Người chống lại thần chết

GS.TS Nguyễn Gia Bình và đồng nghiệp khám cho bệnh nhân nặng. Ảnh: T.Hà.
GS.TS Nguyễn Gia Bình và đồng nghiệp khám cho bệnh nhân nặng. Ảnh: T.Hà.
TP - Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) được ví như nơi đầu sóng ngọn gió, bởi chuyên tiếp nhận những bệnh nhân nặng nhất chuyển từ các khoa khác đến. GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa, là người đã chèo lái con thuyền với sứ mệnh cứu người vượt qua bao bão tố. Nhắc đến ông, nhiều thế hệ bác sĩ đều nhớ về một người thầy lớn, một đồng nghiệp đức độ, giàu sức sáng tạo và bền bỉ với nghề.

Học hỏi không ngừng nghỉ

Từng nhiều năm trong ngành hồi sức cấp cứu, đối diện với rất nhiều ca bệnh mà cái chết cận kề và không ít trường hợp tử vong trong sự bất lực của bác sĩ, GS.TS Nguyễn Gia Bình luôn đau đáu phải làm sao hạn chế thấp nhất những tổn thất cho người bệnh.

Chính những trăn trở đó đã thôi thúc GS Bình và các đồng nghiệp vừa điều trị, vừa mày mò nghiên cứu, học hỏi, tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, đồng thời sáng tạo để ứng dụng điều trị trong điều kiện Việt Nam. Để có thể đứng mũi chịu sào điều hành 70 nhân viên cũng như điều trị cho hàng chục bệnh nhân nặng mỗi ngày, GS Bình đã trải qua những năm tháng chỉ có học và học.

Còn nhớ năm 2003, khi dịch bệnh SARS xuất hiện, rồi năm 2005 dịch cúm A/H5N1 hoành hành tại Việt Nam với số bệnh nhân tử vong không ít, đó cũng là những thời điểm GS Bình và đồng nghiệp cảm thấy đau lòng khi bất lực nhìn bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng mà không tài nào cứu vãn được. 

Nhớ lại những thời điểm đen tối ấy, ông bảo lúc đó trong đầu chỉ có một suy nghĩ không thể đứng nhìn bệnh nhân lần lượt chết. Ông lao vào miệt mài nghiên cứu. Đọc nhiều tài liệu quốc tế, ông kỳ vọng Việt Nam cũng có thể thực hiện được kỹ thuật lọc máu liên tục dành cho bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn suy đa phủ tạng, suy gan cấp, viêm tụy cấp như các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới.

GS.TS Nguyễn Gia Bình còn là tác giả, đồng tác giả của trên 100 công trình nghiên cứu khoa học, bài báo đăng trên các tạp chí y khoa trong nước và 12 bài đăng trong các tạp chí quốc tế.

GS Bình cùng các đồng nghiệp dành nhiều công sức nghiên cứu để triển khai kỹ thuật lọc máy liên tục, thay huyết tương, lọc máu hấp phụ, gan nhân tạo và  tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO). Học phải đi đôi với thực hành nhưng khi đó Việt Nam chưa có máy móc hiện đại.

Trong một chuyến dự hội thảo ngắn ngày ở Nhật Bản, ông xin phép ở lại ít ngày đến học thực tế trên máy và người bệnh tại một bệnh viện ở Tokyo. Những ngày đó bác sĩ Bình vừa xem thao tác xong thì xin được đứng bên máy phụ giúp và cùng làm với nhân viên y tế Nhật Bản.

 Thực hành ở nước bạn tốt, nhưng về Việt Nam lại chưa có máy, trong một chương trình cộng tác với Nhật Bản nghiên cứu về cúm H5N1, ông đề nghị cấp thêm máy ECMO. Từ đó Bệnh viện (BV) Bạch Mai có thêm nhiều máy móc hiện đại cứu sống bệnh nhân nhờ sự nhiệt tình, ham học hỏi của ông. Cho đến nay rất nhiều quy trình kỹ thuật tiên tiến được thực hiện ở Việt Nam với giá thành chỉ bằng 1/5 - 1/10 so với nước ngoài.

Cuộc cách mạng trong hồi sức tích cực

Ông cũng là người chủ trì công trình y học “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm” vừa đạt giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2016.

Khi được hỏi về thành công đạt được sau rất nhiều tìm tòi và cả những thất bại, GS.TS Nguyễn Gia Bình luôn nhắc đến các cộng sự đã cùng ông tạo nên giải pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị cho những bệnh nhân nặng. Cụm công trình gồm 5 nhóm công trình nghiên cứu ứng dụng cụ thể về các biện pháp lọc máu hiện đại được nghiên cứu ứng dụng, triển khai tại 7 BV lớn. 

Qua đó đã góp phần chữa trị cho khoảng 9.000 bệnh nhân bị suy đa phủ tạng, sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp nặng thông qua các biện pháp lọc máu giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, giảm chi phí điều trị. 

Kết quả của đề tài nghiên cứu này còn ứng dụng cho các bệnh lý nặng trong cấp cứu điều trị nhiều bệnh dịch nguy hiểm, như sốt xuất huyết nặng có biến chứng suy đa tạng, sởi có biến chứng suy hô hấp nặng, dịch chân tay miệng, bệnh nhân dịch Ebola. Nó hỗ trợ thúc đẩy phát triển lĩnh vực ghép tạng, phẫu thuật tim mạch và gan mật. Đặc biệt, với kỹ thuật được coi là “cuộc cách mạng trong hồi sức tích cực” này đã có nhiều bệnh nhân không phải ra nước ngoài điều trị.

Các kỹ thuật này giúp cứu sống thêm 20-50% số bệnh nhân nặng so với khi chưa áp dụng lọc máu hiện đại. Đáng nói nữa, kỹ thuật mới còn giúp giảm chi phí nhờ rút ngắn thời gian thở máy, nằm viện so với khi áp dụng lọc máu, hạn chế biến chứng do thở máy và nằm lâu.

Ở người đàn ông với phong thái trầm ngâm này luôn tràn đầy khát khao được học hỏi cái mới, luôn cố gắng bằng tất cả khả năng và sức lực để cứu bệnh nhân. 

Đó cũng chính là lý do để luận giải vì sao trong những chuyến học tập ở Mỹ, Nhật Bản, Pháp, ông luôn lặng lẽ, kiên trì và làm tất cả công việc của điều dưỡng, bác sĩ nội trú. Những nỗ lực lặng thầm đó của ông đã được đền đáp bằng chính những sinh mạng mà ông giữ lại được với cuộc đời này...

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.