Ngày trở về Hà Nội

Lễ diễu hành của các chiến sĩ bộ đội về Nhà hát Lớn sau ngày Giải phóng Thủ đô 10/10
Lễ diễu hành của các chiến sĩ bộ đội về Nhà hát Lớn sau ngày Giải phóng Thủ đô 10/10
TP - Tôi đang phải giải quyết một việc tình nghĩa quân dân (là một chị ăn vận kiểu cô gái bán hoa, áo phin trắng nõn, tóc vấn khăn vành dây, quần đen, đi dép “xăng đan” trắng, cứ dúi vào tay Thùy Chi, cô văn công xinh đẹp, một gói gì khá to, gói lá sen buộc lạt hồng.

Tôi đoán là gói cốm Vòng, mà Thùy Chi cứ không dám nhận. Tôi phải thay mặt “binh chủng văn công” nói cảm ơn và yêu cầu Thùy Chi nhận quà.

Lúc bấy giờ cô gái kia mới rút khăn mùi xoa lau nước mắt, tươi cười rồi theo lệnh đồng chí quân cảnh, rút lui sang vỉa hè bên kia. Cùng lúc có người vỗ vai, tôi hơi giật mình quay lại - A, thì ra đồng chí Các-men, nhà đạo diễn điện ảnh Liên Xô người nổi tiếng đã từng làm phim “Chiến thắng Điện Biên Phủ” (Sau thành phim “Việt Nam thắng lợi”) người đã từng sống những ngày rất đằm thắm, vui nhộn với đoàn văn công và quay hàng ngàn thước phim về các tiết mục ca, múa của Đoàn.

Người mà, trong những ngày nắng gắt gao giữa rừng Việt Bắc, phải quay những cảnh biểu diễn của văn công, mồ hôi nhễ nhại, đã động viên anh chị em diễn viên của tôi bằng một câu “tán tỉnh” rất có duyên: “Trời ơi, khi nào những thước phim này được chiếu ở Liên Xô, thì tôi cam đoan sẽ có đúng 20 triệu con trai Liên Xô nhất quyết sang cưới vợ Việt Nam, và “ở rể” Việt Nam đến khi có cháu chắt chút chít. Vì các cô gái Việt Nam là đẹp nhất trên hành tinh này”.

Đồng chí Các-men bắt chặt tay tôi, ôm vai mấy cô nữ diễn viên và nói rất to “Tuyệt đẹp! Thật xứng đáng với cái đẹp của chiến thắng!”. Rồi anh hạ giọng, nói riêng với tôi, giọng nghiêm trang:

-Đoàn trưởng ! Tôi đã hỏi ý kiến ông Trần Duy Hưng rồi. Đoàn trưởng ra lệnh cho hai xe văn công này tiến lên đi tiếp sau ngay xe chỉ huy. Để tôi có được những thước phim sẽ làm đẹp lòng cả thế giới. Đoàn trưởng cho xe thứ nhất chở riêng nữ diễn viên. Những chị đẹp trẻ nhất dàn lên hàng đầu. Xe quay phim của tôi đã sẵn sàng, vì nó nhỏ lắm, nó lách vào đâu cũng được mà.

Các-men nói sõi tiếng Pháp. Tôi lại phiên dịch cho cả đoàn nghe. Tất cả vỗ tay tán thưởng. Hồ hởi, vui không còn từ ngữ nào nói hết.

Tôi theo ngay ý kiến đồng chí Các - men, cũng yên chí là ông Phó Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố đã tán thành một đội ngũ trở về Hà Nội như thế! Tôi lệnh cho các nữ diễn viên lên xe trên còn nam giới lên xe sau, và lệnh cho lái xe mở máy. Các đơn vị cũng còn đang thu xếp vị trí, nên đường phố Bạch Mai lúc ấy (khoảng 5h 45) cũng còn chỗ rộng rãi để xe lên, xe lùi, xe tránh.

