Ngồi tù cả chục năm lấy đâu ra hóa đơn để đòi bồi thường

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
TPO - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho hay, luật yêu cầu muốn bồi thường phải chứng minh được thiệt hại nhưng "trong mấy chục năm ngồi tù, người ta lấy đâu ra hóa đơn, chứng từ".  

Thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) sáng 20/9, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, khi nạn nhân bị oan yêu cầu bồi thường, các cơ quan chức năng lại đòi chứng từ, hóa đơn. Nhưng thực tế khi lâm vào cảnh tù tội, gia đình khốn đốn thì "lấy đâu ra chứng từ để chứng minh đòi bồi thường". 

Theo Bộ Tư pháp, kể từ khi triển khai Luật bồi thường nhà nước đến đầu năm 2016, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, giải quyết được 204/258 vụ việc, với tổng số tiền nhà nước phải bồi thường là gần 111,15 tỷ đồng.

“Thực tế có rất nhiều vụ việc phải thực hiện bồi thường nhà nước nhưng chỉ xảy ra 258 vụ, một phần là do các quy định về bồi thường hiện nay chưa phù hợp, phần khác là do công tác bồi thường rất phức tạp”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội ông Nguyễn Khắc Định cho biết.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, số vụ việc bồi thường nhà nước còn ít do đây là công việc hết sức phức tạp nên các quy định về bồi thường được mở rộng dần dần từng bước.

“Nếu chúng ta hạn chế bồi thường thì ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân đã được hiến định. Ngược lại nếu mở quá rộng sẽ làm chùn tay cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật vì sau khi nhà nước thực hiện bồi thường (bằng tiền ngân sách nhà nước), những người có trách nhiệm gây ra vụ việc buộc phải bồi thường phải bồi hoàn lại số tiền ngân sách nhà nước đã bồi thường cho người bị oan, sai”, bà Nga nói.

Nhắc lại các vụ án oan sai gây xôn xao dư luận gần đây như vụ ông Lương Ngọc Phị, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm, Nguyễn Thanh Chấn... bà Nga cho rằng cần phải sửa đổi toàn diện Luật bồi thường nhà nước hiện hành. “Nhà nước làm oan, làm sai người dân thì phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại về vật chất, danh dự. Nhưng qua những vụ công khai xin lỗi người bị oan, sai gần đây dư luận cho rằng cơ quan nhà nước chỉ thực hiện lấy lệ, hình thức vì xử oan người ta phải đi tù cả chục năm, bị oan khuất mấy chục năm mà tổ chức xin lỗi dài có... 2 phút”.

Về bồi thường vật chất, theo bà Nga, để được bồi thường vật chất, người bị oan, sai phải có đầy đủ hoá đơn, chứng từ chứng minh đã chi phí bao nhiêu, thiệt hại thế nào trong thời gian họ bị tạm giam, tạm giữ, thực hiện hình phạt tù. “Gia đình, người thân của người bị oan sai phải đi tù, bị tạm giam, tạm giữ khi đi thăm nuôi làm sao có thể giữ được hoá đơn, chứng từ chứng minh chi phí, thiệt hại đã bỏ ra khi đòi bồi thường”, bà Nga thắc mắc.

Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, ông Lê Hữu Thể chia sẻ: “Cảm thấy xấu hổ khi “bớt một, thêm hai” số tiền phải bồi thường với người bị xử án oan”.

Tuy nhiên, ông Thể cũng cho rằng vô cùng khó xác định mức bồi thường thoả đáng vì đi thăm thân nhân bị tạm giam, tạm giữ, thi hành hình phạt tù, có người đi máy bay, đi ô tô, ở khách sạn 4-5 sao, cũng có gười đi xe máy, xe đò, ngủ đường ngủ chợ thì dựa vào đâu để bồi thường.

Vì vậy, theo ông Thể, xác định mức bồi thường cần phải căn cứ vào hoá đơn, chứng từ chứ không thể theo cách liệt kê của người bị oan, sai. “Tương tự như thanh toán tiền công tác phí, công chức, viên chức đi bao nhiêu ngày, đi bằng phương tiện gì, ngủ nghỉ ở đâu phải có hoá đơn, chứng từ  mới có căn cứ để thanh toán chứ không thể thanh toán theo số liệu khai báo, liệt kê chi phí của người đi công tác được”, ông Thể đề nghị.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.