Nghệ An - Hà Tĩnh: 5 người chết, mất tích, hàng vạn nhà ngập

Người dân rốn lũ phải leo lên nóc nhà. Ảnh: Minh Thùy
Người dân rốn lũ phải leo lên nóc nhà. Ảnh: Minh Thùy
TP - Tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có 5 người chết, mất tích do mưa lũ; hàng vạn nhà dân bị ngập; hàng loạt trường phải cho học sinh nghỉ học ngày 15/10…

Do mưa lớn liên tục trong 2 ngày 14 và 15/10, nhiều nơi ở Hà Tĩnh, Nghệ An đã chìm sâu trong nước. Một số huyện bị cô lập, chia cắt hoàn toàn.

Nước ngập gần 4m

Đã có 5 người chết, mất tích. Tại Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Loan (SN 1981) đang chèo thuyền vượt lũ thì thuyền bị lật dẫn tới tử vong; anh Trần Văn Trung (SN 1985, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên) đang vận chuyển đồ đạc đi trên đường thì bị nước lũ cuốn trôi, tử nạn; anh Thân Văn Thuần (SN 1990, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc) mất tích. Tại Nghệ An, lũ cuốn trôi học sinh Phạm Ngọc Hoàng (13 tuổi, trú xã Nam Kim, huyện Nam Đàn). Em Hoàng đang đi tới trường một mình thì gặp nạn.

Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, khoảng 60.000 học sinh tại hơn 80 trường THCS, THPT trên địa bàn phải nghỉ học do mưa lũ chia cắt, không thể đến lớp. Hầu hết các huyện Hương Khê, Lộc Hà, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh bị ngập sâu. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê Trần Đình Hùng cho hay: “Toàn huyện có khoảng 12.000 học sinh của 13 trường THCS và 3 trường THPT, Trường Dân tộc nội trú; tất cả đều phải nghỉ học. Nhiều trường học bị ngập rất sâu, có nơi như Phương Điền, nước ngập sâu gần 4m”.

Tại rốn lũ Phương Mỹ (Hương Khê), trụ sở UBND xã, trường học, cầu cống đều bị nhấn chìm trong biển nước. Mưa lớn cộng với nước từ nhà máy thủy điện Hố Hô (Hương Khê) xả lũ với lưu lượng từ 500-1.800 m3/s, hồ Bộc Nguyên xả lũ với lưu lượng 150-200m3/s…. đã làm 11 xã với hơn 5.000 ngôi nhà ngập sâu 2-4m, điển hình là các xã Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hòa Hải. Hàng loạt trường học tại TP Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn (Nghệ An) phải cho học sinh nghỉ học trong ngày 15/10.

Thủy điện xả lũ gấp, dân trở tay không kịp

Lũ trên sông Ngàn Sâu tăng vượt mức báo động, gây sạt lở mái ta luy âm nền đường. Sáng 15/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh trực tiếp xuống thăm hỏi, động viên người dân và chỉ đạo công tác phòng chống, cứu hộ tại hai xã Gia Phố và Hương Trạch, huyện Hương Khê. Ông Khánh nói rằng, việc thủy điện Hố Hô xả lũ nhanh khiến mực nước lên nhanh, người dân trở tay không kịp. “Những hồ nào xả bao nhiêu, xả như thế nào cần phải thông báo kịp thời để cho bà con biết. Tối qua, Hương Khê xả quá nhanh, không thể xả ồ ạt như vậy được. Người dân cho rằng, nước lên nhanh quá. Xả như thế, lũ không nhanh sao được”, ông nói. Ông yêu cầu các lực lượng chức năng huyện Hương Khê thường trực 24/24 tại các địa bàn ngập lụt để giúp đỡ người dân. 

Sáng 15/10, Trưởng thôn Thái Thượng (Lộc Yên, Hương Khê), ông Nguyễn Kim Thanh, cho biết, khoảng 8 giờ tối hôm trước mới nhận được thông báo từ Chủ tịch UBND xã Lộc Yên rằng thủy điện Hố Hô xả lũ. Tại nhà của cụ Lưu Văn Quý (85 tuổi), toàn bộ đồ đạc trong nhà bị nước lũ cuốn chồng lên nhau. “Cả đời này chưa bao giờ thấy nước lũ chảy xiết đổ ập về như tối qua. Giờ toàn bộ đồ đạc trong nhà bị nước phá vỡ. Mực nước dâng cao hơn 2m ngập cả bàn thờ”, cụ Quý nói. Cụ Quý sống một mình nên con cháu phải sắm sẵn một chiếc thang lên trần nhà. Khi nước lũ tràn vào, cụ phải một mình gắng gượng, khó nhọc leo từng bậc thang. Tại nhà anh Cao Xuân Cảnh, toàn bộ tivi, tủ lạnh và hệ thống loa máy bị nước lũ nhấn chìm.

“Trong khoảng 20 phút, nước lũ cuồn cuộn dâng lên gần 2m. Tôi hô hoán vợ và các con chạy lên đường Hồ Chí Minh tránh lũ. Toàn bộ đồ đạc trong nhà bị nước cuốn và xô ngã. Gần 60 năm chưa bao giờ tôi chứng kiến nước lũ dâng thế này. Nếu thủy điện Hố Hô xả lũ báo trước thì không đến nỗi này”, anh Cảnh nói. Tiếp xúc với phóng viên Tiền Phong, người dân xã Hương Đô và Lộc Yên, Hương Khê bày tỏ bức xúc trước việc thủy điện Hố Hô xả lũ đột ngột.

