Ngư dân đồng loạt ra khơi

Giá dầu giảm, ngư dân phấn khởi được mùa. Ảnh: Việt Hương
Giá dầu giảm, ngư dân phấn khởi được mùa. Ảnh: Việt Hương
TP - Giá xăng, dầu đã 9 lần điều chỉnh từ đầu năm 2015, trong đó có 5 lần giảm… đã giúp không ít tàu cá nằm bờ “ngóc đầu” dậy ra khơi.

Động lực cho ngư dân bám biển

Là chủ của 4 chiếc thuyền chuyên hành nghề câu mực vùng biển vịnh Bắc bộ, ông Nguyễn Khắc Huấn ngụ xã Quỳnh Phương (Hoàng Mai – Nghệ An) cho biết: “Tôi đã tổ chức cho hai chiếc thuyền cùng với 20 lao động ra khơi cách đây 2 ngày. Tàu của tôi chủ yếu hành nghề câu mực, cuối tuần này tôi sẽ cho tiếp 2 chiếc nữa ra khơi. Giá dầu đã giảm và nghe đâu sẽ có giảm nữa nên chúng tôi vui lắm, ít nhiều giảm được gánh nặng chi phí của chuyến đi”.

Ngư dân Huấn cho biết, trung bình mỗi chuyến biển kéo dài 2 tuần, trong 4 tàu cá có hai tàu công suất hơn 800 CV của gia đình sử dụng khoảng 10 nghìn lít dầu diesel. Giá dầu vừa giảm giúp anh tiết kiệm được gần 15 triệu đồng/ chuyến đi biển.

Có thâm niên hơn 20 năm bám biển, ngư dân Nguyễn Khắc Huấn nắm rõ từng vùng ngư trường và luôn thắng lợi trở về sau mỗi chuyến ra khơi. Ông nói, những thời điểm giá dầu cao thì lãi ít, nay giảm được gần 2.000 đồng/lít, mỗi tàu về cảng Lạch Cờn trừ các chi phí và tiền công cho anh em lao động ra vẫn có được dăm bảy chục triệu tiền lời bỏ túi, bù cho những ngày tháng giá dầu đắt đỏ.

Ngư dân Nguyễn Mạnh Dũng ngụ xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu – Nghệ An) cho biết: “Theo tính toán, bình quân mỗi chuyến ra khơi phải chi phí từ 1.200 đến 1.600 lít dầu, 800 cây đá lạnh và nhiều nhu yếu phẩm khác phục vụ cho các thành viên theo tàu. Với mức chi phí này, sau mỗi chuyến tàu cập bến, phải thu về từ sản phẩm hơn 80 triệu đồng mới có lãi. Do vậy mỗi chuyến ra khơi phải nắm được thông tin về luồng cá, kể cả việc giảm công suất đèn chiếu sáng... để tiết kiệm chi phí”.

Theo đó, do giá dầu đang trên đà giảm xuống nên ngư dân Tiến Thủy chọn cách ra biển ngắn ngày thay cho dài ngày như trước đây theo hình thức tổ khai thác, nhóm liên lạc và tạo nên một hình thức khai thác và tiêu thụ kiểu khép kín, đem lại nguồn thu công bằng. Ngoài ra, các tàu đưa sản phẩm đánh bắt được về cảng, còn tiếp ứng thêm xăng dầu, lương thực, thực phẩm cho các tàu nằm xa bờ đánh bắt dài ngày.

Thắng lớn

Chủ yếu hành nghề giã cào, nhưng thuyền của ngư dân Trần Văn Lực ngụ tại xã Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) phấn khởi: “Chúng tôi tàu nhỏ (200CV) nên chủ yếu hành nghề giã cào, ngày nào ăn ngày đó. Mỗi ngày tàu tôi có 5 lao động, mang về khoảng 10 triệu đồng/chuyến rồi chia đều cho anh em. Trước đây giá dầu cao, các chi phí khác cũng cao nên anh em đi về phải bù lỗ, nợ nần chồng chất. Nay mỗi chuyến, trừ  chi phí các loại chúng tôi vẫn dư tiền để trả nợ”.

Vào thời vụ này, ngư dân vùng biển xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) được mùa cá cơm. Mỗi chuyến ra khơi từ 5 đến 7 ngày đã khai thác khoảng 10 tấn cá cơm, trong khi thông thường mỗi chuyến biển chỉ khai thác được từ 5 đến 6 tấn. Với giá bán 10 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi chuyến ra khơi bà con thu lãi từ 10 đến 15 triệu đồng. Anh Vũ Long Hải ở thôn Cộng Hòa, xã Quỳnh Long - chủ tàu cá NA 93102 có công suất 125 CV cho biết: Tàu của anh cập cảng Lạch Quèn vào ngày 20/8 sau chuyến ra khơi đánh bắt kéo dài 7 ngày, khai thác được 10 tấn cá cơm và hơn 1 tấn cá hố xuất khẩu. Trừ chi phí, anh và các thuyền viên trên tàu thu về từ 9 đến 10 triệu đồng/người”.

Ông Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Nghệ An cho biết: “Tính chung từ đầu năm giá dầu sau 5 lần giảm với tổng số tiền  5.000 đồng/lít là tín hiệu đáng mừng. Trong tổng số 4.200 phương tiện đánh bắt hải sản, có gần 1.500 phương tiện xa bờ đã đồng loạt ra khơi, giảm hẳn tình trạng nằm bờ vì giá dầu cao. Ra khơi đều thắng lớn, ngư dân vui ra mặt…”.

Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn các huyện ven biển Nghệ An có gần 4.500 tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển nhưng chủ yếu tàu công suất nhỏ. Huyện có số lượng tàu, thuyền lớn nhất của tỉnh là Quỳnh Lưu, với khoảng 2.200 tàu chủ yếu là ngư dân các xã Tiến Thủy (400 tàu), Quỳnh Long… sản lượng hàng năm ngư dân Quỳnh Lưu mang về từ biển lên tới hàng triệu tấn hải sản các loại, đạt khoảng 70 tỷ.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.