Người đứng về phe nước mắt

Người đứng về phe nước mắt
TP - Đương tất tả vài việc biên chép ở xứ người, sáng sớm ngày 18 đùng cái tin nhắn của bạn,  nhà văn Bùi Ngọc Tấn mất lúc 6 giờ sáng…

Bao bận gặp rồi, cũng chả nhớ? Có một tối ở Đồ Sơn, ngày ấy Vũ Tiến đang là phóng viên thường trú ở Hải Phòng (nay là Phó Tổng Tiền Phong) phóng xe ào ào chở Bùi Ngọc Tấn và tôi đến một quán gỏi cá. Không hiểu vang hay rượu quốc lủi trộn lẫn mà bừng mắt ra trời đã bạch cánh cò. Và nhà văn Bùi Ngọc Tấn chả thấy đâu? Vất vưởng cố hồi tưởng trận nhậu đêm qua, thấy phục cái ông Tấn này quá? Tưởng cung cách nhấm nháp nhẩn nha từ tốn, vội suy ngay ông này tửu lượng cũng zừa zừa. Vậy mà mình đổ trước. Mà mới non một phần đêm chứ mấy? Chuyện về những năm làm báo Tiền Phong Bùi Ngọc Tấn kể mới chỉ là khơi mào? Mà một loạt chân dung đa đề Tiền Phong có những người như thế những hai anh em ruột hình với ảnh Tôn Đức Lượng (họa sĩ) - Mai Nam (nhiếp ảnh), Tất Vinh (tức Hồng Dương), Mạc Lân (con trai nhà văn – người hùng Lê Văn Trương), Bùi Ngọc Tấn, Lê Minh Khuê… dịp tờ báo tròn 50 năm (2003) đã biên chép được nhiều nhặn gì đâu?

Lộn lên Phòng rẽ đường Điện Biên đến số 10 đã trưa trật. Bùi Ngọc Tấn đương hí húi bên cái vi tính để bàn. Ngó qua màn hình, đương chằn chặn những co chữ 14 của cuốn gì đó mà số trang đã gần 300? Bùi Ngọc Tấn đang hồi lẫn cơn viết giả bữa sau 27 năm đứt viết!

Mà lần gặp nhà văn Bùi Ngọc Tấn lần cuối mới đầu tháng 12 đây thôi, khi đoàn viết lách dự trại viết của Hội Nhà văn phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức có chuyến đi thực tế Hải Phòng. Trong nội dung tìm hiểu  có cả hoạt động của Ty đảm bảo hàng hải Hải Phòng.

Trước tôi là  những tấm hình đen trắng, dường như trích đoạn một quá vãng của Ty đảm bảo hàng hải.  Nổi bật tấm chân dung anh hùng lao động Phùng Văn Bằng đang miệt mài công việc. Người công nhân Phùng Văn Bằng coi đèn cửa Nam Triệu  thuộc Ty được phong tặng danh hiệu anh hùng năm 1963, cũng là cá nhân duy nhất của ngành bảo đảm hàng hải mang danh hiệu anh hùng lao động suốt từ bấy đến nay.  Bài tập đọc Người gác đèn Cửa Nam Triệu không biết in ở sách giáo khoa lớp mấy nhưng thế hệ U60 đảm bảo nhiều người giờ hẳn nhớ, còn thuộc?

…Suốt buổi thăm, tấm ảnh người anh hùng Phùng Văn Bằng cùng bài tập đọc trong sách giáo khoa dường như cứ  am ám mãi? Mà bài tập đọc ấy, trích của nhà văn Bùi Ngọc Tấn? Phùng Văn Bằng, Bùi Ngọc Tấn là người của đất cảng, của ngay Hải Phòng đây? Mà nhà văn Bùi Ngọc Tấn nghe tin đang lâm trọng bệnh?

Chiều ấy, gặp nhà văn Đào Thắng,  phụ trách Trại, tôi xin phép vắng mặt chương trình thăm và làm việc với Đại học Hàng hải…

Việc đầu tiên, tôi nhờ người của tổng công ty đưa đến gia đình anh hùng Phùng Văn Bằng.

Người đứng về phe nước mắt ảnh 1

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn và vợ.

