Nghèo cũng xài sừng tê - Kỳ 3: Nhà văn cũng vái tứ phương

Nghèo cũng xài sừng tê - Kỳ 3: Nhà văn cũng vái tứ phương
TP - Nhóm phóng viên phát hiện không ít nhà văn và trí thức, những người có tác động không nhỏ đến niềm tin của xã hội, cũng tìm cách cậy nhờ vào phép màu của sừng tê khi bệnh tình đến nước vái tứ phương.

Nghe tin Quốc (Bế Kiến Quốc, nhà thơ, Tổng Biên Tập báo Người Hà Nội) không khỏe nhưng vẫn đi làm, tôi đến tòa soạn thăm anh.

Thầy bảo bệnh em trọng nhưng mệnh còn trường lắm. Thành tâm cúng bái sẽ qua khỏi.

Cúng thì khó gì. Nếu cúng mà khỏi thì tội gì không làm.

Nhưng thầy bảo phải kiếm được con gà đen chân trắng…

Khó gì chuyện ấy nhỉ.

Em kiếm được rồi. Nhưng phải tìm được người hợp tuổi cúng mới linh chứ.

Tôi vốn không tin vào sự phán bảo của các thầy này nhưng cũng hỏi cho bạn yên lòng:

Thế nào là hợp tuổi? Tuổi gì hợp với tuổi ông?

Tỵ. Tân Tỵ mới được.

Tôi nhắc đến tên một người tuổi ấy mà cả anh và tôi đều quen biết. Không hiểu vì lí do gì, anh gạt ngay đi. Dù không tin nhưng vì sức khỏe bạn nên tôi nói tớ cũng Tân Tỵ đấy. Quốc reo lên như bắt được của và lập tức gọi cho Mai (nhà thơ Đỗ Bạch Mai, vợ anh), báo tin vui. Có lẽ Mai hỏi đấy là ai vì thấy Quốc nói tên tôi và nói tốt mấy câu về tôi.

Nhưng mà tớ không biết cúng đâu.

Không cần, nhà em sẽ viết tất cả ra giấy, anh chỉ cần đọc thôi.

Thế là một sáng chủ nhật, tôi làm thầy cúng bất đắc dĩ. Ít lâu sau, thầy lại bảo phải cúng tiếp nên tôi lại được mời cúng cho anh. Nhưng lần này, không kiếm đâu ra gà đen chân trắng. Vì thế trên mâm cơm cúng là một con gà đen chân trắng… bằng giấy.

Bệnh chẳng thấy lui. Chỉ biết anh phải vào Bệnh viện Hữu Nghị. Thăm anh, tôi đùa, quên tút thuốc lá rồi, lần sau sẽ mang theo. Chả là anh nghiện thuốc lá nặng. Tôi nghĩ hàng vạn điếu thuốc đã tích nicotin thành cao trong phổi anh rồi. Anh gầy rộc, nhưng vẫn lạc quan chờ một phép diệu kỳ.

Em có thằng bạn ở Đức sắp về. Nó sẽ mang sừng tê giác cho em.

Nhưng sừng tê giác cũng không cứu được anh. Tôi có một bài khóc anh, bên bài điếu văn in trên chính tờ báo anh làm tổng biên tập đương nhiệm.

Nghèo cũng xài sừng tê - Kỳ 3: Nhà văn cũng vái tứ phương ảnh 1

Tin đúng là đúng


Việc anh nhờ tôi cúng, suy cho cùng cũng chỉ là một biểu hiện của tâm lí đám đông mà thôi. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Đó là một cách nghĩ, một phương châm hành xử phổ biến xưa nay. Nào có mất gì đâu mà phải so đo tính toán.

Nếu được thì khỏi bệnh, được cả một mạng sống, ít nhất thì cũng kéo dài tuổi thọ. Điều này các nhà khoa học tâm lí gọi là quy luật vàng, hễ cứ tin đúng là đúng. Và người ta sẽ tìm ra vô số những chứng cứ mà tuyệt đại đa số không được kiểm chứng, không mắt thấy, chỉ nghe qua người khác. Vì vậy ai nấy đều hồn nhiên tin, hồn nhiên nghe, hồn nhiên làm theo.

Nhiều trường hợp khỏi bệnh thật cũng chỉ là ngẫu nhiên. Đến đây ta lại gặp một quy luật tâm lí nữa. Đấy là có bệnh thì vái tứ phương.

