Nghề thừa phát lại

Ảnh minh họa. (Thanh Niên)
Ảnh minh họa. (Thanh Niên)
Hoạt động thừa phát lại (TPL) hữu ích đối với người dân nhưng do vẫn còn quá mới mẻ nên trong nhiều trường hợp, ngay cả cơ quan chính quyền cũng không biết TPL là ai?
Ảnh minh họa. (Thanh Niên)
Ảnh minh họa. (Thanh Niên).

Đến nay, 5 Văn phòng Thừa phát lại (VPTPL) hoạt động thí điểm ở TP.HCM được gần 3 tháng. Tuy thế, nhiều người dân và cả những người đang công tác trong bộ máy chính quyền vẫn còn mù mờ, không biết “ông TPL là ai”.

Cảnh sát khu vực cũng... bí

Bà Vũ Thị Trường Hạnh, Trưởng VPTPL Q.8 kể, một lần bà đi lập vi bằng cho việc giao nhận thông báo đòi nhà trên địa bàn Q.8 với sự có mặt của đại diện chính quyền và cảnh sát khu vực. “Khi chúng tôi đề nghị những người có mặt ký tên người chứng kiến, tất cả đều ký nhưng anh cảnh sát khu vực thẳng thừng từ chối với lý do “tôi không biết TPL là ai”, mặc dù anh rất tích cực hỗ trợ chúng tôi tác nghiệp. Sau đó, chúng tôi giải thích, đưa thẻ, dẫn luật nhưng anh này vẫn lắc đầu không ký”, bà Hạnh nói.

Éo le hơn, ông Nguyễn Năng Quang, Trưởng VPTPL Q.Tân Bình đến gặp UBND một phường nhờ hỗ trợ lập vi bằng thì bị chất vấn: “TPL là ai? Anh thuộc sở, ban ngành nào của thành phố?”.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính giải thích: vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận khách quan, trung thực những sự kiện, hành vi mà TPL trực tiếp chứng kiến. Vi bằng có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Do chuyện “vặn vẹo” xảy ra như cơm bữa nên mỗi lần ông Phạm Quang Giang, Trưởng VPTPL Q.5 đi tác nghiệp luôn mang theo quy định về TPL để công bố cho những người có mặt biết “TPL là ai, được làm những gì” trước khi thực hiện nhiệm vụ.

Theo ông Giang, những người dân lớn tuổi thì không lạ gì với TPL vì trước đây hoạt động này đã có, còn những người trẻ tuổi (kể cả cán bộ) sau này thì hầu như không ai biết nên chuyện ngạc nhiên khi TPL xuất hiện là bình thường.

Chính quyền đã thế, người dân còn khó khăn hơn khi muốn tiếp cận thông tin. Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài viết Thừa phát lại: 113 của dân sự, nhiều người dân gọi đến liên tục xin địa chỉ, số điện thoại và cho biết qua Báo Thanh Niên mới biết có “anh TPL” làm khá nhiều việc.

 Thừa phát lại quận Tân Bình đang tiến hành lập vi bằng. ảnh: L.N (Thanh Niên)
Thừa phát lại quận Tân Bình đang tiến hành lập vi bằng. ảnh: L.N (Thanh Niên).


Giống như công an... tư

Có mặt tại VPTPL Q.Tân Bình, chúng tôi tiếp xúc một số người đến ký hợp đồng lập vi bằng. Một chị cho biết, hàng xóm cạnh nhà chị vừa khởi công làm nhà nên chị muốn mời TPL xuống ghi nhận hiện trạng căn nhà mình kẻo mai mốt hàng xóm làm nghiêng nhà, nứt tường không có bằng chứng. Còn chị N.N.T (Q.3) mua nhà, đến nhờ “ông TPL lập cho tôi cái vi bằng giao nhận tiền”...

Tại VPTPL Q.5 thì điện thoại đổ chuông liên tục, lúc thì “nhà tôi đang thuê bị chủ khóa cửa không cho vào”, lúc thì “mai tôi khởi công, cần ghi nhận ranh giới và ông xuống chụp hình ghi nhận hiện trạng nhà hàng xóm, mai mốt họ nói tui xây nhà nứt, lún còn có cái đối chiếu”; lúc thì “ông UBND phường làm khó không ký giấy, không cung cấp văn bản nói lý do, ông xuống lập vi bằng để tui kiện họ”; lúc thì thỏa thuận “tế nhị” như đứng tên hộ trên tài sản, hùn hạp, vay mượn...

Chị Nguyễn Thị Xuân Mai (ngụ Q.3) chia sẻ: “Có những chuyện trước đây khi gia đình tôi cần người làm chứng không biết kêu ai, gọi công an, phường cũng khó vì chưa thiệt hại gì nên không ai chịu xuống. Nay có ông TPL, giống như công an “tư”, khỏe hơn nhiều”.

Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa biết trường hợp nào được lập vi bằng do hoạt động của TPL chưa phổ biến. “Mới đây, có một khách hàng đến VPTPL Q.8 nhờ lập vi bằng ghi nhận sự việc anh chồng đồng ý ly hôn, chia cho cô vợ 1 tỉ đồng với điều kiện phải đem 4 đứa con đi thử ADN. Nếu 4 đứa con này không phải của người chồng thì cô vợ không được hưởng một đồng nào. Hay trường hợp anh này quan hệ với một cô gái có con, anh chàng đồng ý đưa cho cô gái một số tiền với điều kiện cô gái không được quấy rối anh ta. Hay có trường hợp nhờ xuống Long An lập vi bằng... Những trường hợp này chúng tôi phải tư vấn không thể lập vi bằng được vì trái luật và hướng dẫn phải liên lạc với các cơ quan khác”, bà Vũ Thị Trường Hạnh, Trưởng VPTPL Q.8 kể.

Một mẫu vi bằng được lập ở VPTPL Q.8. ảnh: L.N (Thanh Niên)
Một mẫu vi bằng được lập ở VPTPL Q.8. ảnh: L.N (Thanh Niên).


“Gọn nhẹ, không cần xác nhận”

Công việc của TPL hiện nay là tống đạt văn bản của tòa án và của cơ quan thi hành án dân sự; xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án và lập vi bằng (ghi nhận sự kiện, như một loại bằng chứng).

Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay 5 VPTPL trên địa bàn TP.HCM thụ lý khoảng gần 300 vụ việc mà phần lớn là liên quan đến lập vi bằng, còn những hoạt động khác rất hạn chế, thậm chí chưa động chạm gì.

Cho đến nay, ngành TAND TP.HCM cũng mới lên kế hoạch dự toán kinh phí bổ sung cho việc tống đạt văn bản giao cho TPL thực hiện (trước đây, việc tống đạt các văn bản chủ yếu do tòa án thực hiện) nên cũng chưa biết đến khi nào công đoạn này mới được chuyển giao cho TPL.

Bên cạnh đó, có một số người dân trước đây đã nhờ cơ quan thi hành án tổ chức thi hành bản án nhưng không hiệu quả nay muốn qua nhờ TPL thi hành án cũng không được. Vì theo quy định hiện nay, nếu rút đơn yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định đình chỉ và không được yêu cầu thi hành án lại. Như vậy, người được thi hành án đành phải chịu trận chứ không có lựa chọn nào khác.

Cũng có trường hợp, người dân tự nguyện (tự bỏ chi phí) yêu cầu TPL tống đạt giấy triệu tập của tòa vì họ biết thực tế bị đơn ở đâu, nhưng cũng không thể thực hiện được vì quy định phải do tòa yêu cầu việc tống đạt mới hợp lệ. Ngoài ra, nhiều người muốn xác minh xem con nợ có tài sản không để đi kiện cũng bị vướng vì “ông TPL” chỉ được xác minh sau khi có bản án của tòa.

Dù vậy, nhiều hoạt động của TPL đã đem đến những hiệu quả rất rõ cho người dân. Trong số đó có thể kể trường hợp của anh T. (ngụ Q.10). Anh T. đến cơ quan thi hành án nhờ thi hành bản án dân sự nhưng “bị đòi” phải ra công an làm xác nhận người vợ đang cư trú ở TP.HCM (trong bản án cô vợ có hộ khẩu ở An Giang). Ngán thủ tục hành chính, anh T. đến nhờ TPL và chỉ cung cấp “miệng” địa chỉ người vợ. “Chỉ vài ngày sau bản án giao nhận nuôi 3 đứa con đã được thi hành, gọn nhẹ, không cần xác nhận”, anh T. kể.

TP.HCM được chọn thực hiện thí điểm chế định TPL đầu tiên trong cả nước, thời gian từ năm 2009 đến năm 2012. Đến nay, trên địa bàn đã có 5 Văn phòng TPL đầu tiên được thành lập, gồm:

- VP TPL quận 1 (trụ sở tại 104 Điện Biên Phủ, P.Đa Kao, Q.1)

- VP TPL quận 5 (trụ sở tại 40 Huỳnh Mẫn Đạt, P.2, Q.5)

- VP TPL quận 8 (trụ sở tại 809B – 811 Tạ Quang Bửu, P.5, Q.8)

- VP TPL quận Bình Thạnh (trụ sở tại 19R Nguyễn Hữu Cảnh, P.19, Q.Bình Thạnh)

- VP TPL quận Tân Bình (trụ sở tại 717 Cách Mạng Tháng Tám, P.6, Q.Tân Bình).

Theo Lê Nga
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.