Ghé số 10 Điện Biên Phủ quen thuộc nhưng nhà văn Bùi Ngọc Tấn không có nhà. Từ thời điểm phát hiện ra khối u ở phổi, nhà văn dời xuống nhà con trai. Theo hướng dẫn của người bạn từ Hà Nội, tôi tìm đến cái phố có cái tên đến kinh, phố Thiên Lôi. Cứ mường tượng mong chờ một hình ảnh quen thân mở cửa ra là Bùi Ngọc Tấn lù lù với cái cười lành cố hữu.

Nhà văn vẫn lù lù. Nhưng là ở trên giường. Vẫn cái cười lành, nhưng héo hắt. Ông nghển phía tôi với chất giọng lào khào nhưng nghe vẫn rõ, có phải hỏi thăm nhiều không. Là khu vực này trước đây không hiểu sao sét táng xuống ghê quá nên có tên lạ ấy. Mà cũng lạ, khi đặt tên thành phố vẫn chuẩn thuận tên ấy? Nghe chuyện ông, bà vợ cười theo nhưng cũng cái cười héo hắt ấy. Bà thở dài, mấy đêm rồi ông đau không ngủ được. Đã phải dùng mocphin. Lạ, bạo bệnh thế nhưng nước da có sáng ra? Ông cười theo nhận xét của tôi, là nhiều người đến thăm cứ quở thế?

Ngồi với ông với những mẩu rời rạc không đầu không cuối. Cố mường tượng một quá vãng Bùi Ngọc Tấn trong những lần gặp trước khi ông chưa vướng bạo bệnh. Lòng người trai ba mươi/Vui như trẻ lên mười/ Yêu như tuổi mười bảy/ Buồn như sắp năm mươi (thơ Quang Dũng) Chuyển từ báo Tiền Phong về ở hẳn Hải Phòng, có nhiều người viết như Bùi Ngọc Tấn khi ấy.  Nhà văn Châu Diên không về làm báo Hải Phòng Kiến thiết như Bùi Ngọc Tấn mà về ở hẳn tại nhà máy xi măng trực tiếp đứng lò với công nhân hy vọng thai nghén một tác phẩm để đời. Bớt hăng hơn, Bùi Ngọc Tấn chi dùng kha khá thời gian ở mảng người tốt việc tốt. Hải Phòng có nhiều gương điển hình tiên tiến có các anh hùng lao động. Bùi Ngọc Tấn phát hiện ra Phùng Văn Bằng rồi rất thân với Ty Hải Đăng mà thời Tây gọi là Lục Lộ Thủy. Bùi Ngọc Tấn sống với Phùng Văn Bằng nhiều ngày, đã đi các đảo Long Châu, Hòn Dáu, Cô Tô. Phóng sự dài kỳ về Phùng Văn Bằng trên Hải Phòng kiến thiết được báo Nhân Dân đăng lại. Và, Hồ Chủ tịch đã đọc những bài ấy của Bùi Ngọc Tấn rất kỹ, đánh dấu bằng cả bút chì đỏ. Không biết có phải cú hích ấy mà Phùng Văn Bằng đâm nổi trội và sau này trở thành anh hùng? Nhưng những ghi chép của Bùi Ngọc Tấn khi ấy rất ấn tượng với bạn đọc. Một lần ông bộc bạch tự giễu thế này:

Khi ấy tôi viết như bổ củi. Ngoài viết báo, tôi viết thêm văn như người lộn xích xe đạp. Tôi viết như  người làm chủ một gia đình 6 người một gia đình nhỏ mấy cũng cần phải ăn. Tôi tập trung sức vào viết cuốn Hải Đăng. Tôi tâm đắc với câu của Nguyễn Kiên, văn nghệ nó như cái đình, các ông Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài đã ngồi chiếu giữa đã ăn cỗ nhất cả rồi. Anh em mình đến sau, chả ai trải chiếu cho mình cả đâu. Phải tự kiếm lấy hòn gạch ngồi ghé vào đâu đó rồi cắm đầu vào mà viết.

Nhưng cuộc đời thật nó khác? Hải Đăng hình như tắt ngóm? Rồi Bùi Ngọc Tấn bặt tăm với tai nạn nghề nghiệp… Sau 27 năm dừng bút, ông mới viết trở lại. Và Bùi Ngọc Tấn đã biết cách tìm lại thời gian đã mất trong thời kỳ viết lại đầy sung sức này. Rừng xưa xanh lá, Chuyện kể năm 2000, Biển cả và chim bói cá, Viết về bè bạn, Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn… bầu nên một cái tên Bùi Ngọc Tấn.

