Đại thắng trong mắt một người Mỹ

 Đại thắng trong mắt một người Mỹ
Merle Ratner - Ủy viên BCH Chiến dịch Cứu trợ và Trách nhiệm đối với nạn nhân điôxin Việt Nam - hiện đang ở thăm Việt Nam đã nói về Chiến thắng 30/4/1975.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi và vui sướng nhất cuộc đời tôi. Tôi đã tích cực tham gia phong trào phản chiến từ khi mới 13 tuổi. Những năm tháng khi còn là học sinh tiểu học, trung học và cả những năm đầu học đại học, tôi đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Tôi bị bắt một vài lần vì tội cản trở quân dịch.

Trong những năm tháng đó, chúng tôi luôn tin rằng nhân dân Việt Nam nhất định sẽ chiến thắng, giống như họ đã từng đánh thắng thực dân Pháp.

Chúng tôi đã nhiều lần ca vang bài “Việt Nam sẽ thắng”. Nhất là khi thấy các tỉnh và thành phố ở Việt Nam lần lượt được giải phóng trong tháng 3 và tháng 4 năm 1975, chúng tôi hiểu rằng ngày toàn thắng của các bạn đang đến rất gần.

Ngày 30/4/1975, chúng tôi vô cùng hoan hỉ khi chứng kiến các lực lượng giải phóng tiến về Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là chiến thắng dành cho những người dân Việt Nam anh hùng, những người đã phải hy sinh cả xương máu để có được chiến thắng vinh quang đó.

Chúng tôi cảm thấy chiến thắng của các bạn cũng là chiến thắng dành cho chúng tôi, và cho nhân dân trên toàn thế giới. Chúng tôi vô cùng hân hoan và tự hào!

Việt Nam được giải phóng và thống nhất. Điều này đem lại cho chúng tôi một niềm tin rằng nếu như một dân tộc đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì công lý thì nhất định dân tộc ấy sẽ giành thắng lợi. Nó cũng khiến chúng tôi tin rằng chủ nghĩa đế quốc Mỹ có thể cũng sẽ bị đánh bại ở những nơi khác trên thế giới và ở ngay chính nước Mỹ!

Giờ đây, trở lại Việt Nam dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền nam, tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào trước những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ độc lập dân tộc. Tôi cảm thấy vinh dự khi được cùng người dân Việt Nam dự lễ kỷ niệm này. Đồng thời, trong tôi lại trỗi dậy những hình ảnh về những vết thương chiến tranh khủng khiếp do Mỹ gây ra đối với Việt Nam.

Điều này nhắc nhở chúng tôi cần phải nỗ lực hơn nữa để góp phần giành lại công lý cho những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, và cũng để đảm bảo rằng Mỹ phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Tại sao bà lại tham gia vào các hoạt động ủng hộ Việt Nam trong thời gian dài như vậy? Những hoạt động có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của bà là gì?

Cơ sở cho các hoạt động đoàn kết của tôi với Việt Nam trong suốt và sau khi kết thúc cuộc chiến tranh là tình đoàn kết, chủ nghĩa quốc tế và ý thức trách nhiệm cá nhân.

Đoàn kết có nghĩa là quần chúng nhân dân trên thế giới cần phải dựa vào nhau và ủng hộ lẫn nhau trong cuộc chiến vì hòa bình, công lý và nhân phẩm. Đoàn kết cũng gắn liền với chủ nghĩa quốc tế, đó là nếu tất cả chúng ta không cùng nhau đấu tranh vì độc lập, hòa bình và bình đẳng, chúng ta sẽ luôn bị đe dọa bởi những kẻ coi lợi nhuận hơn cả tình người.

Trách nhiệm cá nhân xuất phát từ việc chứng kiến những gì mà chính phủ Mỹ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam và chúng ta sẽ đấu tranh cho đến khi nào cuộc chiến buộc phải chấm dứt.

Chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục phát động các cuộc chiến tranh xâm lược các nước có chủ quyền, mà gần đây nhất là đối với Irắc. Vì thế, chúng ta cần phải tiếp tục đấu tranh để chấm dứt sự xâm lược của Mỹ đối với Irắc, cũng như chấm dứt bất kỳ cuộc chiến tranh nào khác ở bất cứ nơi đâu.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi hoạt động trong nhiều tổ chức khác nhau, bao gồm cả liên minh phản chiến lớn nhất thời bấy giờ. Tôi cũng họat động trong một nhóm ủng hộ Mặt trận Giải phóng Dân tộc. Sau năm 1975, chúng tôi thành lập một nhóm gọi là Những người bạn Đông Dương nhằm giúp đỡ sự nghiệp xây dựng đất nước của Việt Nam và chấm dứt lệnh cấm vận của Mỹ.

Kể từ khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, chúng tôi đã hoạt động để đòi Mỹ phải có trách nhiệm đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của Việt Nam dưới chiêu bài nhân quyền hay các vấn đề tôn giáo. Kể từ năm 1975, chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt kỷ niệm lớn ngày chiến thắng 30/4, trong đó lớn nhất là vào năm 1985 và 2000.

Bà nghĩ gì về những thay đổi và sự phát triển diễn ra ở Việt Nam sau mỗi chuyến đi của bà đến đất nước này?

Đây là lần thứ 5 tôi đến Việt Nam. Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là vào năm 1985, và lần gần đây nhất là năm 1991. Khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên, Việt Nam vẫn còn rất nghèo và đang trong quá trình khắc phục sự tàn phá của cuộc chiến tranh, nhưng có một tinh thần đoàn kết tuyệt vời, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người dân. Kể từ đó mỗi chuyến đi tới Việt Nam, ấn tượng trong tôi ngày càng tăng lên về mức sống của người dân và trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Trong chuyến đi gần đây nhất, tôi được chứng kiến nhiều thay đổi ở đất nước các bạn. Đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của lực lượng sản xuất và sự phát triển tiềm năng sáng tạo của người Việt Nam. Thành công trong việc xóa đói giảm nghèo cũng rất ấn tượng. Trong chuyến đi lần này, tôi sẽ hiểu hơn về hiện thực cuộc sống của người dân Việt Nam.

Tôi sẽ đi thăm những thành phố và cả những vùng nông thôn để tận mắt được thấy những thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển đất nước của các bạn. Tôi cũng hy vọng sẽ được gặp gỡ những thanh niên Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người sẽ là tương lai của đất nước Việt Nam.

MỚI - NÓNG