Muôn màu "quỹ đen" ở Cần Thơ

Muôn màu "quỹ đen" ở Cần Thơ
TP - Tính cả vụ sử dụng sai mục đích Quỹ tấm lòng vàng ở Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ mới phát hiện gần đây, thành phố Cần Thơ trong mấy năm qua đã có 11 vụ quỹ đen.
Muôn màu "quỹ đen" ở Cần Thơ ảnh 1
Bà Trần Ngọc Sương, sau khi nhận cáo trạng ngày 6/7/2009, cho biết sẽ khiếu nại vì cho rằng bị truy tố oan. Ảnh: Sáu Nghệ

Đến nay, quỹ đen được phát hiện ở đủ cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp, bệnh viện, nhà trường, đoàn thể. Nguồn tiền lập quỹ rất đa dạng, nhưng có thể chia ra hai dạng chính: Một là tiền tự làm ra, hai là tiền lấy từ ngân sách nhà nước. Mỗi dạng như thế lại có nhiều cách.

Tiền tự làm ra, chủ yếu ở các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan sự nghiệp. Nông trường Sông Hậu trong thời gian 2001 - 2007, bằng sản xuất phụ, làm ra 9,4 tỷ đồng, đưa vào “quỹ công đoàn” (các con số trong bài này được làm tròn).

Cũng tiền làm ra được đưa vào “quỹ công đoàn” còn có ba đơn vị khác. Cty Phát triển - Kinh doanh Nhà Cần Thơ, trong ba năm (2005 - 2007), dịch vụ kinh doanh, làm ra 952 triệu đồng. Phòng Quản lý Đô thị quận Ninh Kiều, tính đến năm 2006, dịch vụ đo vẽ, làm ra 6,4 tỷ đồng. Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, trong khoảng 10 năm (từ 2003 trở về trước), dịch vụ giữ xe, chữa bệnh, làm ra 5,3 tỷ đồng.

Lấy tiền từ ngân sách, chủ yếu xảy ra ở các cơ quan hành chính và cơ quan sự nghiệp, quỹ được gọi bằng nhiều tên, đều chi cho lợi ích cục bộ. Ở cơ quan hành chính, nổi tiếng là vụ việc lập quỹ đen tại UBND TP Cần Thơ cùng Sở Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư... Với chủ trương trích thưởng thành tích thu thuế vượt kế hoạch, trong năm 2005, trích hơn 5,3 tỷ đồng.

Các cơ quan sự nghiệp lấy tiền ngân sách bằng cách gian lận. Trung tâm Giống nông nghiệp Cần Thơ, trong bảy năm (2000 - 2006), làm các hợp đồng khống, lấy được 919 triệu đồng. Trường Nghiệp vụ Thể dục - Thể thao Cần Thơ, trong năm năm (2001 - 2005), lập danh sách học viên và huấn luyện viên khống, lấy được một tỷ đồng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Cần Thơ (trước năm 2005), bớt xén kinh phí của hơn 10 dự án dành cho chị em nghèo, lấy được một tỷ đồng. Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em huyện Cờ Đỏ, trong hai năm (2004 - 2005), bớt kinh phí dành cho trẻ em, lấy được 152 triệu đồng.

Còn quỹ đen ở Liên đoàn Lao động Cần Thơ, chủ yếu từ nguồn tiền do các nhà hảo tâm đóng góp, được giữ lại cho vay lấy lãi hoặc bớt xén, 1,4 tỷ đồng.

Chi xài tràn cung mây

Những đơn vị tự làm ra tiền quỹ, phần lớn chi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ để làm ra số tiền đó. Nông trường Sông Hậu, trong 9,4 tỷ đồng, cơ quan tố tụng chấp nhận những khoản chi như vừa nêu là hợp lệ 3,8 tỷ đồng. Nhà máy Nước ngọt Hậu Giang, trong 3,9 tỷ đồng đã chi hợp lệ 3,4 tỷ đồng.

Phòng Quản lý Đô thị quận Ninh Kiều, trong 6,4 tỷ đồng thì chi hợp lệ 1,5 tỷ đồng. Những đơn vị sự nghiệp làm ra quỹ, cũng dành phần đáng kể chi cho các hoạt động chuyên môn, mua sắm phương tiện làm việc. Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, trong 5,3 tỷ đồng quỹ đen đã trích hơn 35 phần trăm bổ sung vào kinh phí hoạt động.