Đồng chí Các - men với cái xe Zeep và một cán bộ điện ảnh của quân đội ta trợ lý có máy quay, máy ngắm, chân chống, hộp pin... cũng từ từ luồn lách, đi ngang với xe văn công. Đến đằng sau xe chỉ huy trông rất lịch sự và nghi vệ lắm, tuy xe vẫn chưa biết ai lái, đang đứng chờ, tôi bảo anh lái xe chở nữ văn công đi dạt vào vỉa hè, đậu lại cách xe chỉ huy 2 mét. Các cô nữ văn công đã gọn gàng tề chỉnh, thì bất thần sau lưng tôi có tiếng quát: “Xe văn công! Ai cho lên đây, hả?”.

Tôi nhận ra đồng chí Vương Thừa Vũ, người được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố, đang đỏ mặt, có vẻ rất bực bội và tôi bỗng nhiên đâm ra chờn. Tôi vội vàng nhảy xuống, đến trước mặt đồng chí Vương, chào theo đúng điều lệnh: “Báo cáo đồng chí sư trưởng , tôi cho xe lên, vì... 

Tôi chưa nói hết câu, ông Vương lại quát.

“Văn công gì mà vô kỷ luật thế? Ai cho phép anh tiến xe lên đấy?”.
Tôi phân trần, nghĩa là cứ nói bừa đi: “Thưa anh, theo ý đồng chí Các - men, người phải quay cuốn phim “Giải phóng Thủ đô” thì để xe văn công đi theo liền ngay xe chỉ huy, phim sẽ đẹp lắm.

Đồng chí Vương không chịu nguôi cơn giận, giọng vẫn lấn át, mà hình như lại gay gắt hơn lúc nãy. “Anh Hoàng Cầm hả! Anh làm phiền tôi quá. Các - men gì, tôi không biết. Đây là kỷ luật hành quân. Các vị trí, các đơn vị, các binh chủng đã quy định từ hôm qua rồi. Anh cho xe lùi về. Văn công đi ở vị trí cuối cùng anh hiểu chưa?

Biết là không thể “vô tổ chức”, không thể “tự do” theo đà rung cảm nghệ sỹ được với ông tướng rất nguyên tắc này, tôi lại kính cẩn đứng nghiêm giơ tay chào, tuân lệnh.

Và, lập tức tôi lệnh cho hai xe văn công tìm cách quay mũi trở lại phía sau, giáp chợ Mơ. Cũng lạ thật, tôi không gặp được ông Trần Duy Hưng để hỏi xem sự thể ra sao, có đúng là chính ông đồng ý với ông Các - men không, thì lại thấy xe quay phim cũng quay mũi theo mình về phía sau. Lúc dừng lại, tôi vẫy Các - men rồi cùng trò truyện bên vỉa hè (tôi không biết tiếng Nga và Các - men cũng chưa sõi tiếng Việt, đành cứ trao đổi qua tiếng Pháp).

Ngày trở về Hà Nội ảnh 1

Nhà thơ Hoàng Cầm bên bờ sông Đuống

- Đồng chí Các - men, có thật đó là ý ông Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng đấy chứ?

Các - men cười hóm hỉnh: “Chẳng phải ý ai cả, chính là ý Thượng đế. Vì văn nghệ là hồn của dân tộc, lúc này là hồn của Việt Nam chiến thắng”.

Tôi ra vẻ trách móc người bạn nghệ sĩ: “Suýt nữa thì kỷ luật đấy, bạn ơi! Tại mình vô tổ chức mà!”.

Các - men nhún vai: “Thôi được! Càng hay! Nếu có dựng phim này tôi sẽ cắt hai xe văn công ra làm một trường đoạn riêng rồi tôi cho lên tít trên cùng cuộc hành quân. Lúc đó thì ngài thiếu tướng sẽ chẳng dọa tôi được nữa - Chẳng lẽ ông ấy sang tận Mátxcơva mà thi hành kỷ luật nghệ sỹ à?”.

