Ngư dân “trở về sau bão Chanchu”: Tôi xin lỗi vì đã bịa chuyện!

Ngư dân “trở về sau bão Chanchu”: Tôi xin lỗi vì đã bịa chuyện!
TP - Ngày 17/8, ngư dân Nguyễn Văn Hương đã chịu thú nhận: Câu chuyện ly kỳ 13 ngày đêm lênh đênh trên biển mà anh Hương kể với các phóng viên các báo là hoàn toàn bịa đặt.
Ngư dân “trở về sau bão Chanchu”: Tôi xin lỗi vì đã bịa chuyện! ảnh 1
Vợ chồng anh Hương: “Xin mọi người tha lỗi...”

Cuối cùng thì những nghi ngờ xung quanh việc ngư dân Nguyễn Văn Hương (SN1972), trú thôn 3, xã Quế Ninh, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) bịa chuyện đã có câu trả lời.

Bịa chuyện vì sợ... chính quyền đòi lại tiền ủng hộ

Con đường ngoằn nghoèo từ UBND huyện Quế Sơn lên tận thôn 3, xã Quế Ninh dài tít tắp, đèo Le như oằn mình trong nắng. Theo tiết lộ của các chiến sĩ đồn biên phòng 248 (Đà Nẵng), chúng tôi gần như đã biết trước sự thật câu chuyện.

Nhưng tâm trạng ai cũng rối bời, mong rằng, những nghi ngờ là hoàn toàn không có cơ sở, rằng anh Hương sẽ nói: Câu chuyện của tôi hoàn toàn không bịa đặt. Thế nhưng...

Trong ngôi nhà nhỏ xác xơ bên bờ ruộng, ngư dân Nguyễn Văn Hương (NVH) như đã biết trước sự viếng thăm của chúng tôi, vẫn bình thản pha trà, mời khách.

Anh nói ngay, không rào đón: “Tui rất hối hận vì đã kể không đúng sự thật với các phóng viên, gây nên sự hiểu nhầm đối với bạn đọc báo chí cả nước. Tui thực sự rất hối hận. Chỉ vì một phút nông nổi, thiếu suy nghĩ mà tôi đã kể ra một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt. Tui thật lòng xin lỗi anh em phóng viên và mọi người...”.

Sau một phút trầm buồn, NVH bắt đầu nhớ lại: “Thật ra tui chưa bao giờ đi trên một chiếc tàu Đà Nẵng nào cả, tui không biết bà Huệ (chị Lê Thị Huệ – chủ tàu ĐNa 90053, mà ngư dân Hương tự nhận là đã đi và gặp nạn trong bão Chanchu - PV) là ai và cũng chưa từng nghe nói về con tàu ĐNa 90053.

Hôm đó, tui kể đại với các anh phóng viên, rằng tui có đi tàu, nhưng chỉ nhớ số đuôi là 03. Sau đó các báo viết là tàu ĐNa 90053 nên tui nhận luôn” (Tiền phong đặt dấu hỏi nghi vấn về chi tiết này và đã khẳng định, ngư dân Hương không hề biết tàu mà anh ta “tham gia lao động và gặp nạn” là tàu ĐNa 90053).

“Vì sao anh lại bịa ra một câu chuyện hoàn toàn không có thật như thế?” – Tôi hỏi. Ngư dân Hương thoáng chút ngập ngừng: “Tui cũng đâu có muốn như thế, nhưng khi trở về, biết số tiền chính quyền ủng hộ đối với gia đình là rất lớn, tui nghĩ mình trở về chắc người ta sẽ thu hồi lại số tiền này, nếu đúng như thế thì gia đình tui làm cả đời, bán nhà cũng không đủ trả.

Vì thế nên bịa ra chuyện lênh đênh trên biển để làm cảm động mọi người. Không ngờ hậu quả bây giờ lại lớn đến như vậy. Chắc giờ chẳng còn ai tin tui nữa”. 

Bà Đinh Thị Ngà - mẹ anh Hương mếu máo: “Nó hiền lắm, chỉ vì một phút nông nổi, thiếu suy nghĩ nên hành động dại dột. Lúc nghe nó kể sự thật, tui choáng váng. Với tư cách là người mẹ, tui thật lòng xin lỗi mọi người. Xin hãy tha thứ cho nó”.

