Ngẫm về sự công bằng

Ngẫm về sự công bằng
TP - Cuối cùng trước lệnh cấm thi vào lớp 6 của Bộ GD&ĐT, “luật chơi” cho cuộc chạy đua vào các trường nổi tiếng ở Hà Nội đã được ban bố: Chỉ có 3 trường là Marie Curie, Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh được phép ra đề “khảo sát năng lực học sinh”,các trường còn lại kể cả trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đều phải xét tuyển.

Nhiều người trong ngành giật mình lo lắng, liệu chỉ xét tuyển thì trường Hà Nội - Amsterdam có cách gì để chọn ra được 200 HS tài năng nhất trong tổng số khoảng 4.200 HS ứng tuyển như mọi năm?

Tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong tại Hà Nội và TPHCM cho thấy, dường như thị trường luyện thi đã phản ứng rất nhanh với quy định mới, đến lượt các lò luyện tiếng Anh, IQ, EQ bắt đầu đắt hàng. Như vậy, một trong những mục tiêu của việc cấm thi tuyển vào lớp 6 của Bộ GD&ĐT - triệt tiêu vấn nạn dạy thêm, học thêm - có vẻ đã thất bại.

 Bởi thay vì luyện Toán và tiếng Việt như mọi năm, giờ đây các phụ huynh lại đổ xô cho con đi luyện IQ, EQ và tiếng Anh. Nhưng thực ra, dạng “dạy thêm, học thêm” này vẫn còn tích cực chán, và ít hơn nhiều một hình thức rất phổ biến khác, đó là phải học thêm chính các thầy cô đang dạy mình trên lớp.

Về mô hình trường chuyên hiện nay, PGS Văn Như Cương thẳng thắn nhìn nhận : “Việc cho phép tồn tại mô hình trường chuyên THPT mà không cho phép trường chuyên từ THCS là mất gốc”, bởi theo quan điểm của nhà giáo nổi tiếng này: Muốn đào tạo nhân tố nổi trội phải phát hiện năng lực các em từ khi còn bé và có chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. “Em có năng lực môn Toán thì tuyển vào lớp chuyên Toán, em có năng lực âm nhạc thì tuyển vào lớp năng khiếu…”, ông nói.

Trên thực tế, dù muốn hay không, các trường tiểu học hay THCS nổi tiếng với chất lượng dạy và học tốt đều đã và đang tồn tại trên khắp các tỉnh thành trên cả nước. Nơi đó “hữu xạ tự nhiên hương”, đều thu hút các giáo viên và HS giỏi nhất trong khu vực, đều có một môi trường học tập mà biết bao phụ huynh phải mơ ước. 

Nhìn rộng ra ngoài xã hội cũng vậy, sẽ có một số công ty, tổ chức luôn quy tụ được người tài, luôn thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, và danh tiếng cũng như sự thành công của các Cty tổ chức đó cũng từ đấy mà ra.

Ngẫm ra, sự công bằng chính là ở chỗ những người giỏi sẽ phải được trọng dụng, được làm việc ở trong những môi trường tốt nhất có thể, giúp họ phát huy tài năng và cống hiến cho đất nước. Muốn vậy, ngay từ trên ghế nhà trường, những HS tài năng nhất trên mọi lĩnh vực cũng phải được phát hiện và bồi dưỡng trong những ngôi trường chuyên dành riêng cho các em.

Điều này không mới, nền giáo dục Việt Nam đã sản sinh ra nhiều thế hệ tài năng như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn và rất nhiều tài năng khác từ chính những ngôi trường chuyên cấp 2 trên khắp miền Bắc một thời.

MỚI - NÓNG