Nghệ An - Hà Tĩnh: 5 người chết, mất tích, hàng vạn nhà ngập ảnh 1 Trụ sở UBND xã Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Chung

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, ông Lê Ngọc Huấn, nói rằng, việc các xã bị ngập lụt là do thủy điện Hố Hô xả lũ không theo phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du.

Theo đó, trước khi vận hành mở cửa van xả nước đón lũ, nhà máy sẽ thông báo bằng văn bản trước 2 ngày đến cho UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh, UBND huyện Hương Khê và các xã có liên quan. Nếu trong quá trình xả lũ có tình huống bất thường, khẩn cấp thì đại diện lãnh đạo trong Ban PCLB - TKCN nhà máy sẽ thông báo trực tiếp cho các trưởng, phó ban chỉ huy PCLB - TKCN các cấp bằng điện thoại để xin phương án xử lý.

“Phương án rõ ràng như thế, nhưng thủy điện Hố Hô không thực hiện đúng. Chiều ngày 14/10, họ chỉ gọi điện cho một phó chủ tịch UBND huyện, khi đó nước đã bắt đầu cuồn cuộn tràn vào các xã”, ông Huấn nói.

Theo ông Huấn, khi UBND huyện kiểm tra lúc 16 giờ ngày 14/10, cốt nước ở mức 68m, lưu lượng xả 1.500 m3/s. Tuy nhiên, vào lúc 17 giờ 30 phút, cốt nước đã giảm xuống 67,3m, nhưng nhà máy vẫn cho xả lên tới 1.700 m3/s rồi tiếp tục lên 1.843 m3/s lúc 19 giờ. “Tôi quá bức xúc nên gọi điện cho lãnh đạo nhà máy này yêu cầu giảm mức xả ngay. Xả như thế, bà con sao kịp để thu dọn đồ đạc sơ tán được”, ông Huấn nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo các xã thuộc vùng hạ du của thủy điện Hố Hô cho biết, chỉ nhận được thông báo của nhà máy vào cuối giờ chiều 14/10. “Lúc đó điện mất, nước lũ đã tràn về họ mới thông báo thì đã quá muộn, người dân bức xúc là đúng”, một lãnh đạo xã nói.

Tại tỉnh Nghệ An, mưa dồn dập trong hai ngày qua tập trung ở hạ du lưu vực sông Cả. Khoảng 815 ha lúa, 5.206 ha ngô và rau màu các loại bị ngập. Theo báo cáo ban đầu của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, có 3.979 phương tiện với hơn 19.895 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản đã neo đậu tại bến, nhận được thông tin vị trí, hướng đi của bão Sarika.

Hàng loạt điểm dọc quốc lộ 48, 46, 15 bị ngập gần 1m, gây ách tắc giao thông cục bộ. Sở GTVT Nghệ An điều động các đơn vị quản lý, lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp chính quyền địa phương đóng đường, phân luồng, cắm tiêu.

Văn phòng BCH PCTT&TKCN Hà Tĩnh cho biết, mưa lớn đã gây ngập lụt 93 xã thuộc 9 huyện, thành phố; 24.158 ngôi nhà bị ngập. Mưa lũ khiến 723 ha lúa mùa bị ngập; hoa màu bị ngập hỏng 1.416 ha, 400 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, 300 gốc đào bị úng hỏng, hơn 12 tấn lương thực bị ướt hỏng. Gần 100.000 con gia cầm bị chết, 869 con trâu bò, 399 con lợn bị chết. Khoảng 20km đường sắt Bắc - Nam chạy qua huyện Hương Khê bị sạt lở nghiêm trọng.

Đường sắt vẫn ngập nặng

Hệ thống đường sắt qua khu vực miền Trung, đặc biệt là Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn đang trong tình trạng ngập lụt, sụt trượt; lãnh đạo Bộ GTVT cấp tốc vào miền Trung để chỉ đạo khắc phục. Từ khoảng Km 377 đến Km 570 (qua Hà Tĩnh và Quảng Bình), có đến 20 điểm bị sạt lở, ngập nặng, có chỗ ngập sâu tới 1m; nhiều đoạn bị trôi nền đường, treo đường ray. Lãnh đạo Tổng Cty Đường sắt Việt Nam có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả. Hôm qua, hàng chục tàu khách, tàu hàng phải nằm dọc đường và một số ga lẻ chờ thông tuyến. Từ 15h ngày 14/10 đến chiều 15/10, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam tổ chức chuyển tải hơn 1.000 hành khách ra khỏi khu vực lũ lụt. Đêm 14/10, Đoàn công tác của Bộ GTVT, do Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ dẫn đầu, đã vào Hà Tĩnh, Quảng Bình để kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả. Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực tổ chức đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục hậu quả trong và sau khi mưa, lũ…

Tối 15/10, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết, do ảnh hưởng mưa lũ nên Tổng Cty Đường sắt Việt Nam quyết định không chuyển tải hành khách từ Vinh đến Đồng Hới (và ngược lại). Do đó, đầu phía Bắc, các đoàn tàu khách xuất phát ngày 15/10 chỉ chạy từ Hà Nội đến Vinh (và ngược lại). Đầu phía Nam, các tàu khách chỉ chạy từ ga Sài Gòn đến ga Đồng Hới (và ngược lại). Các chuyến tàu khách xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 16/10 chỉ chạy đến ga Đồng Hới là ga cuối cùng.

                Sỹ Lực-Huy Thịnh

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.