Số tiền quỹ còn lại của quỹ tự làm ra, chủ yếu được chi cho cán bộ công nhân viên trong đơn vị và sau cùng mới tiếp khách, mua quà tặng. Điều này, có khác với các đơn vị lấy tiền ngân sách lập quỹ, chi rất nhiều cho việc tiếp khách, mua quà tặng.

Trung tâm Giống nông nghiệp Cần Thơ, tiếp khách ăn nhậu hết 188 triệu đồng. Trường Nghiệp vụ Thể dục - Thể thao Cần Thơ, tiếp khách và quà cáp hết 148 triệu đồng.

Quỹ ở UBND TP Cần Thơ còn phải chi số tiền khá lớn cho các cơ quan khác. Chỉ tính hai công văn của UBND TP Cần Thơ “đồng ý cho quyết toán chi phí đi công tác Hà Nội làm việc với bộ, ngành, trung ương” đã là một tỷ đồng, trong đó, có những khoản chi “mua quà đi chúc tết cho một số bộ ngành.

Còn quỹ ở Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ, chủ yếu chi tiếp khách ăn nhậu, quà cáp. Quỹ ở Ủy ban Dân số Gia đình & Trẻ em huyện Cờ Đỏ, chủ yếu vào tay bà Chủ nhiệm Phan Mỹ Hương vì cơ quan này chỉ có hai người.

Xử lý

Phóng viên Tiền Phong hỏi một vị lãnh đạo của TP Cần Thơ: “Việc tồn tại quỹ đen có nguyên nhân lịch sử và là tình trạng chung của cả nước, tại sao gần đây TP Cần Thơ xới lên nhiều vụ?”.

Vị lãnh đạo trả lời: “Do đơn tố cáo và Trung ương chỉ đạo”.

Trong sáu vụ lấy tiền ngân sách và tiền từ thiện để lập quỹ nêu trên, có bốn vụ xử lý hành chính, bằng các hình thức cách chức, cảnh cáo, khiển trách. Có hai vụ xử lý hình sự: Bà Phan Mỹ Hương, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình & Trẻ em huyện Cờ Đỏ bị xử tù treo vào năm 2008; ba vị cán bộ Trường Nghiệp vụ Thể dục - Thể thao Cần Thơ bị xử tù giam (sơ thẩm) đầu năm 2009.

Vụ lập quỹ 5,3 tỷ đồng ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, xử lý hành chính. Vụ 6,4 tỷ đồng ở Phòng Quản lý Đô thị quận Ninh Kiều, ngày 24/5/2006 khởi tố vụ án “lập quỹ trái phép”, sau đó khởi tố bị can 12 cán bộ, xôn xao dư luận một thời. Ngày 27/2/2009, cơ quan chức năng có quyết định đình chỉ vụ án.

Vụ ở Nhà máy Nước ngọt Hậu Giang, theo các cơ quan tố tụng, tiền quỹ 3,9 tỷ đồng (gây thất thoát 532 triệu đồng), khởi tố vụ án lập quỹ trái phép ngày 12/6/2007. Sau đó, khởi tố bị can hai người là nguyên giám đốc Khưu Ngọc Thanh và nguyên kế toán trưởng. Ngày 31/3/2009 có cáo trạng,  đang chờ xét xử.

Vụ ở Nông trường Sông Hậu, theo các cơ quan tố tụng, tiền quỹ 9,4 tỷ đồng (gây thất thoát 5,6 tỷ đồng). Ngày 6/7/2009, cơ quan chức năng có cáo trạng, đang chờ xét xử.

Cần nói thêm, các quỹ nêu trên, hầu hết hình thành đã lâu, năm 2004, khi Luật Ngân sách có hiệu lực, mới chính thức bị cấm nhưng nhiều quỹ vẫn tồn tại theo quán tính. Riêng các loại quỹ từ tiền từ thiện hoặc gian lận ngân sách, không có chủ trương cho hình thành, mới được sinh ra.

MỚI - NÓNG