Người được ông Sáu Dân cho chia đôi phần trách nhiệm

KTS Lê Hiệp đang trình bày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt về ý nghĩa của tượng đài Bắc Sơn ở quảng trường Ba Đình Hà Nội
KTS Lê Hiệp đang trình bày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt về ý nghĩa của tượng đài Bắc Sơn ở quảng trường Ba Đình Hà Nội
TP - Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quyết định khác thường là không chọn phương án thiết kế đoạt giải nhất mà lại lấy giải nhì để xây dựng Tượng đài Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, khu vực Quảng trường Ba Đình và cho tác giả của nó được “khen cùng hưởng, chê cùng chịu”.

Tôi bị họa sĩ Lê Đình Quỳ nói như quát qua điện thoại vì cái tội trong số nhân tài xứ Thanh bây giờ tôi không biết kiến trúc sư Lê Hiệp.

Mà họa sỹ Quỳ quát là phải.

Kiến trúc sư Lê Hiệp là tác giả Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc đặt tại Quảng trường Ba Đình (Đài tưởng niệm Bắc Sơn). Đây là công trình mang lại cho ông vinh quang: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; Giải thưởng Quốc gia về Kiến trúc. Ông còn là tác giả của 14 công trình đài tưởng niệm đã xây dựng hoàn thành, trong đó có 5 công trình giành các giải thưởng kiến trúc danh giá.

Công trình này được đặt tại Đường Bắc Sơn, đối diện Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh Hoàng thành Thăng Long và Hội trường Ba Đình. Công trình tưởng niệm số 1 của một đất nước vừa qua mấy cuộc binh đao với toàn các cường quốc.

Đầu năm 1992, cuộc thi thiết kế Đài liệt sĩ Bắc Sơn - đài tưởng niệm mang ý nghĩa chính trị tầm quốc gia đặt tại  khu vực Ba Đình được tiến hành.  Ông biết sự kiện này vào cuối đợt thi tuyển và gửi phương án đến cũng chỉ để... góp mặt. Mẫu của Lê Hiệp xếp giải hạng nhì. Tuy nhiên, điều lạ lùng hy hữu là, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến xem, ông đã bỏ phương án được chấm giải nhất mà chọn tác phẩm của Lê Hiệp để đưa vào xây dựng. Lê Hiệp nói:  “Ý tưởng tác phẩm của tôi rất giản dị. Tôi chỉ định làm ra ngôi miếu và tấm bia nhưng không phải bằng cách xây lên hoặc đắp vào mà là đào xuống hoặc khoét đi, khoét sâu đến mức đục thủng. Một số phụ liệu đi kèm cũng là những gì người Việt thường dùng để tưởng nhớ người đã khuất: Hoa lá, cỏ cây, mây trời, hương khói vv...”.

Ông kể lại sự đáng ngại về  một hội đồng thẩm định công trình này ở Bộ Xây dựng. Lúc đó có tới 4 thứ trưởng cùng hai đoàn chủ tịch của hai hội chuyên ngành và một ông trưởng ban quản lý ngoài lĩnh vực kiến trúc. Các ý kiến trái chiều, khó khăn, phức tạp. Nhưng ông đã biết kiên định với quan điểm kiến trúc  sâu sắc của mình, biết lì lợm, biết mạnh dạn rút lui và biết chịu thiệt thòi để bảo vệ sự trọn vẹn của công trình mà ông mơ ước. Và ông đã thành công.

Đài tưởng niệm Bắc Sơn không những làm danh tiếng Lê Hiệp vượt lên trong giới kiến trúc sư, mà còn tặng ông thêm một người bạn, người thầy tri kỷ: Thủ tướng Võ Văn Kiệt - anh Sáu Dân. Kể từ đó, Thủ tướng thường đến nhà Lê Hiệp chơi, điều mà ngày xưa Lê Hiệp không hình dung được.  Và nhiều chuyến công tác, Thủ tướng còn rủ ông đi cùng, đến nhiều địa phương từ Nam chí Bắc.

