Ngẫm từ thủ phủ mắc ca Trung Quốc

GS Hoàng Hòe, chuyên gia về mắc ca ở Việt Nam tìm hiểu kỹ lưỡng giống mắc ca Trung Quốc.
GS Hoàng Hòe, chuyên gia về mắc ca ở Việt Nam tìm hiểu kỹ lưỡng giống mắc ca Trung Quốc.
TP - Dù trồng mắc ca chỉ khoảng 30 năm lại đây, (ít hơn Úc - nơi khởi thủy của loài cây này vài chục năm), nhưng người Trung Quốc cho rằng, “muốn xem thế giới trồng mắc ca thế nào, hãy đến Trung Quốc”. Có đi, có mắt thấy tai nghe mới hiểu thị trường đang có tiếng “ngốn” lượng mắc ca lớn nhất thế giới này thực sự làm gì?

Quảng Tây- Mắc ca như nấm sau mưa

Những ngày cuối tháng Năm nắng hầm hập, chúng tôi có dịp cùng đoàn khảo sát của nhà đầu tư muốn trồng mắc ca ở Việt Nam đến Quảng Tây - một trong những nơi trồng nhiều mắc ca nhất ở Trung Quốc. Những con đường đến các vườn mắc ca xứ này ngoằn ngoèo vì đường đồi núi, khác xa với những dải đường cao tốc chạy ngút tầm mắt từ Hữu Nghị quan về Nam Ninh (thủ phủ của tỉnh Quảng Tây).

Địa điểm chúng tôi đặt chân đến đầu tiên là Long Châu- nơi “đóng đô” Sở Khoa học Nông nghiệp Nam Á (thuộc tỉnh Quảng Tây), đơn vị đang nghiên cứu về mắc ca nhiều năm nay, cũng là đầu mối kết nối với đoàn Việt Nam.  Long Châu vẫn được xem là thủ phủ mía của Trung Quốc, nhưng vẫn được đánh giá có triển vọng để trồng mắc ca.

Hiện Long Châu có khoảng 10.000 mẫu mắc ca (khoảng 700 ha), dự kiến 3 năm tới sẽ phát triển lên khoảng trên 5.000 ha. Ông Vương Phương Hồng, Phó chủ tịch huyện Long Châu khá hào hứng với loại cây cho hạt cứng này, khi cho biết toàn huyện có 3-4 nhà máy chế biến quả cứng (óc chó, hạnh nhân…). Riêng hạt mắc ca không đủ để chế biến.

Bởi vậy, lãnh đạo huyện này cũng gợi ý, Việt Nam có thể mở rộng trồng mắc ca, đưa sang Long Châu chế biến, rồi bán sản phẩm tại thị trường Trung Quốc hoặc xuất khẩu đi nước khác... Thực tế, các nhà máy hạt khô ở Long Châu hầu hết sử dụng nguyên liệu nhập khẩu (theo hình thức tạm nhập tái xuất) qua khu vực Tà Lùng (Cao Bằng) của Việt Nam, khối lượng hàng chục vạn tấn/năm.

Có lẽ  “độ nóng” muốn mở rộng cây mắc ca ở Trung Quốc khiến những vườn cung cấp cây giống “mọc như nấm” ở Quảng Tây. Ông Nông Thiết Vi, cán bộ nông nghiệp huyện Long Châu cho hay, nông dân huyện này bắt đầu trồng mắc ca từ năm 2013, với diện tích ban đầu khoảng 3.000 mẫu (200 ha). Tuy nhiên, diện tích mắc ca nhanh chóng đươc đẩy nhanh, tăng hàng nghìn mẫu mỗi năm. Việc mở rộng diện tích mắc ca là do người dân tự phát.

Gặp những “ông trùm” về giống

Theo chỉ dẫn, chúng tôi thực tế vườn ươm 40 vạn cây mắc ca của ông Lê Tử Bằng, khu vực nằm sát Sở nghiên cứu ở Long Châu. Ông chủ vườn giống này cho hay, lúc đầu chỉ trồng khoảng 2 vạn, nhưng sau đó thấy cây sinh trưởng tốt, nhiều người hỏi mua nên ông mở rộng vườn lên 40 vạn cây.

