Náo nức hội Lồng Tồng

Náo nức hội Lồng Tồng
TP - Trong tiết trời xuân, tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên), nơi năm xưa từng là căn cứ địa cách mạng, hàng ngàn người dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận đổ về dự lễ hội Lồng Tồng.

> Ngày xuân vui hội Lồng Tồng
> Du xuân trảy hội lồng tồng

Náo nức ngày hội xuống đồng

Dù ngày 19 - 2 (mùng 10 - 1 âm lịch) mới là chính hội, nhưng trước đó nhiều ngày, du khách khắp nơi đã đổ về Định Hóa dự hội Lồng Tồng.

Nhà nghỉ của Ban quản lý di tích ATK Định Hóa và các khu lân cận cháy chỗ. Nhiều người ở xa về dự hội phải quay ngược lại mới tìm được chỗ nghỉ qua đêm.

“Nghe nói hàng năm ở Định Hóa tổ chức lễ Lồng Tồng quy mô lớn nên tôi với chồng về đây xem”, bà Lò Thị Thanh (Quảng Uyên, Cao Bằng) chia sẻ.

Đã hơn 60 tuổi, nhưng ông bà chọn cách đi bằng xe máy cho cơ động. Vượt qua hơn 200 cây số, đến 16h chiều, ông bà mới lên đến nơi, và may mắn tìm được chỗ trọ qua đêm.

Tiết trời vào xuân, mưa phùn suốt đêm ngày nhưng không ngăn được dòng người mỗi lúc một đông đổ về dự hội Bà Lộc Kim Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức cho biết, lễ hội năm nay sẽ tái hiện nguyên vẹn các nghi thức, nét đẹp truyền thống từ xưa.

Sau màn cúng cầu mùa trên sân khấu, đích thân thầy cúng đi ra cánh đồng ban phúc lộc đến với mùa màng.

Theo đó, cánh đàn ông sẽ đi những đường cày đầu tiên, còn các chị phụ nữ trổ tài thi cấy... “Cấy phải thẳng hàng ngay lối, con mạ cứng cáp, để mong có một mùa vàng bội thu, thắng lợi”, chị Trần Thị Huệ, xã Tân Dương chia sẻ.

Dân làng diễn cảnh cày, bừa trên sân khấu
Dân làng diễn cảnh cày, bừa trên sân khấu.

Trên sân khấu, những người dân trong làng, bản cũng diễn lại phong tục, tích cũ của ngày hội xuống đồng. Hai thanh niên trai tráng chui vào một con trâu bằng nan tre, kéo cày trên sân khấu. Cạnh đó, ba người đàn ông trình diễn màn múa rối “tắc kè”.

Ở phía đối diện, một người đàn ông giả dạng phụ nữ đang có bầu đi xúc cá… “Câu chuyện kể lại rằng, khi trời hạn hán, con người phải trèo lên một cây cổ thụ, nhờ tắc kè thông báo với nhà trời xin mưa. Sau khi tắc kè giúp đỡ thì trời ban mưa, con người cày cấy thuận lợi, ruộng đồng tốt tươi, ao, hồ nhiều tôm, cá…”, cụ ông Hoàng Văn Nguyên, xã Đông Thịnh, người điều khiển rối “tắc kè” chia sẻ.

Về nguồn và tri ân

Được tổ chức ở ATK Định Hóa, nơi một thời từng là căn cứ địa cách mạng những năm kháng chiến nên lễ hội Lồng Tồng là dịp để du khách có dịp thực hiện hành trình về nguồn và tri ân.

Điểm nhấn ấn tượng nhất trong hội Lồng Tồng năm nay là cuộc thi người đẹp diễn ra tối 18 - 2. Dù trời mưa nhưng rất đông bà con địa phương và du khách đến tham dự, cổ vũ cho 28 thí sinh dự thi trình diễn các trang phục dân tộc Tày, Thái, Dao, Mông, Hoa…. Vui hơn nữa khi hội thi kết thúc, nam nữ thanh niên cùng nắm tay nhau vừa chạy quanh đống lửa trại vừa cất vang tiếng hát.

Lại càng ý nghĩa hơn khi Ban quản lý di tích ATK Định Hóa phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên tổ chức triển lãm 250 bức ảnh với chủ đề Bác Hồ với sự nghiệp giải phóng phụ nữ; Bác Hồ với phụ nữ ATK Việt Bắc, Thái Nguyên.

Cách ATK Định Hóa gần 7 km nhưng Ma Thị Hoa (19 tuổi) và nhóm bạn quyết tâm đi bộ đến hội Lồng Tồng. Để chắc chắn không bỏ lỡ lễ hội, Hoa đến từ sáng 18 - 2.

“Chúng em đi bộ mất hơn một tiếng đồng hồ mới đến nơi”, Hoa kể. Hoa cũng cho biết, đây là chuyến đi về nguồn đầu tiên của mình, và càng có ý nghĩa hơn khi cả nhóm thực hiện hành trình bằng… đi bộ.

Cũng với mục đích về nguồn, đến gần trưa 19 - 2, đôi bạn trẻ Lương Văn Dương và Đinh Thị Hoàng Yến (Đại Từ, Thái Nguyên) mới đến được trung tâm lễ hội Lồng Tồng.

Dương chia sẻ, ngoài việc đi chơi hội, tìm hiểu phong tục, tập quán của cha ông sẽ đến dâng hương trong nhà tưởng niệm Bác Hồ, thăm nơi Bác từng sống và làm việc, thăm những di tích của ATK tỏ lòng biết ơn đến thế hệ cha anh đi trước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG