Ngăn đập sông Cái Lớn - Cái Bé: ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ

Sông Cái Bé thuộc xã Bình An (Châu Thành, Kiên Giang). Ảnh: Hòa Hội.
Sông Cái Bé thuộc xã Bình An (Châu Thành, Kiên Giang). Ảnh: Hòa Hội.
TP - Dự án cống ngăn mặn Cái Lớn và Cái Bé (Kiên Giang) nhằm kiểm soát mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng dự kiến triển khai từ năm 2017 -2020, với kinh phí giai đoạn 1 trên 3.300 tỷ đồng. Dự án đang khiến không ít chuyên gia, nhà quản lý và cả người dân lo ngại bởi sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong vùng.

Ô nhiễm nguồn nước sẽ trầm trọng hơn

Ông Nguyễn Văn Đậu (66 tuổi), nhà ở cặp sông Cái Lớn, cho biết gia đình ông có hơn 4 ha trồng lúa từ mấy chục năm nay. Tuy nhiên, hai năm nay mặn xâm nhập, lúa thất gây khó khăn trong cuộc sống.

Nhưng ông Trần Văn Danh, một người dân sống bên bờ sông Cái Lớn, bày tỏ lo lắng khi ngăn đập thì nước sẽ dâng lên gây ngập đường xá, nhà cửa. Chưa kể, ngăn đập thì độ mặn bên ngoài đê lên cao sẽ không trồng lúa được. “Khi ngăn đập, mặn sẽ lên cao thì phải chuyển sang nuôi tôm, trong khi điều kiện gia đình không đủ sức để nuôi”- ông Danh e ngại.

Ông Huỳnh Hưng Tuấn-Phó chủ tịch UBND xã Bình An cho biết hiện xã vẫn chưa nắm được thông tin cụ thể về dự án này. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nếu xây đập sẽ thuận lợi cho người dân sản xuất nông nghiệp vì không còn phải lo mặn xâm nhập.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Chủ nhiệm Chương trình cấp Nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL (1983 – 1990) chỉ ra một số vấn đề cần làm rõ. Đó là vị trí hai cống đã chọn phải đi liền với cơ chế vận hành, phối hợp với các cống đập khác để chống xâm nhập mặn, giữ ngọt tiêu úng trong khu vực dự án. Đặc biệt, hệ thống trên dưới 30 đập của dự án các kênh KH8 - KH9 đến nay chưa được đánh giá toàn diện. “Bộ NN&PTNT phải tính toán cơ chế vận hành các cống đập cho toàn dự án”-GS. Trân đề nghị. Theo ông Trân, Bộ NN&PTNT cần mô phỏng tình hình thủy văn, xâm nhập mặn ở khu vực các cống theo kịch bản vận hành các cống, kịch bản vị trí khác nhau của các cống và kịch bản biến đổi khí hậu với địa hình được cập nhật. Từ đó, đề xuất các phương án lựa chọn. “Dự án sẽ tác động đến môi trường tự nhiên, sản xuất, sinh kế và đời sống của cả triệu người dân trong vùng dự án. Các tác động lên cả 3 mặt này phải được tính đến ngay từ đầu”- ông nói.    

Theo PGS.TS Dương Văn Ni (Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên- ĐH Cần Thơ), theo đề án, mục đích xây cống Cái Lớn và Cái Bé là để ngăn mặn xâm nhập vào phía Tây - Nam sông Hậu. Có nghĩa là cống vận hành theo phương thức khi nào triều cường (nước lớn) sẽ đóng, triều kiệt (nước ròng) sẽ mở. Tuy nhiên, vùng Tây-Nam sông Hậu chịu ảnh hưởng của hai chế độ triều khác nhau. Phía biển Đông là bán nhật triều, phía biển Tây là nhật triều. Do vậy, ở đây có nhiều vùng giáp nước, tức là nước chảy rất ít. Nếu đóng cống Cái Lớn và Cái Bé trong lúc triều cường sẽ làm mất lực hút - đẩy của chế độ thủy văn vùng này. Hệ quả là sẽ gây ra những vùng giáp nước rộng hơn, nước ít di chuyển hơn, toàn bộ chất thải của nông nghiệp, thủy sản, khu dân cư, thành phố, khu công nghiệp sẽ khó tiêu thoát hơn.

