Người giữ hồn rối nước giữa Sài Gòn

Những chú rối nước ngộ nghĩnh của ông Oánh.
Những chú rối nước ngộ nghĩnh của ông Oánh.
TP - Giữa lòng Sài Gòn phồn hoa nhộn nhịp vẫn còn đó một người đàn ông lặng lẽ “ngồi đồng” ở xưởng suốt 25 năm qua để điêu khắc rối nước. Dường như ông là người cuối cùng ở vùng đất Sài thành còn vương vấn với nghề này.

Nhắc đến rối nước người ta nghĩ ngay đến loại hình nghệ thuật dân gian lâu đời ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Thế nhưng, ít ai biết rằng, ở giữa lòng Sài Gòn, một “nghệ nhân chân đất” đã dành gần nửa cuộc đời mình để khắc họa, tạo hình rối nước. Phía sau những chú rối ngộ nghĩnh ấy là cả một câu chuyện, một cuộc đời của nghệ nhân cố gắng níu giữ đam mê và nét văn hóa dân tộc đặc sắc.

Nghệ thuật là đam mê

Trời nhập nhoạng tối ngày đầu năm 2017, chúng tôi tìm đến xưởng của ông Phùng Quốc Oánh (46 tuổi, gốc Hà Nội). Vừa chạy vào con hẻm 502 nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát (phường Bình Thuận, quận 7, TPHCM) đã nghe tiếng đục đẽo lách cách vọng ra từ phía cuối đường. Nói là nhà xưởng nhưng thực ra, nơi làm việc của ông chỉ là một mảng sân rộng chừng 20m2 thuê lại dãy phòng trọ rồi cắm mấy cây cọc, lợp vài tấm tôn cũ xiêu vẹo đủ che mưa che nắng.

“Để làm nên một con rối hoàn chỉnh, ngoài tay nghề, nghệ nhân cần phải có sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa dân gian từng vùng miền, sự kiện lịch sử”,           

Ông Oánh nói.

Dù gia đình không có người nào theo nghề rối nước nhưng như định mệnh sắp đặt, ông bắt đầu gắn bó với những con rối khi còn là sinh viên Trường cao đẳng Nhạc họa Hà Nội. Ngày đó, ông theo học ngành điêu khắc và tạo hình, trong một lần bắt gặp những chú rối nước ngộ nghĩnh, ông bị hút hồn và quyết định gắn bó với rối nước. Quyết là làm, ông tìm đến nhà nghiên cứu rối nước Nguyễn Huy Hồng, một trong những nhà nghiên cứu múa rối đầu tiên của Việt Nam để “tầm sư học đạo”.

Những con rối nước đầu tiên được ông chập chững khắc họa tạo hình khi ông 21 tuổi. “Ngày ấy còn là sinh viên, trong một lần tham gia lễ hội văn hóa và được xem các nghệ nhân múa rối nước, tôi bị hút hồn bởi sự ngộ nghĩnh và độc đáo của những chú rối nước và quyết định mình phải nghiên cứu kĩ về loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Không ngờ đến nay đã hơn 25 năm gắn bó với nghề, giờ nó đã ăn sâu vào máu rồi, một ngày không đụng đến là bứt rứt khó chịu”, ông Oánh nói.

Rối nước và nghề tạo hình rối nước như ăn vào máu, song hành cùng cuộc sống của ông nên đi đến đâu ông cũng mang theo đam mê của mình. Năm 2007, ông chuyển vào TPHCM sinh sống, nghệ thuật múa rối nước ở vùng đất Nam bộ gần như rất ít người biết đến. Vì thế, nghề tạo hình rối nước không đủ nuôi sống bản thân, nhưng ông vẫn quyết tâm giữ lửa đam mê. Liên tục phải chuyển nhà, nhưng ba lần chuyển trọ ông đều chọn những khu nhà trọ có khoảng sân rộng đủ để tận dụng làm “nhà xưởng”.

Mặc chiếc quần “xà lỏn”, áo thun úa màu, còng lưng trên chiếc chiếu manh cũ kĩ, ông Oánh thoăn thoắt đục đẽo những con rối nước mà không cần bút thước. Ông chia sẻ, những người mới vào nghề thì mới cần bút thước, hình mẫu. Còn riêng ông có 25 năm theo nghề nên tất cả hình ảnh, kích thước con rối đã nằm trong đầu. Ông vừa đục vừa mường tượng hình thù con thú. Chỉ trong tích tắc, từ khúc gỗ thô sơ, một chú vịt ngộ nghĩnh được ông tạc xong. Đó là một trong những chú rối cho màn múa rối nước có tên “Cáo bắt vịt” ông được đặt hàng làm cho nhà hát Rồng Vàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Người giữ hồn rối nước giữa Sài Gòn ảnh 1

Nghề điêu khắc rối nước đã theo ông Oánh 25 năm qua.

