Ngăn chặn sự thao túng của các nhóm lợi ích

Ảnh minh họa, nguồn Internet
Ảnh minh họa, nguồn Internet
TP - Ngày 26/10, tại Hội nghị góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không dựa vào cơ chế dân chủ thì không một pháp luật nào, một thứ đạo đức hay một loại công cụ nào có thể ngăn chặn hữu hiệu sự thao túng của các nhóm lợi ích.

Tham nhũng vặt phổ biến

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, việc phòng chống tham nhũng (PCTN) là cuộc đấu tranh của cả hệ thống chính trị, nhưng kết quả đạt được chưa như mong đợi khiến nhân dân bức xúc. Mặt trận đã và đang tăng cường vào công tác giám sát, phản biện để đấu tranh PCTN. 

Đề cập đến thực trạng tham nhũng, tại tham luận của mình, ông Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật cho hay, nếu như trước đây tham nhũng chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế thì nay đã lan sang cả các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý như giáo dục, y tế, nhân đạo, từ thiện, phòng, chống dịch bệnh… 

Không những thế, tham nhũng còn xảy ra ngay cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật - những cơ quan cầm cân, nảy mực, đại diện cho công lý và công bằng xã hội. Một số trường hợp thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tòa án nhận hối lộ đã xuất hiện ở nhiều nơi.

Theo ông Nghị, ngày nay không ít cán bộ, công chức và người dân coi việc hối lộ cho công chức và việc công chức nhận hối lộ khi giải quyết công việc là “chuyện bình thường”. Tình trạng tham nhũng “vặt” và tham nhũng “nhỏ, lẻ”, mà nhiều người gọi là “nhũng nhiễu” hay “chi phí không chính thức”, tuy thiệt hại không lớn, có khi chỉ vài chục nghìn đồng mỗi vụ, nhưng diễn ra một cách tràn lan ở nhiều nơi, khiến người dân vô cùng bức xúc. Số đối tượng tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ thấp hoặc không có chức vụ lãnh đạo, quản lý, như: nhân viên cảnh sát, thuế vụ, bác sỹ, y tá ... chiếm tỷ lệ khá cao.

Theo các đại biểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, kể cả cấp Trung ương và địa phương chưa nêu gương về đạo đức, lối sống và chưa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.

Dân chủ để chống nhóm lợi ích

Để đấu tranh PCTN hiệu quả, PGS.TS Bùi Nguyên Khánh, Học viện Khoa học xã hội cho rằng cần đẩy mạnh tính minh bạch trong việc kê khai và quản lý tài sản, ngân sách, trong mua sắm, trong quản lý đất đai, nhà ở, vốn, nguồn viện trợ, đầu tư… Bên cạnh đó, cần phải quy định chi tiết, cụ thể và các thủ tục thực hiện trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức lãnh đạo các cấp trong các lĩnh vực theo quy định pháp luật chuyên ngành.

“Chúng ta đang thiếu một chương trình phòng, chống lâu dài, tổng thể mà chỉ chủ yếu tập trung vào việc giải quyết những vụ “tham nhũng vặt”, nhỏ lẻ. Đồng thời chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ những người phát hiện và dám tố cáo tham nhũng. Hơn nữa, người “đưa hối lộ” đi tố cáo tham nhũng cũng bị khép tội “đưa hối lộ” nên cũng làm hạn chế việc tố cáo tham nhũng của nhân dân”, tham luận của PGS.TS Bùi Nguyên Khánh chỉ rõ.

PGS. TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, cần phải tăng cường công tác giám sát, phản biện để đấu tranh PCTN. GS.TS Hồ Sỹ Quý, Viện Thông tin Khoa học Xã hội thì nhấn mạnh, nếu không dựa vào cơ chế dân chủ thì không một pháp luật nào, một thứ đạo đức hay một loại công cụ nào có thể ngăn chặn hữu hiệu sự thao túng của các nhóm lợi ích. Vì thế, việc phát huy dân chủ là điều cần được coi trọng.

Ông Phạm Hữu Nghị đề nghị, trong Báo cáo chính trị cần vạch ra những nguyên nhân cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không đạt yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo PCTN các cấp, để từ đó có những giải pháp cho phù hợp.

MỚI - NÓNG