Nâng cấp Cảng Sài Gòn lãng phí gần 278 tỉ đồng: Bộ GT-VT phải chịu trách nhiệm

Nâng cấp Cảng Sài Gòn lãng phí gần 278 tỉ đồng: Bộ GT-VT phải chịu trách nhiệm
Tôi đã có nhiều ý kiến không đồng tình dự án này với Bộ GTVT. Ngay khi thứ trưởng lúc đó là ông Đào Đình Bình đến cảng, tôi đã đề nghị, nhưng ông Bình khuyên nên thực hiện vì “đây là chủ trương của Nhà nước. ông Trần Văn On - nguyên TGĐ Cảng Sài Gòn cho biết.

>> Cảng Sài Gòn: 40 triệu USD nâng cấp để... di dời

Nâng cấp Cảng Sài Gòn lãng phí gần 278 tỉ đồng: Bộ GT-VT phải chịu trách nhiệm ảnh 1

Cảng Sài Gòn - Ảnh: Tuổi trẻ

* Ông có biết là đầu tư nâng cấp cảng Sài Gòn xong sẽ phải đập bỏ?

- Ông Hoàng Văn Nhượng - phó tổng giám đốc Cảng Sài Gòn : Ban giám đốc Cảng Sài Gòn lúc đó đã không đồng tình với Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) về vốn vay quá lớn mà người trả nợ không ai khác là Cảng Sài Gòn.

Thế nhưng theo cơ chế, Bộ GTVT có toàn quyền quyết định đầu tư dự án bao gồm việc mời thầu, chọn thầu, tư vấn thiết kế, giám sát..., cảng chỉ là đơn vị tiếp nhận. Vì vậy, Bộ GTVT đã “ép” cảng và không nghe những ý kiến không đồng tình của cảng.

Chúng tôi cũng biết trong này (khu cảng hiện hữu) hư đến đâu sửa đến đó, không đầu tư thì đỡ tốn 40 triệu USD, nhưng do bị “ép” vay tiền nên phải chịu. Hiện nay chúng tôi vẫn còn phải trả nợ và lãi suất cho phần “đập bỏ” này.

* Lúc đó ông có biết qui hoạch sẽ di dời cảng không, thưa ông?

- Ông Trần Văn On - nguyên TGĐ Cảng Sài Gòn : Vào thời điểm đó chưa có qui hoạch di dời cảng Sài Gòn, mãi đến năm 2002 sau khi TP.HCM có ý kiến về việc di dời cảng biển mới có quyết định  về việc di dời cảng biển ra khỏi khu vực nội thành.

* Ông đã phản đối như thế nào với dự án nâng cấp mở rộng cảng biển?

- Ông Trần Văn On: Chúng tôi đã có nhiều ý kiến không đồng tình dự án này với Bộ GTVT. Ngay khi thứ trưởng Bộ GTVT lúc đó là ông Đào Đình Bình đến cảng, tôi đã đề nghị không nên thực hiện dự án. Thế nhưng thứ trưởng Đào Đình Bình đã khuyên tôi nên thực hiện dự án này vì “đây là chủ trương của Nhà nước”.

* Các ông đã trả hết khoản vay chưa, và khi di dời cảng sẽ phải “đập bỏ” bao nhiêu tiền?

- Ông Hoàng Văn Nhượng: Tổng vốn đầu tư nâng cấp và mở rộng cảng là 40 triệu USD - tương đương với 512,6 tỉ đồng (thời điểm năm 2000), trong đó có 234,7 tỉ đồng là tiền mua sắm thiết bị máy là còn sử dụng lại được, còn 277, 9 tỉ đồng đã được đầu tư xây dựng sẽ bị đập bỏ.

Số tiền trả nợ hằng năm sẽ còn tiếp tục tăng vì giá qui đổi giữa tiền đồng và tiền USD bị trượt. Tổng số tiền đầu tư tính theo giá hiện nay là hơn 640 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, thời gian trả nợ đến năm 2017 mới kết thúc, nhưng do chúng tôi cần tiền để di dời cảng Sài Gòn hiện hữu gồm khu Nhà Rồng và khu Khánh Hội (Q.4) và đầu tư xây dựng mới ở Hiệp Phước (Nhà Bè, TP.HCM) và Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) theo quyết định phê duyệt mới đây của Thủ tướng Chính phủ, nên đã đề nghị kéo dài thời gian trả nợ.

Tháng 5-2005, Chính phủ đồng ý cho phép kéo dài thời gian trả nợ vốn vay của ADB lên 30 năm, và chấp thuận việc huy động vốn từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí cảng cũ để đáp ứng nhu cầu vốn xây dựng cảng mới khi thực hiện di dời cảng.