Cây giống thường được dăm 1,5- 2 năm trong vườn, sau đó ghép khoảng nửa năm rồi bứng đi trồng. Từ năm thứ 3, cây có thể ra quả bói. Ở Long Châu, nhiều diện tích trồng cây bạch đàn đã chuyển sang trồng mắc ca. Thậm chí, có người ở Việt Nam cũng hỏi ông mua giống. Hiện ông chủ này đang có các loại giống như Quế Nhiệt 1, OC, 695... Giá cây giống khoảng 25-30 tệ/cây (90-110 nghìn đồng/cây giống).

So với các vườn giống Long Châu, những vườn giống của thành viên Hiệp hội mắc ca Cẩm Khê (thuộc thành phố Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây) có vẻ được đầu tư khá bài bản, có hệ thống tưới nước tiên tiến. Bà Lâm Sướng, Phó chủ tịch mắc ca Cẩm Khê cũng là nhà đầu tư nhiều về giống. Bà Lâm cho biết, gia đình bà có hàng vạn ha giống mắc ca, là những giống đang được ưa chuộng, giá bán khoảng 25 tệ/cây (90.000 đồng/cây). Các giống ở vườn bà Lâm phần lớn có nguồn gốc do Sở Khoa học nông nghiệp Nam Á cấp, chất lượng giống được địa phương xác nhận, người mua có thể yên tâm hơn. Hiện bà Lâm còn có 4.000 cây đầu dòng chuyên cung cấp mắt ghép.

Theo bà Lâm, ở Cẩm Khê có trên 10 cơ sở làm giống quy mô lớn. Các giống ở Cẩm Khê thường bán cho vùng Quảng Châu, Quảng Đông, Vân Nam… và có cả người Việt Nam sang mua. Trong khi đó, diện tích mắc ca lấy quả ở Cẩm Khê hiện khoảng 5,5 vạn mẫu (3.600 ha), chủ yếu do người dân trồng tự phát.

Ngẫm từ thủ phủ mắc ca Trung Quốc ảnh 1

Bài học về việc kiểm soát giống mắc ca thách thức Việt Nam khi tăng diện tích mắc ca thương mại

Trong khi đó, một “ông trùm” về cây giống mắc ca khác là Lý Kiệt - thành viên Hiệp hội mắc ca Cẩm Khê đang làm theo chuỗi với nông hộ để phát triển mắc ca. Hệ thống vườn ươm được ông Lý đầu tư tới 7,5 triệu tệ (khoảng 26 tỷ đồng, trong đó gần một nửa vốn tự có) với 1,5 triệu cây giống, bán rải rác quanh năm. Các hộ mua giống sẽ được công ty hướng dẫn kỹ thuật trồng, được bao tiêu khi đến vụ thu hoạch, với giá 16 tệ/kg (55.000 đồng/kg) quả tươi.


Theo ông Lý, năm ngoái, ông chỉ thu mua được 20 tấn, nhưng dự kiến năm nay có thể lên đến 30 tấn quả khô. Theo cách tính của Hiệp hội mắc ca Cẩm Khê, với các giống do hiệp hội này cung cấp, trồng thương mại sẽ cho thu nhập khoảng 1.000 tệ/cây (3,5 triệu đồng/cây/năm).

Người chặt trước mặt người trồng

Câu chuyện của GS Lục Siêu Trung, nhà nghiên cứu về mắc ca hơn 30 năm ở Trung Quốc có thể giúp những người mới “vào nghề” trồng mắc ca như ở Việt Nam phải suy nghĩ. Đúng là thị trường Trung Quốc đang “ngốn” một lượng mắc ca rất lớn của thế giới, đặc biệt là hạt khô, trong khi lượng cung cấp loại hạt này trong nước không đủ. Cũng vì thế mới có hiện tượng tăng trưởng nóng về diện tích cây này, dẫn đến có việc “người chặt trước mặt người trồng”.

Ông Lục cho biết, loại cây mắc ca này có ở Trung Quốc từ những năm đầu thế kỷ 20, nhưng  đến năm 1988, nước này mới trồng thương mại. Từ  năm 2007 đến nay, diện tích mắc ca Trung Quốc tăng mạnh, trung bình khoảng 1 vạn mẫu mỗi năm (khoảng 700 ha/năm).

