Người chống tiêu cực trên đảo Phú Quốc vẫn…thất nghiệp

Người chống tiêu cực trên đảo Phú Quốc vẫn…thất nghiệp
TP - Vụ “Tham nhũng đất đai” trên đảo Phú Quốc được phanh phui và đưa ra xét xử trong năm 2005 có tới hơn 10 cán bộ phải chịu hình phạt tù, trong đó có nguyên Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện.

Người có công lớn trong việc phanh phui vụ tham nhũng này là anh Nguyễn Văn Thương.

Lấy tiền vợ “đãi” cán bộ chống tiêu cực

... Nếu không có vụ tiêu cực đất đai Phú Quốc có lẽ tôi không bao giờ gặp Nguyễn Văn Thương, một người dân ở khu phố 7 (thị trấn Dương Đông, Phú Quốc).

Đó là những ngày đầu tháng 8/2004, khi báo chí và các cơ quan chức năng phanh phui những tiêu cực về đất đai trên đảo Phú Quốc. Những thông tin của anh Thương cung cấp là trung thực, chính xác, có chứng cứ... Ngay cả đoàn kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang cũng phải dựa vào anh để có thông tin, chứng cứ.

Anh Thương được đoàn kiểm tra cho mượn máy ghi âm, CA cho mượn công cụ hỗ trợ để tác nghiệp. Ngôi nhà lợp tôn thấp tè, nằm sát mé biển TT Dương Đông trở thành “điểm hẹn” của đoàn cán bộ tỉnh ra đảo chống tiêu cực.

Những ngày đó, anh Thương thường lấy tiền vợ bán heo ra “chiêu đãi” cán bộ. Anh  bỏ cả công việc nhà lấy xe máy chạy vào những khu rừng bị tàn phá khốc liệt nhất trên đảo Phú Quốc, chỉ ra từng lô đất của cán bộ do phá rừng mà có; Những lô đất hợp thức hoá và mua bán bất hợp pháp cả tỷ đồng…

Cho đến khi vụ việc được phanh phui, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo là ông Đỗ Tố và Lê Minh Dũng cùng những kẻ vi phạm pháp luật bị bắt tạm giam, thì anh Thương vẫn tiếp tục cung cấp cho cơ quan chức năng và báo chí những vụ việc tiêu cực, sai phạm khác trên đảo.

Có lẽ do nhiệt tình chống tiêu cực mà không ít lần anh Thương đã bị bọn xấu chửi bới, dọa xin “tí tiết”. Có lần anh bị chúng hành hung.

Lời hứa chưa được thực hiện

Người chống tiêu cực trên đảo Phú Quốc vẫn…thất nghiệp ảnh 1
Một khu rừng phòng hộ tại xã Cửa Dương bị thảm sát đã được Thương “khùng” vạch trần

Anh Thương tâm sự:

“Sau vụ tiêu cực đất đai trên đảo Phú Quốc, ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang tặng tôi giấy khen, kèm theo 100 ngàn đồng, bên Cơ quan Điều tra cũng tặng 500 ngàn đồng. Thú thật tôi cũng tự hào nhưng còn tức lắm, tức vì còn quá nhiều sai phạm chưa được lôi ra ánh sáng một cách triệt để.

Tức vì biết bao quyết định sai trái của hai ông Đỗ Tố và Lê Minh Dũng vẫn còn đấy, biết bao người dân trong đó nhiều hộ là gia đình chính sách bị thu hồi đất trái pháp luật cấp cho cán bộ và những người có nhiều tiền…

Bây giờ dân điêu đứng, khiếu nại không ai giải quyết. Tôi đi xin việc, có cán bộ trên đảo Phú Quốc nói tôi “khùng”, nếu tôi khùng thì đưa tôi đi giám định đi”. Hay vì tôi giúp đoàn kiểm tra phanh phui tiêu cực nên nói tôi khùng?”. 

Vợ không có việc làm, bản thân anh Thương thất nghiệp, 2 đứa con còn thơ dại đang tuổi học hành. UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang từng hứa xong vụ việc tiêu cực ở Phú Quốc sẽ xin cho anh việc làm phù hợp ở UBND thị trấn Dương Đông hoặc UBND huyện Phú Quốc. Nhưng anh Thương đã chờ cả năm qua vẫn chưa thấy nơi nào tiếp nhận.

Cơn sốt đất du lịch đã làm cho tệ “tham nhũng đất đai” cùng với nạn phá rừng trên đảo Phú Quốc diễn ra trắng trợn kể từ đầu năm 2001. Người dân bắt đầu khiếu kiện, tố cáo và nhiều đơn kiện được gửi đến Thương “khùng” xem, viết lại, vì người dân biết anh Thương tính trung thực, từng làm cán bộ, hiểu biết chút ít pháp luật…

Thế nhưng bao nhiêu lá đơn gửi đi chẳng có hồi âm. Nhiều lần đại biểu HĐND về tiếp xúc cử tri, anh Thương mạnh mồm phát biểu, vạch ra những sai phạm nhưng cũng chẳng ai trả lời. Năm 2003,  Thương “khùng” bắt đầu bỏ việc nhà đi tìm chứng cứ chứng minh những việc làm sai trái của một số cán bộ trên đảo.

Đến đầu năm 2004, anh Thương mạnh dạn ôm hồ sơ, chứng cứ đi vào UBKT Tỉnh ủy. Và từ đầu năm 2004, anh phục vụ cho đoàn kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang cho đến ngày Đỗ Tố - Nguyên Chủ tịch huyện cùng đồng bọn bị bắt (12/8/2004). 

Hồng Lĩnh

MỚI - NÓNG