Năm 2021, Hà Nội có tàu điện ngầm

Lễ ký kết hợp đồng về thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống metro đầu tiên tại Hà Nội giữa Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) với liên danh các nhà thầu Pháp do Alstom đứng đầu cùng Colas Rail và Thales. Ảnh: Mỹ Ngọc
Lễ ký kết hợp đồng về thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống metro đầu tiên tại Hà Nội giữa Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) với liên danh các nhà thầu Pháp do Alstom đứng đầu cùng Colas Rail và Thales. Ảnh: Mỹ Ngọc
TP - Sáng 17/1 tại Hà Nội diễn ra lễ ký kết hợp đồng về thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống metro đầu tiên tại Hà Nội giữa Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) với liên danh các nhà thầu Pháp do Alstom đứng đầu cùng Colas Rail và Thales.

Tổng giá trị hợp đồng tương đương 7.667 tỷ đồng. Alstom cam kết dự án sẽ được thực hiện đúng tiến độ với tổng thời gian lắp đặt là 47 tháng. Tất cả các bên đều tin tưởng tới năm 2021, người dân thủ đô sẽ được sử dụng tuyến tàu điện ngầm đầu tiên Nhổn - Ga Hà Nội.

Tuyến tàu điện ngầm số 3 từ ga Hà Nội tới Nhổn dài 12,5 km  gồm 12 ga và 1 đề pô tại Nhổn cho các hoạt động bảo dưỡng tàu. Theo thiết kế, tuyến metro này sẽ chuyên chở 8.600 hành khách mỗi giờ theo mỗi chiều. Năng lực vận tải này sẽ được tăng dần trong vòng 10 năm tiếp theo.

Năm 2021, Hà Nội có tàu điện ngầm ảnh 1 Quốc vụ khanh phụ trách GTVT, biển và nghề cá Cộng hòa Pháp Alain Vidalies, Đại sứ Pháp Berthand Lortholary tại công trường xây dựng tuyến metro số 3 tại khu vực ga đề - pô Minh Khai, Nhổn sáng 17/1. 

Alstom sẽ cung cấp và tích hợp hệ thống metro bao gồm 10 đoàn tàu Metropolis, Urbalis 400, ứng dụng giải pháp CBTC của Alstom để điều khiển chuyển động tàu, cho phép tàu chạy với tần suất và tốc độ cao nhưng vẫn tuyệt đối an toàn, và hệ thống điện cũng như thiết bị đề - pô sẽ được cung cấp cùng với nhà thầu Colas.

“Xin khẳng định lại, chúng tôi sẽ sử dụng công nghệ tốt nhất, hiện đại nhất cho hệ thống metro ở Hà Nội”.

Phó Chủ tịch tập đoàn Alstom Philippe Delleur

Tham dự lễ ký kết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho cho biết: Đây là dự án giao thông rất quan trọng của Hà Nội, vừa qua với sự nỗ lực của các bên, tiến độ dự án đã được thúc đẩy nhanh hơn so với thời gian trước. Ông Chung cũng đề nghị nhà thầu Pháp tuân thủ đúng thời hạn cam kết, tuân thủ yêu cầu về an toàn lao động, đồng thời yêu cầu Ban quản lý dự án và UBND các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm nơi có dự án đi qua phối hợp tốt để đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Sau lễ ký kết, Quốc vụ khanh phụ trách GTVT, biển và nghề cá Cộng hòa Pháp Alain Vidalies, Đại sứ Pháp Berthand Lortholary và đại diện nhà thầu Alstom đã trực tiếp xuống khảo sát hiện trường xây dựng tuyến metro số 3 tại khu vực ga đề - pô Minh Khai, Nhổn.

Năm 2021, Hà Nội có tàu điện ngầm ảnh 2

Phó Chủ tịch tập đoàn Alstom Philippe Delleur  trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong tại công trường xây dựng tuyến metro số 3 ngày 17/1

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Tiền Phong tại hiện trường, Quốc vụ khanh phụ trách GTVT, biển và nghề cá Cộng hòa Pháp Alain Vidalies nói: “Lễ ký kết sáng nay là một bước rất quan trọng trong dự án của chúng ta, tuy nhiên dự án chỉ có thể kết thúc khi người dân Hà Nội được thực sự sử dụng tuyến metro này. Trong bài phát biểu sáng nay, ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã thể hiện sự tin tưởng của mình vào sự thành công của dự án. Cá nhân tôi cũng tin tưởng rằng, các DN Pháp tham gia vào dự án sẽ đáp ứng được sự tin tưởng đó của ông chủ tịch”.

Đại sứ Pháp Berthand Lortholary cho biết, để có sự cam kết về tiến độ này chúng tôi đã có sự hợp tác chặt chẽ với Ban quản lý dự án cũng như chính quyền thành phố. “Không chỉ là tin tưởng vào tiến độ đã cam kết, mà chúng tôi còn đang nỗ lực hết sức để có thể cùng người dân thủ đô đi trên những chuyến tàu metro đầu tiên ở Hà Nội”, Đại sứ Berthand Lortholary nói.

Năm 2021, Hà Nội có tàu điện ngầm ảnh 3 Toàn cảnh khu vực ga đề - pô Minh Khai, Nhổn. Ảnh : Mỹ Ngọc
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về công nghệ mới nhất mà tập đoàn số 1 thế giới về tàu điện ngầm của Pháp sẽ mang tới Hà Nội như đã tuyên bố tại lễ ký kết, Phó Chủ tịch tập đoàn Alstom Philippe Delleur nói: “Xin khẳng định lại chúng tôi sẽ sử dụng công nghệ tốt nhất, hiện đại nhất cho hệ thống metro ở Hà Nội. Đó là hệ thống đầu máy toa xe, do chính Alstom cung cấp. Một hệ thống khác mà chúng tôi phối hợp cùng các đối tác khác, đó là hệ thống tín hiệu điều khiển. Nhờ công nghệ xử lý hệ thống tín hiệu tốt, chúng tôi đã làm cho khoảng cách giữa các chuyến tàu là ngắn nhất, giúp tăng hiệu suất sử dụng của hệ thống. Ở tuyến metro tại Hà Nội khoảng cách giữa hai chuyến tàu chỉ là 3 phút”.

Ông Philippe Delleur cho biết, những hệ thống metro do Alstom lắp đặt tương tự đã  đi vào hoạt động và được kiểm chứng tại nhiều thành phố trên thế giới như Thượng Hải, Singapore… Phó Chủ tịch Alstom cũng giải thích rằng, tổng thời gian cam kết triển khai gói thầu cung cấp, lắp đặt này là 47 tháng, tính từ khi phía Việt Nam thanh toán tiền đợt đầu tiên.

“Sau khi các đối tác bàn giao mặt bằng cơ sở hạ tầng (cột, dầm…), chúng tôi sẽ tiến hành lắp đặt đường ray, toa xe, hệ thống tín hiệu… và thời gian chúng tôi cam kết lắp đặt xong là 47 tháng”.  Đại diện Alstom cũng tin tưởng rằng, thời điểm 2021 sẽ đưa tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội vào hoạt động là hoàn toàn có cơ sở.

MỚI - NÓNG