Các - men cười ngặt nghẽo. Tôi cũng cười theo, lòng vẫn lâng lâng như say. Nhưng sau, tôi cũng có nghĩ ngợi đôi chút, mới nhận ra hai cách nhìn về tầm vóc các binh chủng đặc biệt này. Bên là tinh anh. Tinh anh thì bay bổng. Bên là thể phách - Thể phách không thể bay (trừ phi là binh chủng không quân). Lúc này thì quan điểm “thể phách”, một thành phần vật chất, phải theo tổ chức, theo guồng máy, như lệnh của thiếu tướng Vương là hoàn toàn đúng. Vì hành quân khác với “biểu diễn văn nghệ”.

Nghĩ thế thôi, còn cả buổi sớm ngày 10/10 ấy, lòng tôi không có chỗ cho một nếp gợn buồn. Bầu không khí lúc bình minh của giải phóng dân tộc ấy thật là một bầu trời phơi phới hoa nở, chim hót, toàn đô thành và cả nước âu ca, rộn ràng. Ở nửa đầu thế kỷ 15, khi Lê Lợi, Nguyễn Trãi kéo quân chiến thắng trở về chiếm lại Đông Quan, thì sắc mây, hương gió chắc hẳn cũng y hệt hôm nay, đúng thế đấy ông bạn nghệ sĩ Các - men ạ!

7h 30 - Xe com-măng-ca tiền vệ có 2 cán bộ đứng nghiêm, để tay ngang trán, chào nhân dân của Thủ đô, tiếp sau là xe chỉ huy. Ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng từ ngày Cách mạng Tháng 8 thành công đến khi quân đội và chính quyền tạm rút khỏi thành phố, nay ngồi nghiêm, nhìn thẳng vào các đường phố bấy lâu xa cách. Bên phải ông là tướng Vương Thừa Vũ, người chỉ huy lỗi lạc của Trung đoàn Thủ đô, nay đã là sư đoàn trưởng, đứng uy nghiêm.

Hẳn trong tâm trí một vị tướng lĩnh vừa chiến thắng đang quay nhanh bộ phim ký ức, hồi tưởng, từ lúc đội tuyên truyền Giải phóng quân ra đời, đến nay mới đúng có 10 năm mà đã làm nên một Điện Biên vang dội toàn cầu để ông cùng binh sĩ được thấy cái vẻ vang đáng kiêu hãnh biết chừng nào.

Theo sau xe chỉ huy là binh chủng pháo binh - Những cỗ pháo 105 ly, 75 ly, rồi sơn pháo, moóc-chi-ê hiên ngang chĩa về phía trước. Rồi cao xạ pháo với những anh lính trẻ măng tay nắm chắc cần xoay, mắt đăm đắm dõi trời cao rộng. Đến bộ binh, quần túm, dép râu khu bốn, hàng ngũ chỉnh tề, tăm tắp như một dòng chảy màu xanh rêu xanh cỏ bất tận.

Và sau cùng, hẳn là binh chủng Văn công như tôi đã phác họa. Từ hai chiếc xe sau rốt cuộc hành quân lịch sử này, bùng ra như lửa những hành khúc kháng chiến. Hát đi hát lại tưởng đến khản cổ là bài Giải phóng Điện Biên, vào ngày hôm nay lại càng bừng reo, tươi tắn, mãnh liệt, lay động cả đất trời.

Tôi nghĩ rằng sáng ấy, nếu như trong hàng chục vạn dân đứng hai bên vỉa hè, đứng ở lan can, cả trên mái nhà những phố rộng của Thủ đô đón mừng bộ đội trở về bằng những miệng cười, bằng tiếng hò reo, bằng cả nước mắt mừng tủi nữa, vâng, sáng ấy, nếu có ai lòng trơ như đá, nguội lạnh như băng mà tiếng hát rộn rã này cứ lọt vào tai, hẳn đá cũng sẽ tan thành nước, băng sẽ ấm lên như lửa sưởi, tro tàn nguội cũng lại hồng lên, như bếp than còn rực cháy.

