Nghìn tỷ gửi ngân hàng vì sao dân vẫn khát: Kinh doanh 'một mình một chợ'

Nghìn tỷ gửi ngân hàng vì sao dân vẫn khát: Kinh doanh 'một mình một chợ'
TP - Nhiều ý kiến cho rằng, do bất cập trong mô hình quản lý và kinh doanh nước sạch hiện nay nên dù ngân sách phải chi một khoản tiền rất lớn để đầu tư các dự án nước sạch nhưng người dân Thủ đô vẫn khát.

Đô thị hóa nhanh, nước sạch càng teo tóp

Đi cùng tốc độ đô thị hóa của Hà Nội phát triển chóng mặt, nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, các khu công nghiệp phát triển cùng với dân số tăng nhanh dẫn đến nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt ngày càng tăng. Thế nhưng công tác đầu tư các dự án phát triển về nguồn và mạng lưới cấp nước sạch của Hà Nội không đáp ứng nổi nhu cầu thực tế.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, chưa tính đến các khu vực phát triển mở rộng mạng lưới cấp nước thì hiện nay lượng nước cung cấp đang thiếu hụt rất lớn. Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dù trong năm 2016, Hà Nội đã đưa vào vận hành dây chuyền xử lý nước mặt tại nhà máy nước Bắc Thăng Long với công suất 30.000m3/ngày đêm nhưng do nguồn nước ngầm và nước mặt sông Đà giảm nên tổng lượng nước tối đa có thể cung cấp được chỉ ở mức 963.304m3/ngày đêm, tương đương với khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của 4,6 triệu dân. Trong khi dân số Hà Nội hiện vượt ngưỡng 7,5 triệu người. Theo tính toán cao điểm mùa hè nhu cầu sử dụng nước tăng từ 10 đến 12% so với ngày thường thì lượng nước thiếu hụt sẽ ở mức 70.000- 100.000m3/ngày đêm.

Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawaco), hiện giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất và kinh doanh nước sạch của Hà Nội, nhưng mấy năm nay con số về sản lượng nguồn nước vẫn không thay đổi nhiều với khoảng 617.000 m3/ngày đêm. Đề cập các dự án phát triển nguồn nước để giải cơn khát cho người dân trong mùa hè này, đơn vị cho rằng hè này nếu khai thác tối đa năng lực sản xuất của các nhà máy hiện có, kết hợp chống thất thoát, thất thu thì cũng chỉ được khoảng 643.000 m3/ngày đêm.

Trả lời câu hỏi, vì sao hàng năm doanh thu kinh doanh thu tiền nước vào dạng “khủng”, thậm chí có ngàn tỷ đồng gửi ngân hàng, nhưng việc đầu tư các dự án phát triển nguồn nước lại ít? Một vị cán bộ của Hawaco lý giải: “Những con số trong bảng báo cáo tài chính là kết quả hợp nhất của công ty mẹ-công ty con. Nhìn con số lớn thế chứ chưa bao gồm các chi phí khác nữa, phải chi nhiều thứ nữa chứ. Cái này phải hỏi tài chính”. Đem câu hỏi này hỏi cán bộ phòng Kế toán của Hawaco, cán bộ phòng này cho biết: “Việc này phải có sự đồng ý của lãnh đạo chúng tôi mới trả lời, còn con số về doanh thu, tiền gửi ngân hàng của chúng tôi thì đã có thanh tra, kiểm tra. Con số báo cáo tài chính ở đây có tính thời điểm”.

Mô hình quản lý, kinh doanh nhiều bất cập

Không chỉ dân cư ở khu vực thành thị, qua giám sát tình hình sử dụng nước sạch nông thôn của HĐND TP Hà Nội cho thấy, thực trạng nước sạch nông thôn tại nhiều huyện ngoại thành không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Theo kết quả giám sát về tình hình nước sạch nông thôn của HĐND TP Hà Nội 2016 cho thấy, thành phố đã dành ra 184 tỷ đồng cho “Chương trình cung cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội giai đoạn 2013-2015”.  Riêng năm 2016, số tiền cho nước sạch nông thôn lên tới 30 tỷ đồng, nhưng nhiều nơi dân cư vẫn chưa có nước sạch để dùng.

Theo đánh giá đến thời điểm này, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn Hà Nội được sử dụng nước sạch đạt trên 40%. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp đột phá thì đến năm 2020, Hà Nội sẽ khó hoàn thành mục tiêu 100% dân số ngoại thành được sử dụng nước sạch.

Người dân tiếp tục đối diện tình trạng thiếu nước vào mùa hạn, phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm để sinh hoạt... Tại kỳ họp HĐND TP gần đây, ông Trần Thế Cương, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP) khi chất vấn lãnh đạo thành phố về vấn đề này đã cho rằng, mô hình quản lý sau đầu tư nước sạch nông thôn hiện không thống nhất, theo 4 mô hình: Doanh nghiệp, cộng đồng, hợp tác xã, tổ tự quản dẫn đến giá nước sạch không thống nhất, mạnh ai người đó thu, mỗi nơi một giá.

“Hiện nay trên địa bàn chỉ có nguồn nước mặt sông Đà, sông Hồng có thể xử lý làm nước sinh hoạt. Tới đây người dân nông thôn dùng nước gì? Theo tôi, thành phố phải có quyết tâm, phải thay đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh nước sạch, trong đó sớm xoá kiểu kinh doanh một mình một chợ của các doanh nghiệp ngành nước thì dân mới sớm hết khát”, một cán bộ có trách nhiệm của thành phố phân tích.

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, cùng với thực hiện các dự án nhà máy nước Sông Đuống, Sông Hồng…thành phố đang quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới cấp nước cho người dân, lắp đặt mạch vòng và mạch song song để tránh tình trạng vỡ đường ống và đảm bảo cấp nước cho người dân trong mọi tình huống.

MỚI - NÓNG