rừng trước cũng đã tươi tốt. Lúc thực phẩm khó khăn khoảng 3 tháng chúng tôi lại bắn một con voi để cải thiện”. Theo anh Quang và nhiều cựu chiến binh, các nấm mồ liệt sĩ hiện đang nằm dưới những bộ rễ đa.

Giấc mộng bên suối Nhung

Trong nhà lưu niệm Trung ương cục trên đồi, các vị chỉ huy, tướng lĩnh được đúc tượng đồng, ghi tên tuổi từng người. Trong rừng cây đa rộng chừng 70 ha, người ta đã đắp chừng chục nấm mộ gió trên khoảng đất nhỏ. Những nấm mộ chỉ cao chừng hơn vài chục cm, trên đặt lư hương, không mộ chí.

Theo lời giới thiệu, đấy chính là nghĩa trang liệt sĩ của cán bộ chiến sĩ chiến khu Đ. Nhìn những nấm mộ gió nhỏ nhoi và lẻ loi giữa màu xanh bạt ngàn rừng cổ thụ, lại hình dung một thời chiến khu đã đầm ấm tình anh em đồng chí.   

Một vùng cỏ áy bóng tà ảnh 2 Những ngôi mộ gió trong rừng đa cổ thụ

Liên lạc với anh Thành, cán bộ Hội cựu chiến binh tỉnh Đồng Nai, anh cho biết: “Nghĩa trang trong chiến khu Đ được hình thành qua nhiều thời kỳ. Những mộ mới chôn những năm 1974-1975 thì anh em đã tìm thấy, đưa về nghĩa trang rồi. Nhưng số ấy chỉ chiếm số ít thôi. Phần lớn mộ của anh em khác hi sinh từ những thời kỳ trước, do các đơn vị đã di chuyển đi, không thấy ai đến tìm mộ nữa”.

Cán bộ di tích nói nghĩa trang chiến khu vốn có tới 500 ngôi mộ, một số người khác nói con số có thể cao hơn, mà giờ đây đã quy tập được là bao. Nghĩa trang gần như đã bị xóa mọi dấu vết, không chỉ do mưa gió bào mòn mà còn bởi cả sự lãng của con người nữa. 

Chỉ thấy vẻn vẹn một tấm bia đề liệt sĩ Nguyễn Sỹ Việt, quê Nghệ An, hi sinh năm 1969. Chị Dung làm ở Khu di tích cho biết: “Gia đình liệt sĩ Việt nằm mơ, được báo mộng nói rằng: con đang nằm ở bên suối trong chiến khu Đ, nếu gia đình không sớm đưa về thì con sẽ bị nước suối cuốn đi vĩnh viễn”.   

Gia đình liệt sĩ nhờ nhà ngoại cảm, tìm thấy mộ anh Việt bên suối, đưa về quê. Quả con suối bị lở cũng đã tới sát ngôi mộ nằm trong đám cỏ cây. Câu chuyện tâm linh ấy dường như nhắc nhở với người hôm nay rằng nghĩa trang chiến khu Đ không hẳn đã chìm vào lãng quên. Ở nơi nào đó, những lúc nào đó, vẫn không ít gia đình thân nhân người ngã xuống vẫn khắc khoải đi kiếm tìm những người con, người anh của họ nằm trong rừng đa.

MỚI - NÓNG