Nên có phong trào tẩy chay bạo lực học đường

Những vụ học sinh đánh nhau giữa nơi công cộng vẫn thường xuyên diễn ra
Những vụ học sinh đánh nhau giữa nơi công cộng vẫn thường xuyên diễn ra
TP - Hàng loạt vụ học sinh đánh nhau kèm theo những diễn biến phức tạp gây nhiều bức xúc trong dư luận và đây là lý do thôi thúc Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo quốc gia đầu tiên bàn về giải pháp ngăn chặn tình trạng này vào ngày 28-7.
Những vụ học sinh đánh nhau giữa nơi công cộng vẫn thường xuyên diễn ra
Những vụ học sinh đánh nhau giữa nơi công cộng vẫn thường xuyên diễn ra . Ảnh: T.L

Án mạng từ những xích mích học trò

Hầu hết những ai được xem các video clip học sinh đánh nhau đều không khỏi rùng mình trước sự tàn nhẫn của những cú ra đòn mà người thực hiện đều ở tuổi học trò.

Ngày 4-2-2010, em V. là học sinh lớp 8 trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm (quận 9, TP HCM) có mâu thuẫn với em D. – một học sinh cùng trường. Sau giờ học, em V. gọi điện cho N. đề nghị gặp nhau để “nói chuyện”.

Khi nghe điện thoại, biết chuyện chẳng lành, em D. lấy dao của một quán ăn gần trường để đi gặp V. Gặp nhau, V. nhảy vào đánh D., bị D. đánh trả. V. bị thương, được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong tại bệnh viện. Khi V. và D. hẹn đi đánh nhau, bạn bè cùng lớp với D. biết nhưng không tiết lộ cho thầy cô giáo.

Đánh nhau có hung khí, thậm chí dẫn tới án mạng trong giới học trò không phải là chuyện cá biệt ở một vài trường.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, riêng năm học 2009 - 2010 cả nước có 1.598 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Tính bình quân, cứ 9 trường thì một trường có học sinh đánh nhau. Đặc biệt nghiêm trọng, khá nhiều vụ đánh nhau có sử dụng hung khí và hậu quả là 7 vụ dẫn tới chết người.

Đối tượng đánh nhau phần lớn là học sinh cuối cấp THCS và THPT và lý do dẫn tới đánh nhau thường rất đơn giản: nhìn mặt thấy ghét; va chạm lúc vui chơi; đùa nhau quá trớn; mâu thuẫn, nói xấu nhau qua diễn đàn hoặc qua tán gẫu trên mạng; một số vụ do học sinh có quan hệ yêu đương sớm, ghen tuông nên đánh nhau để trả thù.

Băn khoăn trước 735 học sinh bị buộc thôi học

Hội thảo được điều hành trực tiếp bởi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và có sự tham gia của đại diện Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ Thông tin Truyền thông, Đoàn TNCS HCM… Nhiều hiệu trưởng các trường đặc thù (chuyên giáo dục học sinh cá biệt) cũng có mặt và chia sẻ ý kiến.

Các nguyên nhân dẫn tới thực trạng học sinh đánh nhau đều được đưa ra mổ xẻ: học sinh, gia đình, xã hội, nhà trường... Kèm theo nguyên nhân là hàng loạt giải pháp được đề xuất. Một đại biểu đến từ Bộ Công an nhận định: trên thực tế đã có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau nhưng chưa chặt chẽ và còn mang tính hình thức.

Một nguyên nhân được nhiều đại biểu đề cập là ảnh hưởng tiêu cực từ trò chơi điện tử, phim ảnh bạo lực tới thanh thiếu niên.

Ông Chu Văn Hoà, Phó Cục trưởng Cục quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin, Bộ Thông tin - Truyền thông thừa nhận, dù chưa có điều tra xã hội học nào khẳng định trò chơi trực tuyến là nguyên nhân chủ yếu tạo ra bạo lực học đường nhưng trong nhiều vụ việc cụ thể có nguyên nhân từ trò chơi trực tuyến.

Thiếu tướng Phạm Thanh Đàm, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự Xã hội chia sẻ: “Tôi rất băn khoăn về con số 735 học sinh bị buộc thôi học mà Bộ GD&ĐT báo cáo, dù là buộc thôi học có thời hạn. Vấn đề là trong thời gian các em thôi học, ai sẽ chịu trách nhiệm giáo dục các em? Sau thời gian buộc thôi học, liệu các em có đi học trở lại hay lại lang thang, lêu lổng, trở thành gánh nặng cho xã hội?

Theo chúng tôi, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể về xử lý đối với trường hợp đánh nhau chưa đến mức phải xử lý theo các quy định của pháp luật. Nên hạn chế việc kỷ luật bằng hình thức đuổi học”.

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gợi ý Bộ GD&ĐT nên phát động một phong trào với chu trình 5 năm vận động học sinh tẩy chay hành vi bạo lực. Đầu năm học 2010 – 2011, các trường phổ thông trên toàn quốc nên cùng tổ chức hội thảo với chuyên đề bàn về giải pháp ngăn chặn học sinh đánh nhau. Mặt khác, các cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ để đưa ra những quy định nhằm tạo cơ chế phối hợp hiệu quả.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.