“Nếu chủ quan, tất cả chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi!”

“Nếu chủ quan, tất cả chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi!”
TP - Trung tá Nguyễn Đình Liên, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 248 (Đà Nẵng) nói: “Đừng nói là dân chủ quan. Với nghề biển, không bao giờ được phép chủ quan”.
“Nếu chủ quan, tất cả chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi!” ảnh 1
Anh Trần Công Phô: “Tàu nước ngoài đã được báo trước chính xác!”

Anh Trần Công Tư (thôn Bình Tân, xã Bình Minh,Thăng Bình, Quảng Nam) -  vừa thoát nạn trở về, kể: “Khi gặp bão, tàu tôi đang ở 12,3 độ vĩ bắc -122 độ kinh đông.

Khi đó, Đài thông tin Bạch Long Vĩ báo bão đang di chuyển theo hướng tây-tây tây bắc. Khi bão ở 14,1 độ vĩ bắc -115,3 độ kinh đông, thì có thông tin nó đã di chuyển theo hướng bắc-tây bắc, quần ở tọa độ này 1 ngày, 1 đêm.

Đến khi có thông tin nó đã chuyển hướng bắc-đông bắc, thì chúng tôi đã ở ngay hướng gió. May mà kịp chạy ra vòng ngoài”.

Theo anh Tư, các đài duyên hải Đà Nẵng, Hải Phòng, Phan Rang ... dự báo chênh nhau từ 1 đến 2 “chấm” (mỗi chấm tương đương 6 hải lý).

Theo anh Trần Công Phô ở thôn Tân An (Bình Minh) là thuyền trưởng tàu QNa 9145 vừa thoát chết trở về, lúc có bão, anh nghe thông tin từ Đài Bạch Long Vĩ.  Đài này phát 2 lần/ngày. (vào lúc 19 giờ 45 phút và 2 giờ 45 phút). 

Lúc  đó, tàu đang ở 12,4 độ vĩ bắc-122 độ kinh đông. Lập tức, họ liền dùng bộ đàm hỏi lại các đài duyên hải. Câu trả lời của họ là “chưa nhận được tin gì cả, bây giờ mới nghe chúng tôi nói”! 10 giờ sáng, tôi điện đài Đà Nẵng, họ vẫn nói: “Thì 6 giờ sáng nay, bão đang ở hướng giữa tây -tây bắc”.

Tôi hỏi tiếp: “11 giờ trưa nay thì sao?”. Họ không trả lời được... Từ  giờ phút đó, thông tin từ các đài duyên hải trở nên vô ích. Bản tin cuối anh Phô nghe được là bão đã chuyển hướng bắc thì lúc đó chúng tôi đã ở sát đảo Đài Loan, ở tọa độ 26 độ vĩ bắc -116,3 độ kinh đông.

“Nếu chủ quan, tất cả chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi!” ảnh 2
Thuyền trưởng Phạm Văn Xinh: “Nếu chủ quan, tất cả chúng tôi đã không ai trở về”

Anh Phô nói thêm: “Việc dự báo “trong 13 giờ đến”… hoặc “24 giờ đến” là quá chậm. Trong vòng 24 giờ, bao nhiêu việc sẽ xảy ra. Như trong trận bão này, đến “giờ thứ 24” thì coi như chúng tôi đã ở ngay rốn bão, trở tay không kịp. Dự báo thời gian ngắn như vậy, có thể sẽ chính xác, nhưng quá nguy hiểm. Cần phải nâng lên “48 giờ đến...”, chúng tôi chắc sẽ xoay xở kịp”.

Chưa hết, theo anh Hà Văn Trung, cũng vừa thoát chết trở về, thì Đài thường dùng từ chuyên môn, nhiều khi ngư dân không hiểu. Thay vì nói gió cấp mấy, rõ ràng, thì Đài lại nói tốc độ gió mấy mét/trên giây, chẳng ai hiểu gì.

Anh Trần Công Phương (em ruột anh Phô, cũng đi cùng đoàn) bổ sung: “Báo 2 lần/ngày là tần suất quá thấp”. Anh Phô khẳng định: “Trước bão mấy ngày, chúng tôi đang neo thuyền cách đảo Đài Loan 6 độ, tránh ảnh hưởng không khí lạnh. Sau đó không khí lạnh yếu dần.