GS Lục công bố con số khá bất ngờ, khi diện dích mắc ca của Trung Quốc đã hơn 66.600 ha, sản lượng khoảng 12.000 tấn hạt/năm và đang tăng nhanh. Ông Lục cho rằng, con số trên đã vượt gần như gấp đôi diện tích mắc ca tại quê hương của nó (Úc) tới 2 lần, và trở thành nước có diện tích mắc ca lớn nhất thế giới. Ông Lục ví von rằng “muốn xem mắc ca thế giới thế nào, hãy đến Trung Quốc”.

Hiện nay, cây mắc ca được trồng nhiều ở vùng Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Châu, Quý Dương. Trong đó, khu vực Vân Nam trồng nhiều nhất trên 6.600 ha; tiếp đó Quảng Tây với vùng Ngô Châu, Long Châu. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, khu vực giáp ranh giữa Quảng Tây và Quảng Đông có điều kiện thích hợp, nên dù là đất của nhãn, cam quýt, nay họ điều chỉnh trồng mới thêm cây mắc ca.

Tại Trung Quốc, đầu tư mỗi mẫu mắc ca khoảng 1.000 tệ, có thể thu lãi từ 4.000 - 7.000 tệ, nếu cách làm và quản lý tốt. Một số chủ đầu tư đã thu hồi vốn sau 3 - 4 năm, khi kết hợp với sản xuất giống. Tuy nhiên cây mắc ca cũng là loại cây “kiêng khem” không dễ trồng, trong khi tuổi đời của nó kéo dài hàng chục năm. “Bài học của chúng tôi đã thất bại khi trồng mắc ca ở vùng ven biển Quảng Đông. Khi có gió bão đánh đổ rạp hết vườn cây, tốn kém với người dân”- ông Lục nói.

GS Lục cũng cảnh báo, không trồng mắc ca ở khu vực có độ cao trên 1.250 m so với mặt biển, vì mắc ca cũng không chịu được sương giá, hay vùng nhiều núi đá, vùng trũng ngập nước. “Cây sẽ bị hỏng, ít quả, hoặc nếu bị vùng đọng nước cây sẽ chết”.

Qua nhiều năm, Trung Quốc đã “gút” lại một số giống mắc ca có chất lượng khá  như: 900, H2, OC, 344, 695, 922, JW... Từ câu chuyện thực tế trồng mắc ca ở Trung Quốc, GS Lục cho rằng, rằng việc chọn giống, phải trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá cẩn thận  mặt khoa học mới mở rộng diện tích. Mặt khác, phải gắn kết chặt giữa nông dân và chế biến tiêu thụ trong quá trình mở rộng diện tích.

Tại Trung Quốc, trong số 66.600 ha mắc ca, có khoảng 10.000 ha đang cho quả, nhưng sản lượng cũng chỉ khoảng 12.000 tấn, tính ra đây là mức năng suất thấp. GS Lục cho rằng, phần lớn diện tích mắc ca của Trung Quốc trồng trên đất xấu, có nơi phải cạnh tranh với cây cam, quýt, nhãn. Thậm chí không ít bài học khi người chặt trước mặt người trồng cây vì đầu ra và hiệu quả kinh tế.

Từ lời của GS Lục, tôi lại nhớ lời cảnh báo của ông Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Úc trong một hội thảo về định hướng trồng mắc ca ở Việt Nam mới đây, rằng, Trung Quốc đang phát triển nóng, đang chú trọng diện tích, trong khi khâu giống kiểm soát còn lỏng lẻo. Ông khuyên Việt Nam dù có trồng diện tích bao nhiêu, phải xác định trồng ăn chắc, không chạy theo số lượng. Mắc ca ở Việt Nam cũng đang “hót”, bởi có nhà đầu tư chịu chi cả tỷ đô la cho loại cây này, trong khi ý kiến nên trồng mắc ca hay không vẫn còn nhiều tranh cãi !

Các chuyên gia mắc ca ở Trung Quốc thừa nhận, hiện lượng giống mắc ca từ cây thực sinh (trồng từ hạt) khá lớn. Những cây này tỷ lệ đậu quả rất kém, thậm chí không có quả. Trong khi việc kiểm soát chất lượng giống của những nhà cung cấp chưa chặt chẽ, nhiều nơi không thực hiện đúng các quy định của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Việc giống cây giá cao, nhiều nông dân không tiếp cận được loại giống được kiểm soát này cũng đem lại rủi ro lớn.

MỚI - NÓNG