Thật ra cũng không thể xác định phương nào làm ta khỏi bệnh. Đơn giản chỉ vì đồng thời với việc cúng bái, người ta còn dùng nhiều thứ thuốc. Ai mách gì là làm theo. Người sẵn lòng tin thì cứ vơ vào, nhờ cúng mà khỏi. Thế là một đồn năm, năm đồn mười.

Không mấy ai dám mang mình ra làm vật thí nghiệm như cô cháu gái ở quê tôi (gần năm mươi tuổi rồi) khi dám chỉ vào mặt một thầy, vốn cũng là bạn cùng trang lứa bảo:

Tao thách mày, cho tha hồ khấn vái, cúng bái, yểm bùa để tao ốm, tao chết đấy.

Được rồi.

Lời thách đố qua đi cả chục mùa lúa chín mà cháu tôi vẫn khỏe re.

Nghèo cũng xài sừng tê - Kỳ 3: Nhà văn cũng vái tứ phương ảnh 2

A dua

Người Việt ta hình như vẫn có thói quen phổ biến nghĩ theo đám đông, nói theo đám đông, làm theo đám đông. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng tâm lí này là người ta không thể tồn tại một mình, phải sống giữa những người xung quanh. Một người cũng thế. Một đất nước cũng thế. Người ta luôn lo sợ bị cô độc, bị cô lập giữa cộng đồng. Cái tâm lý đám đông ấy suy cho cùng là biểu hiện tự nhiên của thuộc tính bầy đàn từ thời nguyên thủy.

Khi tôi tỏ ý không tin vào chuyện sừng tê giác như một thần dược, chữa được bách bệnh, có người vặn lại:

Thiên hạ ngu cả hay sao mà bỏ ra cả đống tiền mua một cái sừng tê giác.

Ông có biết chiếc sừng tê giác đang bảo quản ở một cơ quan chức năng được cất giữ thế nào không?

Thì cất giữ như vàng là cùng chứ gì?

Hơn thế nhiều. Khóa ngoài khóa trong rồi. Nhưng thứ chứa cái sừng ấy phải có ba cái khóa đặc biệt, ba chìa do ba người có trách nhiệm giữ. Không có đủ ba người ấy cùng mở thì không thể lấy ra được.

Sở dĩ người ta phải cất giữ cẩn thận như thế vì trên thị trường ngầm, nó vẫn cứ được thổi lên với giá ngất ngưởng mà chưa có cách gì để giải bài toán tâm lí xung quanh nó ngay được.

Hiếm là quý

Có đến bốn vấn đề tâm lí kia. Hễ cứ hiếm là quý rồi. Hễ cứ đắt là quý rồi. Hễ cứ nhiều người nói nó chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo là những người nhiều tiền mua để cất giữ như cất giữ vàng, phòng khi phải dùng đến. Hễ cứ có người nhà mắc bệnh trọng là cố gắng lùng mua bằng được. Nhưng không ai chứng minh được nó có công hiệu thật không. Chỉ những đồn là đồn. Còn tôi, mắt thấy tai nghe lại không thấy thế. Sự ra đi của nhà thơ Bế Kiến Quốc là một ví dụ.

Vừa rồi, thăm nhà văn Ma Văn Kháng thấy sức khỏe ông vẫn tốt, chỉ có cái chân tê bì, hơi khó đi lại. Mấy năm trước ông bị hẹp động mạch vành, phải đặt ba cái stent trị giá bằng cả chiếc xe hơi hạng sang trong tim.

Ông nghe đồn sừng tê giác rất tốt nên cũng phải nhờ vả. Vòng vèo mãi mới mua được một lạng bằng hai đầu ngón tay giá 1.000 USD, cùng với một cái đĩa đường kính 20cm, vành cao 1cm. Lòng đĩa không tráng men nên rất giáp, chỉ để mài sừng.

Chị Phòng, vợ ông, hằng ngày cứ mỏi rời tay mài. Thỉnh thoảng lại nhỏ vài giọt nước vào như người ta mài dao kéo. Chỉ nửa giờ mà sao lâu thế. Cuối cùng được một cốc nước đùng đục, trăng trắng như nước gạo. Cái tâm lí nó đắt, nó quý, cộng với tình thương của người vợ yêu khiến ông không dám cầm một tay như cầm chén nước, bát cơm.

Thay vào đó, ông bưng cốc nước bằng hai tay với tất cả sự trân trọng, thận trọng đến mức cẩn trọng. Lần đầu tiên đưa cốc nước lên miệng mà sao nó quan trọng, thiêng liêng như một nghi thức tôn giáo.

