Nên thay PMU 18 bằng Cty cổ phần quản lý dự án

Nên thay PMU 18 bằng Cty cổ phần quản lý dự án
TP - Luật sư Phạm Liêm Chính đã liên hệ với Tiền phong, tha thiết muốn được hiến kế trong việc tìm ra lời giải cho bài toán quản lý hàng tỷ đồng vốn Nhà nước, sau vụ tiêu cực tại PMU 18.
Nên thay PMU 18 bằng Cty cổ phần quản lý dự án ảnh 1

Luật sư Phạm Liêm Chính. Ảnh: Đức Kế

LS Chính nói: Tôi đã suy nghĩ rất nhiều kể từ khi báo Tiền phong đưa tin: Bộ Giao thông Vận tải sẽ giao quyền quản lý vốn (hậu PMU18) cho Cục Đường bộ Việt Nam.

Tôi đã trăn trở nhiều để đi đến quyết định phải lên tiếng với tư cách luật sư, tư cách công dân có trách nhiệm. Nếu những “ung nhọt” của PMU18 không vỡ ra từ chuyện cá độ bóng đá thì chúng ta sẽ chưa thể biết được về mô hình quản lý của các PMU và bài toán hậu PMU 18 sẽ cũng chưa được đặt ra nóng hổi như hiện nay.

Từ những trăn trở đó, thời gian qua, tôi đã nghiên cứu để đề xuất mô hình quản lý mới thay thế các PMU (nếu được Chính phủ chấp nhận, tôi sẽ có đề án cụ thể).

Vậy theo ông, những “lỗ hổng” trong quản lý vốn của PMU 18 là gì?

Bộ GTVT được Chính phủ giao quản lý vốn các dự án và Bộ này lại giao quyền cho PMU 18 quản lý thay mình. PMU 18 có tài khoản, có con dấu (tức là có tư cách pháp nhân).

Gọi là ban quản lý cũng được mà gọi là Cty cũng không sai. Đây là mô hình quản lý khép kín, thiếu minh bạch (thiếu sự giám sát của các Bộ, ngành liên quan).

Trong khâu đấu thầu, điều nguy hiểm nhất là đã không thể chọn ra được các nhà thầu đủ năng lực vì PMU 18 cố tình xây dựng cơ chế riêng tạo điều kiện cho các nhà thầu thân quen là các doanh nghiệp “sân sau” trúng thầu để rút tiền Nhà nước.

Theo đó, công tác báo cáo, kiểm tra... từ mô hình khép kín này cũng rất hình thức, chiếu lệ. Tiêu cực từ đó nảy sinh... 

Cách nào để lấp “lỗ hổng” của PMU 18 nói riêng và các PMU nói chung hiện nay, thưa ông?

Mô hình của tôi là thay PMU bằng Cty cổ phần (tạm gọi tên là Cty cổ phần quản lý dự án). Trong đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) sẽ có 11 thành viên, gồm: Đại diện bộ chủ quản (Bộ có dự án thực hiện), đại diện Bộ KH&ĐT (thu hút vốn, quản lý vốn, theo dõi sử dụng vốn), đại diện Bộ Tài chính (quản lý và giải ngân), đại diện Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an (tránh thất thoát), cùng các chuyên gia nổi tiếng lĩnh vực kinh tế và pháp luật.

Ban Kiểm soát Cty gồm: Các chuyên gia về kế toán, tài chính... Đặc biệt, có đại diện Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội.

Tất cả thành viên của HĐQT và Ban Kiểm soát Cty đều do thủ trưởng các cơ quan liên ngành tiến cử và chịu trách nhiệm về việc này. Mỗi khi sự việc xảy ra, các bộ, ngành liên quan phải chịu trách nhiệm trực tiếp qua việc làm thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát làm đại diện cho mình.

Cụ thể hơn, Tổng giám đốc Cty cổ phần là đại diện bộ chủ quản (Bộ có dự án thực hiện), Chủ tịch HĐQT là đại diện Bộ KH&ĐT, Phó Chủ tịch HĐQT là đại diện Bộ Tài chính... Tất cả thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát không kiêm nhiệm chức vụ ở các bộ, ngành liên quan.

Tình trạng đấu thầu như hiện nay tại PMU đang tạo ra hàng loạt các doanh nghiệp “sân sau”. Vậy cách nào để triệt tiêu tình trạng này?

HĐQT và Ban Kiểm soát phải duyệt đầu bài đấu thầu. Thậm chí, cho phép đại diện nhà đầu tư, tài trợ nước ngoài cùng vào giám sát. Khi xảy ra tiêu cực các bộ, ngành không thể vô can được, bởi cứ quy trách nhiệm cho các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát là ra ngay.

Để hạn chế tiêu cực, theo tôi tại mô hình Cty cổ phần như đã nêu ở trên sẽ cho luân chuyển thành viên HĐQT. Ví dụ, luân chuyển thành viên từ quản lý ODA lĩnh vực GTVT sang lĩnh vực nông nghiệp...

Tuy có sự luân chuyển thành viên HĐQT từ nơi này sang nơi khác, nhưng vẫn nằm trong mặt bằng chuyên môn chung là quản lý vốn ODA. Như thế sẽ tạo ra sự quản lý chéo (các thành viên HĐQT sẽ giám sát lẫn nhau), tránh đặc quyền, đặc lợi.

Hơn nữa, như tôi đã nói, với sự tham gia của 11 thành viên HĐQT có đại diện của cơ quan hành pháp và các chuyên gia sẽ tạo ra sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý, tránh thất thoát, tiêu cực.

Ông nghĩ sao về việc hiện nay, Bộ GTVT định giao trọng trách quản lý vốn cho Cục Đường bộ VN?

Theo mô hình mà tôi đưa ra thì Cục Đường bộ VN chỉ là một thành viên của HĐQT, với tư cách là cơ quan sẽ nhận bàn giao công trình khi xây xong và là cơ quan sử dụng.

Trên thực tế, Cục Đường bộ VN không đủ sức gánh vác trọng trách này. Thậm chí, giao cho Cục Đường bộ quản lý hàng ngàn tỷ đồng sẽ tạo ra mô hình quản lý khép kín, không chắc đã khá hơn mô hình PMU 18.

Xin cảm ơn luật sư.

MỚI - NÓNG