Xem xét lại đánh giá tác động môi trường

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, khi ngăn đập sẽ ảnh hưởng đến sinh thái do trao đổi nước bị cắt đi và sẽ ảnh hưởng đến canh tác của người dân theo nhịp thủy triều. Hơn nữa, sẽ cản trở sự trao đổi nước, đi lại của người dân và nguồn thủy sản ảnh hưởng khá lớn. Đặc biệt, khi có sự cố về môi trường thì thoát nước ra biển sẽ khó hơn. “Nước mặn bây giờ không phải là kẻ thù của người dân nữa mà họ đã sống chung và thích ứng để làm giàu. Nếu ngăn mặn làm thay đổi canh tác thì hiệu quả chưa chắc cao hơn như bây giờ”- ông Tuấn cảnh báo. Ngoài ra, ông cho rằng, báo cáo tác động môi trường của Bộ NN&PTNT chưa ổn và yêu cầu cần đánh giá lại, đặc biệt là tác động môi trường gây ảnh hưởng đến những người sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái độc lập về ĐBSCL nêu ra 3 vấn đề bất cập. Thứ nhất, báo cáo tác động môi trường (ĐTM) ngay phần mở đầu đã cố gắng biện luận cho sự cần thiết và cấp bách của công trình. Điều này đặt ra dấu hỏi về tính khách quan của các phân tích sau đó. “Người làm ĐTM phải phân tích độc lập, không phụ thuộc vào quan điểm của chủ đầu tư về sự cần thiết hay không cần thiết của công trình”- ông Thiện nói. Thứ hai, ông cho rằng, đây là một công trình rất đắt tiền và ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn gần 1 triệu ha, tức ¼ ĐBSCL, lập luận về sự cần thiết và cấp bách của công trình không thuyết phục. Ông phân tích, báo cáo dựa vào 4 luận điểm chính là tình hình xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền hàng năm, gây thiệt hại lớn; thiệt hại này ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia; tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng sắp tới sẽ rất nghiêm trọng và  ĐBSCL gánh trọng trách an ninh lương thực cho cả nước (hàm ý rằng phải canh tác lúa). “Cả bốn luận điểm này đều không thuyết phục bởi vì không nên dựa vào tình hình xâm nhập mặn vài năm gần đây, nhất là năm cực đoan 2016 làm tình hình chung để xây dựng một công trình thế kỷ, đắt tiền như thế”-ông Thiện nói. Theo ông, việc cho rằng xâm nhập mặn 2016 ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh lương thực là không đúng, vì năm 2016 Việt Nam vẫn xuất khẩu 4,88 triệu tấn gạo.

Về nước biển dâng, báo cáo sử dụng kịch bản cũ 2009 của Bộ TN&MT trong khi theo kịch bản cập nhật 2016 của bộ này thì đến 2100, tức 83 năm nữa, theo kịch bản RCP4.5 mà Bộ TN&MT cho là khả dĩ nhất thì nước biển dâng chỉ 55cm so với giai đoạn 1986-2005 chứ không phải 1 mét như kịch bản cũ. Về thủy điện Mekong, ông Thiện thắc mắc, không rõ dựa trên cơ sở nào mà báo cáo xét biến đổi khí hậu và biên thượng nguồn giảm 5% lượng nước về ĐBSCL. “Chỉ dựa trên những phân tích khá sơ sài như vậy, báo cáo suy ra rằng công trình này là cần thiết, cấp bách và cho rằng chỉ có một phương án là phải làm công trình này mà không xét đến các phương án thích ứng khác như chuyển đổi hệ thống canh tác hoặc phương án làm công trình ngăn mặn tạm trong những năm cực đoan, với chi phí rẻ hơn và có thể sửa đổi được là rất không ổn”- ông Thiện chia sẻ. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Tố Nghị, Quyền Cục trưởng Quản lý Xây dựng Công trình (Bộ NN&PTNT) cho biết hiện công trình này Thủ tướng mới cho chủ trương đầu tư, còn đầu tư được hay không, dự án có được phê duyệt hay không, còn phụ thuộc vào đánh giá tác động môi trường.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, khi làm công trình này, phải đặt ĐBSLC trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lún đất, phát triển kinh tế xã hội, tác động của thượng nguồn Mekong, phát triển các ngành có giá trị giá tăng cao…

“Cần khảo sát đánh giá kỹ về môi trường, đồng thời tham khảo các ý kiến của nhà khoa học trong nước và quốc tế. Trong tờ trình Thủ tướng, Bộ cũng nói rõ, việc đánh giá tác động môi trường sẽ được lấy ý kiến rộng rãi. Chỉ khi nào thỏa mãn được những vấn đề môi trường, mới cho thực hiện”- ông Thắng nói.                

Phạm Anh

MỚI - NÓNG