Trở lại với bài viết về anh công nhân gác đèn biển Phùng Văn Bằng. Thời điểm Phùng Văn Bằng sắp được tuyên dương anh hùng lao động, Hải Phòng có ngay sáng kiến nâng cấp những bài báo về Phùng Văn Bằng lên thành cuốn sách. Bùi Ngọc Tấn lại phải lao vào việc. Mà đâu như chỉ hơn một tuần, bản thảo cuốn Người gác đèn cửa Nam Triệu được hoàn thành. Ty Văn hóa cử nhà thơ Lê Đại Thanh đọc duyệt. Lại cẩn thận cử nhà thơ đi cùng với Bùi Ngọc Tấn mang bản thảo Người gác đèn cửa Nam Triệu xuống để đọc cho lãnh đạo công ty cùng nhiều cá nhân tiên tiến xuất sắc nghe. Bùi Ngọc Tấn có kể lại rằng, ông đọc mà toát hết cả mồ hôi cứ lo ngay ngáy. Chỉ sợ có điều gì trục trặc về những điều tôi nói quá lên cũng chỉ vì yêu anh quý anh mà thôi… Nhưng may, tất cả đều xuôn xẻ.

Sở Văn hóa Hải Phòng cho in cấp tốc 4.000 bản để kịp phát hành đúng buổi thành phố mít tinh đón danh hiệu anh hùng lao động Phùng Văn Bằng.

Số phận Người gác đèn cửa Nam Triệu lại tiếp tục hanh thông. Nhà xuất bản Thanh Niên đổi tên thành Người gác đèn biển tập hợp in chung với mấy truyện ký khác viết về anh hùng lao động và thanh niên với cái tên Sống giữa những người anh hùng. Những gương trong sách được Trung ương Đoàn phát động học tập trong cả nước. Sách được in ba lần liên tiếp với số lượng 15 vạn bản!

… Chiều Phòng, chiều thành phố Cảng vẻ sậm sựt dở bấc, dở nồm. Cứ như không chịu lùi hẳn về một tiết đông? Ngạc nhiên khi tôi nói vừa ghé nhà người gác đèn cửa Nam Triệu, nhà văn Bùi Ngọc Tấn nhớ ngay ra một chi tiết nhà ấy có 4 con trai cơ đấy. Hồi nhận danh hiệu anh hùng, thành phố cấp cho căn nhà khá oách ở phố Hoàng Diệu nhưng Bằng từ chối bảo nhường cho anh em nào chưa có nhà…

Đang cháy lên những giọt dầu cuối? Nếu có phép mầu nào đó tái sinh một đời sống với nhiều chặng viết lách cùng hào quang của những thành đạt này khác nhưng có lẽ với nhà văn Bùi Ngọc Tấn, ánh đèn hải đăng cửa Nam Triệu thuở hoa niên bút mực ấy vẫn mãi mãi ấm áp lung linh?

Tỷ mẩn lẫn ngẫu hứng soi cách viết của Bùi Ngọc Tấn thấy bừng ra điều, ông này dựng chân dung hơi bị lạ. Ấy là cách nói để gọi lối viết na ná cái anh ký họa (không phải truyền thần) có tài, nhoáng cái đã lột được cái thần của người của vật. Vài phút thể hiện nhưng là sự dồn nén suy ngẫm của những ngày những tháng với năm. Quen nhiều năm cái nhà (thơ, phê bình, dịch giả) trong một ông Dương Tường, nhưng có lẽ chỉ đọc Bùi Ngọc Tấn mới thấy tận mới cảm hết một Dương Tường lạ độc đáo. Không biết cái câu tôi đứng về phe nước mắt không biết Bùi Ngọc Tấn tự vịnh tự viết về mình hay cho bạn bè vậy?

Không những viết về các thân phận lầm lũi, khuất lấp hoặc hanh thông hay có danh thì mới là đứng về phe nước mắt. Mà cách nhìn, cách cảm và nghĩ về bạn bè  về những nhân vật vô danh lẫn hữu danh của Bùi Ngọc Tấn, chỉ rất trúng, tri hô rất đúng lúc khi tố giác những hoang hoải trống vắng bất khả kháng của những mong manh phận người, dường như người đọc chạm mặt với một Bùi Ngọc Tấn, người từng gặp cũng như chưa gặp và mãi mãi sẽ không được gặp nữa với những ấn tượng khó quên?

BangKok đêm 18/12

MỚI - NÓNG