* Công trình đã hoàn thành từ năm 2000, vì sao đến nay cảng Sài Gòn vẫn còn ban quản lý?

- Ông Hoàng Văn Nhượng: Giai đoạn 2000-2001, Kiểm toán Nhà nước và thanh tra của Bộ Tài chính vào TP.HCM kiểm tra, thanh tra rất kỹ, có khoan cả cầu cảng, kho bãi để xác định độ dày, tôi nghĩ không có gì sai sót.

Lý do ban quản lý cảng Sài Gòn vẫn tồn tại là do khi Bộ Tài chính ra quyết định quyết toán thì các công ty xây dựng không đồng ý (quyết toán thấp hơn thực chi).

Đã sáu năm trôi qua, ban quản lý chưa giải thể được vì còn chờ quyết định cuối cùng của Bộ Tài chính. Chúng tôi vừa phải chờ giải quyết kiện tụng, vừa chờ di dời, lại vừa phải trả nợ vay.

* Chung quanh việc “lỡ” đầu tư 40 triệu USD nâng cấp cảng Sài Gòn, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

- Ông Trần Văn On: Bộ GTVT chủ trương và trực tiếp tiếp nhận nguồn vốn đầu tư 40 triệu USD thì bộ phải chịu trách nhiệm.

Tôi cho rằng sai lầm chính ở dự án này cũng như ở nhiều dự án khác đó là chủ đầu tư dự án là một đơn vị độc lập và sau khi hoàn thành xây dựng lại bàn giao lại cho đơn vị hưởng thụ mà họ không biết gì về dự án đã được đầu tư.

Dự án nâng cấp mở rộng cảng Sài Gòn ở khu Nhà Rồng và Khánh Hội được đầu tư từ nguồn vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 30 triệu USD và vốn đối ứng trong nước là 10 triệu USD.

Công trình triển khai năm 1996 và hoàn thành năm 2000 với tổng số vốn tương đương 512,6 tỉ đồng, gồm các hạng mục chính là nâng cấp cầu tàu; nâng cấp, xây mới kho bãi; mua thiết bị bốc xếp hàng hóa...

Hiệp hội Cảng biển chúng tôi đã nhiều lần nêu với Bộ GTVT về cách làm rất sai lầm này nhưng chưa thấy bộ sửa đổi.

Nếu ngay từ đầu Cảng Sài Gòn trực tiếp quản lý nguồn vốn đầu tư, cảng sẽ biết được cần đầu tư xây dựng cái gì và làm như thế nào là hiệu quả, đồng thời tránh được tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng, giảm bớt kinh phí ngân sách...

* Cảng biển mới sẽ được xây dựng như thế nào?

- Ông Hoàng Văn Nhượng: Chúng tôi dự kiến đầu tư xây dựng giai đoạn 1 ở cảng Hiệp Phước (54ha) trên 100 triệu USD với 800m chiều dài cầu cảng cho tàu biển cập bến và xây dựng cảng ở Cái Mép - Thị Vải (162ha) trên 500 triệu USD với 2,4km chiều dài cầu cảng để tàu biển cập bến.

Với tổng chiều dài cầu cảng trên không những bảo đảm đủ thay thế 1,7km chiều dài cầu cảng của khu xếp dỡ hàng hóa Nhà Rồng và Khánh Hội mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển cảng biển trong tương lai. Còn Cần Thơ cũng thuộc Cảng Sài Gòn nhưng sắp tới sẽ tách riêng.

Bến cảng Sài Gòn ra sao sau khi di dời?

Cảng Sài Gòn vừa trình UBND TP.HCM và Sở Qui hoạch - kiến trúc qui hoạch bến tàu khách du lịch tại khu Nhà Rồng có diện tích hơn 32 ha.

Sau khi di dời, khu vực này sẽ xây dựng các khu, gồm: khu cảng và ga hành khách trong nước và quốc tế, gắn kết với khu di tích bến Nhà Rồng; khu trung tâm hàng hải quốc tế làm văn phòng đại diện cho các cảng biển trên thế giới, tại đây sẽ xây nhiều khối nhà với độ cao 20-35 tầng; khu hỗn hợp các công trình thương mại - khách sạn, văn phòng dịch vụ, nhà ở cao cấp; khu công viên vui chơi giải trí...

Theo ông Hồ Lương Quân - trưởng phòng dự án Cảng Sài Gòn, các công trình được xây dựng bên dòng sông Sài Gòn sẽ đẹp như ở khu Phố Đông tại Thượng Hải (Trung Quốc).             

MỚI - NÓNG