Nếu như đài dự báo: Tuy không khí lạnh đã suy yếu, nhưng bão có khả năng di chuyển lên hướng bắc, chắc sẽ không xảy ra thảm nạn này. Cùng neo thuyền với chúng tôi tại đây, có rất nhiều tàu nước ngoài. Nhưng khi bão đến, họ đã chạy khỏi đó trước 7 ngày. Nghĩa là, họ đã được báo trước và báo chính xác. Trong khi đó, bà con mình không biết tiếng nước ngoài, sóng của đài Việt Nam thì phát không tới.

Anh Phạm Văn Xinh (tổ 34, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) – thuyền trưởng tàu DNa 90189, chiếc tàu tả tơi thoát nạn trở về, là một trong số ít người can trường và may mắn chống chọi được với cơn thịnh nộ của biển.

Anh thở dài khi nghe PV Tiền phong hỏi, liệu có thể tránh được bão không và hạn chế đến mức thấp nhất tai họa “Tôi nghe Đài thông tin duyên hải miền Trung báo bão ở Philippines ngày 3/5, đến ngày 15/5 vẫn nghe tin hướng bão đi như thế.

Đến ngày 16/5, tôi nghe được tin qua Icom, bão đổi hướng, quật trở lại từ hướng Trung Quốc. 1 tiếng đồng hồ sau, tàu đã lạc vào gần vùng bão. Lúc đó, nếu chạy, chỉ biết chôn mình xuống biển. Hôm qua, nghe người nhà nói báo chí phỏng vấn ông gì đó ở Trung ương, nói dân chủ quan. Tôi hỏi anh chúng tôi chủ quan ở đâu?”.

Anh Xinh khẳng định: “Nghe báo bão, chúng tôi tạt ngay vào đảo Đông Sa để tránh. Đây là hòn đảo xung quanh có nhiều san hô. Lúc đó, thủy triều đang lên.

Nhưng chỉ 3 tiếng sau, thủy triều xuống, nên một số tàu mắc cạn ở đó, mặc cho bão đánh tới tấp. Khoảng 7 giờ tối, ngày 17/5, bão ập đến. Chúng tôi chỉ còn biết chống chọi. Nếu chủ quan thì tất cả đã vĩnh viễn vùi thây trong bão rồi”. 

Anh Võ Văn Hết (tổ 34, Thanh Khê Đông) – thuyền trưởng tàu DNa 90324 đã may mắn trở về ngày 22/5 cho biết: “Tàu tôi không nằm ở tâm bão nhưng cũng bị sóng đánh tơi tả. Thời gian nhận được thông báo bão đổi hướng, đến khi bão ập tới là quá ngắn, không thể xử lý kịp”.

Như vẫn còn bực dọc, anh Hết nói tiếp: “Hôm trước có báo dẫn lời một số người nói rằng dân chủ quan, chủ tàu coi con tàu hơn mạng sống thuyền viên. Nói thế là chẳng biết gì cả. Sao mọi người không nghĩ việc chúng tôi bỏ cả thuyền, bất chấp nguy hiểm để cứu nhau trong bão như thế nào?”.

Trung tá Nguyễn Đình Liên – Đồn trưởng Đồn Biên phòng 248 (Đà Nẵng) cho biết: “Bão đổi hướng thì ngư dân có thể tránh được, nhưng đằng này vừa đổi hướng xong lại quật trở ra từ phía Trung Quốc, ngư dân sao mà trở tay kịp. Nhiệm vụ của chúng tôi qua Icom không phải là hướng dẫn cho ngư dân nên đi đâu, tránh hướng nào, mà chủ yếu thông báo cho họ đường đi của bão”.

Trung tá Liên nói thêm: “Trên 10 năm làm đồn trưởng ở đây, chưa bao giờ tôi phải chịu những giây phút tang thương như thế này. Cũng chưa bao giờ tôi phải xử lý một tai nạn xa bờ nào như thế này. Đừng nói là dân chủ quan. Với nghề biển, không bao giờ được phép chủ quan”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.