Ngày uống đêm nghe

Đầu lưỡi, rồi cả thân lưỡi, cuống lưỡi, cổ họng tuyệt nhiên không cảm thấy vị gì. Không đắng, không mặn, không cay, không ngọt. Chỉ có mùi khen khét. Uống đến đâu, biết đến đấy. Vừa uống, vừa nghe. Ngày uống đêm nghe. Hôm nay uống, ngày mai nghe. Ngày nào chị Phòng cũng mỏi rời tay, kiên trì, cần mẫn làm như thế.

Có thời gian ngày hai lần. Như thấy vợ vất vả quá, ông bảo vợ rút xuống một lần. Hàng tháng trời như thế. Rõ là chẳng thấy nước non gì. Chỉ thấy có vẻ ngủ được. Nhưng vẫn phải uống đủ loại thuốc Pháp, Mỹ để chống đào thải. Và thuốc bổ, thực phẩm chức năng, cả thuốc ngủ nữa.

Sau một thời gian, cảm thấy nó chẳng có tác dụng gì, ông bảo vợ, thôi, không làm khổ em nữa. Thế là cái cục sừng gần hai chục triệu bạc để đấy như một vật vô dụng, vô tích sự. Chính người bán sừng tê giác cho ông những tưởng cũng chữa khỏi bệnh cho vợ mình. Nhưng cuối cùng vợ anh cũng ra đi.

Giá trên giời, công hiệu mơ hồ

Một ông phó giáo sư, tiến sĩ bạn tôi nhiều năm trước bỏ ra hai ngàn rưỡi USD mua một lạng sừng tê giác để chữa bệnh cho cháu. Kỳ công mài hơn hai năm nhẵn thín mấy cái đĩa mà cháu vẫn không khỏi.

Thân phụ giáo sư, nhà văn Trần Đình Sử được một bạn gia đình mời sử dụng nó một thời gian. Nhưng cũng như các trường hợp tôi hỏi, đều không đo đếm được hiệu quả. Cụ vẫn ra đi ở tuổi chín mươi. Nhà giáo Phương Thi, vợ giáo sư, nhà văn Phương Lựu có một miếng sừng tê giác to bằng bốn ngón tay, mỏng cỡ nửa phân, được một người bạn thân cho.

Vì người ấy lại được một bạn gái của chồng cho mà chồng thì đã mất, cứ cất trong tủ mãi nên cho bà. Bà chả biết giá trị thế nào nên đưa bạn hai triệu đồng. Chị bạn trả lại một triệu.

Mấy năm rồi miếng sừng ấy vẫn cất trong tủ. Một bạn của bà ở Lạng Sơn bảo ông ta cũng có nó. Mài cho trẻ uống hạ sốt ngay. Nhưng cháu bà sốt, con bà dứt khoát không cho dùng. Thiếu gì thuốc hạ sốt hiệu nghiệm.

Có cả loại thuốc trẻ nhỏ không chịu uống, chỉ cần đút vào hậu môn nó cũng hạ sốt ngay. Việc gì phải lôi thôi.

Phó giáo sư, nhạc sĩ Vĩnh Cát cũng dùng mấy năm rồi. Ông bảo cũng không biết công hiệu thực hư thế nào. Nhưng tác dụng tiêu độc thì rõ. Chỉ có điều ông nói sừng tê giác là kết dính của những sợi tóc của con vật mà thành nên, khi mài ra xong, phải lọc rồi mới uống được. Trên màng lọc thấy có một nhúm tóc vụn trắng.

Lần đầu nghe thế chả biết thực hư ra sao. Chỉ biết câu chuyện xung quanh nó, phần lớn là bán tín bán nghi. Chỉ biết giá trên trời mà công hiệu thì không xác định được rõ ràng.

Cũng có thể nhiều người mua phải sừng tê giác giả chăng? Có giời mà biết được. Thật giả, không phải chỉ chuyện này mà còn nhiều chuyện khác. Nhưng không nhẽ giả tất?

Thực tế ở Việt Nam chưa thấy hiện tượng bắt người sử dụng sừng tê giác. Một quan chức nói: ”Thảo luận với họ về công dụng cũng bằng thừa. Họ có niềm tin của họ. Và chắc có bao giờ đọc báo đâu”.

(Còn nữa)

Theo Theo Tri Thức Trẻ
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.