Nghi vấn 'cấp đất trái quy định cho con Bí thư Đà Nẵng': Ông Trần Thọ nói gì?

Ông Trần Thọ. Ảnh: Nam Cường.
Ông Trần Thọ. Ảnh: Nam Cường.
TP - Hôm qua (17/7), Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng về những vấn đề liên quan đến thông tin việc con gái ông được cấp trái quy định 2 lô đất ở ngã ba Phan Bội Châu - Trần Quý Cáp (quận Hải Châu) gây xôn xao dư luận.

Ông Thọ thẳng thắn cho hay, ông có biết sự việc và quy trình cấp đất là hoàn toàn bình thường, không có gì khuất tất.

Chiều hôm qua, sau khi ông Thọ báo cáo toàn bộ nội dung sự việc tại cuộc họp Thường vụ, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã cho ý kiến. Trước đó, dư luận Đà Nẵng xôn xao vì một bài báo, cho rằng hộ dân Trần Thị Yến Minh (con gái ông Thọ) nhận đất tái định cư (TĐC) trái quy định vì đất giải tỏa ở quận Cẩm Lệ nhưng nhận TĐC ở quận Hải Châu, qua đó thu lợi hàng tỷ đồng…

Không trái quy định

Theo hồ sơ chúng tôi thu thập được, năm 2003, chị Trần Thị Yến Minh (được bố mẹ chia cho 400m2 đất, đã làm thủ tục chuyển đổi sang đất ở) có đất nằm trong diện giải tỏa khu dân cư Phước Lý và được đền bù 2 lô đất ở Phước Lý (Hòa An, Cẩm Lệ). Sau đó, UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý đổi cho chị Minh 2 lô đất ở Phước Lý lấy 2 lô ở góc đường Phan Bội Châu - Trần Quý Cáp và tháng 2/2014 được Sở TN&MT cấp sổ đỏ. Vì chuyện này, dư luận băn khoăn, liệu ông Thọ có can thiệp vào việc cấp đất cho con gái mình?  

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Điểu - GĐ Sở TN&MT thành phố cho hay, Sở cấp sổ đỏ là vì nhận thấy tất cả thủ tục, giấy tờ đều đầy đủ. “Chúng tôi thấy thủ tục không sai cái gì nên cấp sổ”.

Tại cuộc họp Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chiều qua, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố, cho hay, việc chuyển đổi như trên không trái với quy định. Theo ông Thơ, trước đây, khi ông Nguyễn Bá Thanh làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, việc bố trí đất tái định cư cho người dân là theo phương án phê duyệt. Thời điểm đó người dân muốn được vào trung tâm để ở cho gần người thân, tiện cho con cái đi học nên làm đơn nhiều lắm. Khi đó phổ biến vẫn là người dân chứ cán bộ rất ít.

Thừa nhận không thể tuyệt đối việc giải tỏa đâu phải bố trí TĐC ở đó, ông Thơ cho rằng, muốn chuyển từ ngoại ô vào trung tâm thì phải bù tiền chênh lệch. Ở đây, chị Minh vì điều kiện, muốn chuyển xuống trung tâm thành phố, thay vì trả tiền đất khoảng 2 - 3 trăm ngàn đồng/m2 thì chị phải trả mấy triệu đồng/m2 khi nhận đất ở Hải Châu.

“Trường hợp của chị Trần Thị Yến Minh đều thực hiện theo quy định của pháp luật. Không có gì sai quy định hết” - ông Thơ khẳng định. Ông Thơ cũng cho rằng không nên so sánh vụ việc này với việc ông Nguyễn Ngôn vì hoàn toàn sai lệch bản chất. “Ở đây, ông Nguyễn Ngôn tự bố trí đất cho người nhà của ông nhưng không được sự phê duyệt của UBND thành phố. Vụ này đã chuyển sang cơ quan công an điều tra”, ông Thơ khẳng định.

Ông Trần Thọ: “Tôi rất buồn vì anh em không hiểu sự việc”

Ông Trần Thanh Vân, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng, cho biết, chị Minh được thành phố phê duyệt và nộp thêm tiền chênh lệch cho thành phố. Mọi việc đều đúng quy định. Giờ báo chí thông tin như vậy đã tạo ra dư luận xấu vì chị ấy là con Bí thư Thành ủy. Nếu ngay ban đầu báo chí gọi cho anh Thọ để tìm hiểu thì mọi chuyện nó khác.

Nói với Tiền Phong, ông Thọ kể, gia đình có mua và chia cho cháu Minh lô đất 400m2, sau giải tỏa, đền bù 2 lô đất tại Phước Lý. Cháu Minh có nhu cầu muốn chuyển xuống trung tâm thành phố nên làm đơn và được UBND thành phố đồng ý đổi đất.

“Cháu được cấp 180m2 đất ở đường Phan Bội Châu, thực ra diện tích nhỏ hơn số giải tỏa nhưng được cái vị trí thuận lợi hơn. Tất cả chỉ có chừng đó thôi. Tôi đảm bảo là tất cả mọi thủ tục cháu Minh hoàn thành đầy đủ, từ nghĩa vụ tài chính, đến thuế rồi nộp tiền chênh lệch”.

Ông Thọ khẳng định, khi biết con gái muốn chuyển đổi đất xuống Hải Châu, ông nghĩ rằng đó cũng là việc bình thường, vì từ trước tới nay, rất nhiều người dân, kể cả trong và ngoài tỉnh, cả cán bộ cũng đã được UBND thành phố giải quyết linh động cho đổi như thế.

“Tôi không hề can thiệp tới chuyện này, không tạo cho con gái nghĩ mình là con Bí thư thì phải được thế này thế nọ, bởi nghĩ việc này cũng đơn giản thôi. Trước đây có nhiều người chuyển đổi như thế rồi”. Ông Thọ cho hay, khi báo chí nêu, ông rất buồn vì một số anh em chưa hiểu tường tận vấn đề, sự việc. “Nếu anh em đến gặp tôi, hỏi tôi một câu, tôi trả lời hết mọi chuyện cho nghe rồi đăng gì thì đăng, chuyện này có gì phức tạp đâu”.

Kết thúc buổi nói chuyện để họp ban Thường vụ Thành ủy, ông Thọ nói: “Tôi biết thời gian qua, tôi có nhiều quyết sách khá mạnh tay, tuy được lòng dân nhưng lại mất lòng một số người. Tôi xin khẳng định, dù thế nào, tôi vẫn bảo vệ đến cùng những quyết sách mà mình đã đưa ra, với lòng tin làm đẹp cho thành phố, làm lợi cho nhân dân. Còn chuyện này, tôi sẽ báo cáo lên Thường vụ, đúng y như câu chuyện tôi trao đổi với anh. Mọi chuyện như thế nào chờ Thường vụ quyết”.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.