Người du kích cuối cùng của đoàn quân Tây Tiến

Người du kích cuối cùng của đoàn quân Tây Tiến
TP - Hơn 60 năm kể từ ngày Trung đoàn Tây Tiến đóng quân ở Mường Lát, những du kích năm xưa ở đây giờ chỉ còn ông Lương Văn Pém (dân tộc Thái), năm nay đã bước sang tuổi 81, hiện trú tại xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát (cách TP Thanh Hóa gần 300km).
Ông Lương Văn Pém
Ông Lương Văn Pém .


Một lòng theo cách mạng

Bên ấm chè nhâm nhi cùng chúng tôi, những ký ức đưa ông Pém trở lại một thời không thể nào quên. “Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi theo học ở lớp bình dân học vụ. Năm 1947, khi Trung đoàn Tây Tiến đến, cái bụng mình rất thương bộ đội, nên xin đi làm du kích. Khi ấy, bộ đội Tây Tiến về đóng quân chỗ bản Poọng, Sài Khao (xã Tam Chung) bây giờ ấy. Ngày đó đồng bào còn vất vả lắm. Đói ăn, đói muối, sốt rét rừng, thú dữ hành hạ.

Hồi ấy, bọn lính Pháp, bọn làm tay sai cho thực dân Pháp lùng bắt cán bộ, bộ đội mình. Thương cán bộ, nên việc gì giúp được là tôi làm ngay, không sợ gì hết. Tôi chỉ đường cho bộ đội hành quân, mang muối, gạo, thuốc men, thư, súng đạn cho cán bộ. Rồi chăm sóc người bệnh, tìm cây thuốc cho bộ đội uống, nên các anh tin lắm. Sau đó, bộ đội dạy cho học chính trị, huấn luyện bắn súng, ném lựu đạn, gài mìn, làm bẫy đánh Pháp. Nhờ có bộ đội giúp đỡ, tôi cùng 22 anh em khác được làm du kích, làm cách mạng và trưởng thành từ đó”- Ông Pém kể.

Trung đoàn Tây Tiến ngày đó đóng quân trên đất Mường Lát hoạt động rộng khắp huyện và sang cả đất Lào. Năm 1949, một số đơn vị khác từ dưới xuôi lên tăng cường. Lính Pháp đóng đồn ở bản Lát kết hợp với các đồn bên tỉnh Sơn La đánh nhau một trận ác liệt với bộ đội, du kích của ta ở cánh đồng bản Poọng. Lính Pháp bị tiêu diệt, chôn bên bờ suối Lát, nay vẫn còn dấu tích, đồng bào gọi gò đất đó là “mộ Pháp”. Trước sức mạnh của bộ đội ta, quân Pháp và tay sai ở đồn Lát tự tan rã, rút đi hết. Giặc ở địa bàn đã hết, bộ đội Tây Tiến quay lên đánh đồn giặc bên Lào.

Là người địa phương nên dọc tuyến đường từ Tam Chung, qua Tén Tằn, Quang Chiểu rồi sang Lào, ông Pém thuộc như lòng bàn tay, biết rõ nơi nào nguy hiểm, lối nào an toàn. Ông kể lại: “Bản Lát có 38 hộ thì 10 người vào du kích, bản Poọng 27 hộ thì có 7 người theo bộ đội. Anh em chỉ biết nhau thôi, còn mỗi người ở một nơi làm cách mạng. Lần một đồng chí bộ đội tên Liễn bị giặc bắt, chúng hò hét, giải đi qua con đường này, tôi nhận ra anh ngay. Hai anh em đưa mắt nhìn nhau, rồi tôi tựa lưng vào vách núi tránh đường. Lần ấy tôi đang giấu hai quả lựu đạn trong lưng để chuyển cho bộ đội, nên cần giữ bí mật”.

Tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ của Trung đoàn Tây Tiến hy sinh trên đất Mường Lát trong kháng chiến chống thực dân Pháp, vừa được xây dựng tại khuôn viên nhà văn hóa huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: Hoàng Lam
Tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ của Trung đoàn
Tây Tiến hy sinh trên đất Mường Lát trong kháng
chiến chống thực dân Pháp, vừa được xây dựng tại
khuôn viên nhà văn hóa huyện Mường Lát
(Thanh Hóa). Ảnh: Hoàng Lam.


Niềm vui nhất trong đời

Được bộ đội Tây Tiến rèn luyện, du kích Lương Văn Pém và nhiều du kích ở Mường Lát đã trưởng thành, một lòng đi theo cách mạng. Trong ba năm làm du kích cho Trung đoàn Tây Tiến, ông Pém đã dẫn đường, mang vác lương thực, đạn dược... hàng trăm lượt đảm bảo tuyệt đối bí mật cho bộ đội chủ lực của ta. Sau khi trung đoàn này chuyển sang hoạt động ở địa bàn khác, ông Pém tiếp tục công tác ở xã với chức xã đội trưởng, rồi lên làm cán bộ huyện cho đến khi nghỉ hưu.

Kỷ niệm vui nhất trong đời là lần tôi được gặp Bác Hồ tại Hội nghị bảo vệ an ninh toàn miền Bắc, tổ chức tại Hà Nội vào năm 1962. Lần ấy, Bác Hồ đến dự và nói chuyện với hội nghị. Trong lúc nói chuyện, Bác Hồ khen xã Quang Chiểu chúng tôi là một nơi xa trung tâm tỉnh, huyện mà có phong trào cách mạng rất tốt, rồi Bác hỏi: “Ở đây có đại biểu của xã Quang Chiểu không?”. Tôi run người lên vì hồi hộp, vội đứng dậy trả lời: “Thưa Bác, có cháu ạ!”. Cả hội nghị vỗ tay hoan nghênh.

Bác động viên tôi tiếp tục làm tốt nhiệm vụ được giao, một cách rất trìu mến, thân tình. Nếu không được dìu dắt từ những ngày đầu kháng chiến của Trung đoàn Tây Tiến, chắc chẳng bao giờ tôi có được vinh dự ấy”- Ông Pém tâm sự.

Bên bếp lửa bập bùng hằng đêm, các già làng ở Mường Lát vẫn kể cho con cháu nghe về các du kích của Trung đoàn Tây Tiến.

MỚI - NÓNG