Và đoàn quân đi thật y như một dòng sông xanh mà hai bên là hai bờ hoa tươi, cờ đỏ trập trùng, suốt từ Chợ Mơ lên phố Huế, đi hơn nửa vòng Hồ Gươm, từ Hàng Bài qua tòa Đốc lý hôm qua, hôm nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân Giải phóng thành phố, rồi lên Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân mới rẽ lên Phan Đình Phùng, lọt hết vào thành qua Cửa Bắc và đường Cột Cờ… Đoàn quân đã đóng giữa trái tim Tổ quốc.

Ôi ! Hồ Gươm! Hồ trả gươm! Thanh gươm thần kỳ của dân tộc, thanh gươm cứu nước và giữ nước, tạm vắng tám năm dài đổ máu và nước mắt, hôm nay lại trả về cho chúng ta. Xe đi từ từ, tôi chợt nhớ câu thơ Phạm Văn Hạnh: Mặt nước Hồ Gươm màu cốm đậm/Môi cô gái nhỏ thắm yên chi.

Thì tôi chợt nhìn thấy ngay bên bờ hồ đối diện với nhà Bưu điện (liên lạc quốc tế) bây giờ, mấy khuôn mặt thân quen: Tôi gào lên gọi, nhưng chắc các bạn ấy không thể nghe tiếng vì tiếng đàn tiếng hát át mất cả. Giọng tôi gọi bạn: Hoàng Yến ơi? Tứ ơi! Chỉ thấy các bạn ấy tươi cười, vẫy tay chung chung, chắc hẳn họ khó nhận ra tôi trong quân phục màu xanh lá cây và khuôn mặt tôi hòa lẫn với các khuôn mặt diễn viên đứng trong thùng xe, ai cũng mũ nan phủ lưới, ngụy trang lá rừng (mặc dù là cành lá của phố Lý Nam Đế, nhưng hẳn các bạn ấy vẫn có cảm tưởng đó là cành lá từ núi rừng Việt Bắc).

Đó là các anh Sỹ Tiến, Đoàn Phú Tứ, các chị Lê Hoàng Yến (người chỉ 8 tháng sau đã thành vợ tôi, người vợ hiền thảo nhất, chịu đựng những gian nan vất vả ghê gớm nhất vì cái họa văn chương trời giáng xuống cuộc đời người chồng thi sĩ).

Rồi đến chị Khánh Hợi, chị Kim Xuân, anh Anh Đệ, nghệ sĩ cải lương. Chắc hẳn các anh chị ấy từ sớm đã họp nhau ở nhà chị Lê Hoàng Yến, gần Bờ Hồ, để cùng tụ lại một chỗ mà đón mừng bộ đội trở về. Xe đã đi qua, tôi nhìn lại các bạn còn đứng đó, mặc dầu xe văn công là dấu chấm hết cho cuộc hành quân.

Phía sau xe văn công, dân phố tràn ra lòng đường như thủy triều lên, cứ theo tiếng hát ầm vang ấy mà lên, lên mãi lên đến chân thành Thăng Long, nơi còn vết đạn đại bác mở đầu cho cuộc xâm lược của thực dân Pháp vào xứ An Nam thời Tự Đức. 

Riêng tôi, khi xe đến ngã tư Tràng Tiền, loang loáng hiện ra trước mắt một mặt hồ thân yêu từ hàng chục năm qua, xa cách nhau chốc đã tám chín năm đằng đẵng, Hồ Gươm như chiếc gương thần mang trăm nghìn hình ảnh kỷ niệm chiếu rọi vào mắt tôi, khơi ngay lập tức hai dòng nước mắt từ từ ứa ra rồi rào rạt chảy. Mắt khóc mà miệng lại cười, trong lòng như ngấm một thứ men kỳ diệu của tình yêu thời trai trẻ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.