Không khí căn nhà chợt trở nên nặng nề, chị Nguyễn Thị Nương, (vợ anh Hương) rơm rớm nước mắt: “Hôm kể chuyện với mấy anh nhà báo xong, đêm về thấy anh ấy buồn buồn, gặng hỏi nhưng anh không nói.

Tui bèn bảo rằng nếu anh bịa chuyện thì nên nói thật đi. Mình nghèo nhưng nói dối như thế tội lớn lắm. Anh im lặng không nói gì. Ai ngờ...

Cũng tại cái nghèo, cái khổ nên chồng tui mới sinh ra nói dối. Bây giờ, tui chẳng biết gì hơn là xin mọi người thứ lỗi cho anh ấy”. 2 đứa con nhỏ của vợ chồng anh Hương ngước đôi mắt trong veo nhìn chúng tôi, nửa ngây thơ, nửa như khẩn cầu...

Vẫn còn những điều không rõ ràng?

Trước khi lên đường đi Quế Sơn, anh Phạm Văn Xinh (thuyền trưởng thoát nạn trong bão Chanchu), có nói với tôi: “Lênh đênh trên biển 13 ngày mà không lở loét, da dẻ hồng hào như anh ta (Nguyễn Văn Hương) là điều vô lý”.

Giờ đây, khi ngồi nói chuyện với ngư dân NVH, mới thấy dự cảm của anh Xinh quả là có lý. Vậy sự thật thì thời gian “mất tích trong bão Chanchu”, ngư dân NVH đã đi đâu? Vì sao không liên lạc gì với gia đình? Và có đúng anh ta đi biển trong thời gian này?

Nguyễn Văn Hương kể: “Tui rời nhà vào ngày 14/4 Âm lịch (tức 11/5 Dương lịch), sau đó bắt xe thẳng vào Quy Nhơn (Bình Định),  xin đi trên tàu cá của ông Hai. Tui lên tàu vào ngày 16/4 (tức ngày 13/5 Âm lịch). 

Khi tàu ra khơi câu sỏi (đánh bắt cá mú, cá hồng) thì bị ảnh hưởng bão. Tàu đi về hướng đảo Phú Quý để bán cá. Tui hoàn toàn không biết gì về cơn bão Chanchu cũng như không biết rằng ở nhà, vợ và mẹ đã lập bàn thờ, tế sống tui” (?).

Khi chúng tôi hỏi về số tàu của ông Hai cũng như tên các thuyền viên trên tàu, ngư dân NVH trả lời: “Hoàn toàn không biết gì” (?). Vẫn cách lý giải như cũ, NVH nói: “Khi ra khơi mà không trúng đậm, chủ tàu thường sơn số tàu nên không biết. Với lại, đây là lần đầu tiên tui đi tàu ông Hai nên bỡ ngỡ lắm”(?).

Trao đổi với Tiền phong, ông Lê Phước Ba – trưởng C.A xã Quế Ninh, cho biết: “Sáng nay (tức ngày 17/8 – PV), Nguyễn Văn Hương đã thú nhận với tôi về sự việc nó bịa chuyện lênh đênh 13 ngày đêm trên biển. Tôi bắt viết bản tường trình, nhưng đến bản tường trình thứ 2, anh ta cũng viết không đầy đủ”.

Ông Ba kể: “Thời gian trước, anh ta đi biển trong Bình Định. Sau đó trở về nhà, nói rằng có lẽ đi Đà Nẵng, nhưng đến ngày 11/5, lại bắt xe đi Bình Định. Anh ta nói ngày 13/5 thì lên tàu ra khơi ở cảng Quy Nhơn, nhưng thời gian này đã có tin bão xa. Nếu tàu xuất bến ngày 13/5 thì quá vô lý”.

Anh Nguyễn Trường Sơn – hàng xóm của Nguyễn Văn Hương, nói: “Thật ra, chúng tôi không hề bất ngờ khi thấy anh ta trở về”. Ông Lê Phước Ba khẳng định: “Chắc chắn anh ta chưa kể hết sự thật. Sự mâu thuẫn trong lời khai của anh ta giúp tôi nhận biết, anh ta có thể còn giấu giếm nhiều chuyện. Tôi sẽ điều tra kỹ thêm về vấn đề này”.

MỚI - NÓNG