Một lần, cuối tháng 12/2001, sau khi khánh thành tượng đài, Lê Hiệp được ngồi với Thủ tướng cả buổi chiều tại Đài tưởng niệm Bắc Sơn... để ngắm, để ngẫm về những ý kiến trái chiều. Thủ tướng tâm sự với Lê Hiệp: “Khi lựa chọn nó ta đâu đã quen biết gì nhau? Thôi, bây giờ thế này, ta chia đôi phần trách nhiệm cùng nhau, có ai khen ta cùng hưởng và ai chê thì ta cùng chịu”.

Với tôi, Đài tưởng niệm Bắc Sơn là một kỷ niệm đẹp. Một lần vào mùa Thu, khi hoàng hôn buông xuống, tôi đi qua Lăng Bác. Tình cờ ngắm Lăng Bác qua khoảng trống trên lư hương giữa tượng đài Bắc Sơn. Lăng Bác in rõ nét, thu gọn trong khoảng trống đó. Tôi bắt gặp mặt trời chiều đỏ như màu máu dìu dịu, bé như một đĩa tròn con con trên đỉnh Lăng Bác. Quá linh thiêng và lãng mạn! Tôi chụp ngay ảnh này. Ngẫu nhiên hay cố ý của KTS Lê Hiệp để có điều tâm linh đó?

Không ai trả lời được câu hỏi đó ngoài Lê Hiệp. Những khoảnh khắc sáng tạo ai mà biết được theo quy luật nào. Nhất là ở một người như ông, một người làm nghệ thuật mà tác phẩm của ông không chỉ một lần được lựa chọn, được tôn vinh bởi các quyết định đặc biệt. Ý tôi muốn nhắc tới cả cái lần thiết kế của ông được chọn để xây dựng Tượng đài Liệt sĩ Tuyên Quang.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Trần Trung Nhật  kể với tôi câu chuyện khó khăn phức tạp khi chọn mẫu tượng đài anh hùng liệt sĩ Tuyên Quang và sự quyết liệt của ông. Trong 20 mẫu dự thi ông quyết định chọn mẫu của KTS Lê Hiệp, khi mà trước đó, ông không biết KTS Lê Hiệp là ai. Nhưng sau này, khi công trình đã thành công, ông trở thành thân thiết với KTS Lê Hiệp.

KTS Lê Hiệp kể về lần thi tuyển mẫu tượng đài Liệt sĩ Tuyên Quang: “Tôi biết gì về Tuyên Quang đâu. Bạn bè cùng dạy học ở Đại học Kiến Trúc Hà Nội  bảo tôi: Tuyên Quang đang thi tuyển mẫu tượng đài liệt sĩ đấy. Gửi mẫu dự thi đi. Tôi điện hỏi thì đã hết hạn gửi tác phẩm rồi nhưng chưa chọn được ai cả. Tôi gửi thử một mẫu lên Tuyên cũng chỉ xem ý các sếp thế nào. Mấy hôm sau, tôi nhận được điện thoại của chính Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trung Nhật, ông muốn gặp tôi ngay tại Tuyên Quang. Ông đề nghị tôi hoàn chỉnh mẫu chính thức rồi đưa ông xem. Tôi lên Tuyên gặp ông. Ông bảo tôi, không nếp tẻ: Tôi chọn tác phẩm của anh. Thật là bất ngờ nhưng là sự thật”.

Và bây giờ tượng đài đã là biểu tượng của thành phố Tuyên Quang: lồng lộng cách điệu bóng đa Tân Trào tỏa ra bốn phương trời, lại như những áng mây trắng bồng bềnh trên trời xanh bao la của Tháng 8 mùa thu lịch sử.

KTS Lê Hiệp, sinh 1942 tại Thanh Hóa, hiện cư trú tại Hà Nội. Nguyên giảng viên đại học Kiến trúc Hà Nội. Các công trình tiêu biểu: Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Độc lập - Tự do của Tổ quốc (đài Tưởng niệm Bắc Sơn) Hà Nội; Đài Tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Tuyên Quang; Nhà bia Tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Bắc Ninh; Đài Tưởng niệm liệt sĩ thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; Đài Tưởng niệm liệt sĩ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng; Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (tham gia phần Kiến trúc); Đài Tưởng niệm các liệt sĩ ở tỉnh Phú Yên (đài Tưởng niệm trên Núi Nhạn); Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ công an Hà Nội.

MỚI - NÓNG