Ngư dân chưa yên tâm đóng tàu sắt vươn khơi

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các ngư dân Hoài Nhơn, Bình Định. Ảnh: H. Văn
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các ngư dân Hoài Nhơn, Bình Định. Ảnh: H. Văn
TP - Ngày 31/3, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có buổi gặp mặt, trao đổi với các ngư dân Hoài Nhơn (Bình Định). Nhiều ngư dân bày tỏ băn khoăn về những vướng mắc, bất hợp lý trong các chế độ, thực tế vay vốn đóng tàu sắt vươn khơi xa.  

Căn cứ Nghị định 67/2014/ NĐ-CP (ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có hỗ trợ vốn vay cho ngư dân đóng tàu sắt vươn khơi), UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt danh sách 37 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá khai thác và tàu dịch vụ hậu cần đợt 1, trong đó đóng mới 24 tàu vỏ thép. Có 14/24 chủ tàu đăng ký đóng mới tàu vỏ thép đã ký hợp đồng với các cơ sở đóng tàu theo công bố của Bộ NN&PTNT.

Tỉnh Bình Định đang phê duyệt đợt 2 cho 41 chủ tàu. Trong kế hoạch thực hiện đóng mới năm 2015 là 200 tàu, năm 2016 là 150 tàu. Bộ NN&PTNT đã phê duyệt và công bố thiết kế 21 mẫu tàu cá vỏ thép khai thác hải sản xa bờ. Tuy nhiên qua thực tế 21 mẫu tàu này chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của ngư dân.

Ngư dân Trần Văn Sơn (41 tuổi)- tổ trưởng Tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), cho biết: Tổ đội có 10 tàu liên kết đánh bắt, bám ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Do đó nguyện vọng mong muốn đóng tàu hậu cần để phục vụ hoạt động đánh bắt trong tổ nhằm nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, nếu đóng tàu sắt theo 21 mẫu của Bộ NN&PTNT thì vốn quá cao. “Trong khi dự toán kinh phí là 12-13 tỷ đồng, song thực tế khi trang bị ngư lưới cụ cho tương xứng thì chi phí đội lên nhiều hơn, khoản đó ngư dân không biết lấy đâu để đắp vào”, ông Sơn băn khoăn.

Ngư dân Nguyễn Công Đồng, tổ trưởng Tổ đoàn kết 5 tàu với 58 thuyền viên, chia sẻ vẫn chưa yên tâm đóng mới tàu sắt vươn khơi. Nếu chỉ căn cứ theo thiết kế 21 mẫu kể trên thì sẽ làm khó cho ngư dân khi đặt vào thực tế, các chỉ số tàu và cách bố trí để làm việc của ngư dân cũng có nhiều thay đổi. Trong khi chờ đợi các thủ tục xét duyệt cho vay, duyệt điều chỉnh đóng mới quá lâu khiến ngư dân mệt mỏi. Đặc biệt, điều ông Đồng cùng nhiều ngư dân lo lắng là khi đóng tàu sắt vốn bỏ ra nhiều nhưng thu nhập có tương xứng?

Ngư dân Trần Kim Trung (xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn) đã đăng ký đóng tàu sắt và nhận 300 triệu đồng, tuy nhiên nhiều ngày nay lòng vẫn như lửa đốt. Anh Trung phân trần: Kinh phí dự toán lúc đầu chỉ 12 tỷ đồng nhưng khi hoàn tất và sắm ngư lưới cụ cho tương xứng thì con số đó tăng lên gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, thiết kế mẫu của Bộ chưa phù hợp với yêu cầu thực tế của ngư dân do đó cần nghiên cứu bổ sung chỉnh sửa. Một số ngư dân đề xuất phương án bọc vỏ mới và sử dụng máy cũ còn sử dụng được để giảm chi phí.

Ông Nguyễn Thiện Nhân biểu dương tinh thần bám biển vươn khơi đánh bắt và góp phần bảo vệ biển đảo Tổ quốc của ngư dân. Ngoài ra, ngư dân cần chú trọng đến thương hiệu để phát triển mạnh, lâu bền. Các tổ đội cần liên kết để đánh bắt hiệu quả hơn. Ông Nhân cho biết trong buổi họp của Chính phủ sẽ đề cập toàn bộ những nội dung đề xuất của ngư dân.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.