Để hoàn thành toàn bộ số rối cho trò “Cáo bắt vịt”, ông và hai “đệ tử” phải đục đẽo, bào dũa rồi sơn đi sơn lại trong vòng nửa tháng mới xong. Chỉ riêng công đoạn sơn một con rối nước cũng mất hơn 10 ngày. “Công đoạn sơn rối mất nhiều thời gian vì mỗi con rối phải sơn đi sơn lại đến 10 lần. Mỗi ngày một lần và công đoạn cuối cùng là phủ một lớp bạc bên ngoài để đánh bóng, làm cho con rối nổi bật trong ánh sáng”, ông Oánh cho biết.

Theo ông Oánh, chỉ xoay quanh 16 trò nhưng múa rối nước thể hiện được tất cả phong tục tập quán của người Việt từ chăn nuôi trồng trọt đến tái hiện các giai đoạn lịch sử... Vật liệu để khắc họa rối nước được ông dùng hoàn toàn là gỗ cây sung. Bởi theo ông, gỗ sung nhẹ, không thấm nước và không bị nứt nên thuận tiện cho nghệ nhân khắc họa cũng như biểu diễn. Để có đủ số gỗ sung cho việc tạo hình rối nước, ông tìm đến các nhà cung cấp gỗ trong khắp thành phố đặt hàng trước. “Gỗ sung nhẹ, bền, dẻo và nổi trên mặt nước nên được ưu tiên sử dụng trong rối nước. Để khắc họa mỗi con rối phải dựa theo từng kịch bản vở diễn, các câu chuyện dân gian hay yêu cầu của đoàn diễn để tạo hình. Đoàn diễn muốn rối như thế nào thì đưa kịch bản mình đọc rồi tự chạm khắc, tạo hình”, ông nói.

Giữ nét văn hóa dân tộc

Hơn 25 năm gắn bó với nghề nhưng đây lại không phải nghề “kiếm cơm” của ông mà nó chỉ đơn thuần là đam mê ông theo đuổi. Bởi ở đất Sài thành hiện nay chỉ còn mình ông theo nghề này, ông muốn lưu giữ chút gì đó của nét văn hóa dân gian đặc sắc cho con cháu. Cũng vì vậy mà ông đang truyền nghề lại cho người con trai đầu, hy vọng về sau sẽ có truyền nhân tiếp tục chạm khắc, tạo hình rối nước.

Tuy nhiên, vấn đề khiến ông ngủ không yên là nghệ thuật múa rối nước ở trong Nam ít phổ biến và ngày một lụi tàn. Nghề khắc họa rối nước không nuôi nổi bản thân. Nhiều lúc ông Oánh nản lòng, dẹp hết đồ đạc qua một bên, tính tìm công việc khác, thế nhưng, nghề đã ăn vào máu nên cứ dẹp được vài ngày ông lại “ngứa nghề”, lôi dụng cụ ra tiếp tục đục đẽo. “Có những lúc làm rối nước không đủ hai bữa cơm, chán nản muốn bỏ nghề để kiếm việc gì khác làm nuôi vợ nuôi con. Dẹp được vài ngày lại bần thần, trăn trở tiếc cho văn hóa độc đáo của dân tộc sẽ dần mất đi nếu mình chỉ lo miếng cơm manh áo. Nghĩ rồi tôi lại lấy đồ nghề ra làm tiếp, làm để giữ một hồn cốt, một di sản để con cháu mình còn biết con rối là gì”, ông Oánh tâm sự.

Người giữ hồn rối nước giữa Sài Gòn ảnh 2

Hai “đệ tử” của ông Oánh đang phủ lớp sơn mới cho rối.

Nhấp cốc chè chát, ông Oánh nhìn ra khoảng sân còn bày những con rối đang tạc dở, gương mặt đợm buồn: “Các đoàn rối nước ở Sài Gòn giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì vậy nghề tạo hình rối nước cũng chỉ ăn theo các đoàn này. Thế nên những con rối dù có hồn, thần thái bao nhiêu cũng chỉ giúp mình thỏa mãn đam mê chứ không mang lại cơm áo được. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề giờ vẫn vật lộn sống qua ngày ở đất khách quê người. Nếu không có đam mê và muốn giữ nét văn hóa dân gian chắc tôi bỏ nghề lâu rồi”.

Dù còn lận đận mưu sinh bằng nhiều nghề khác để nuôi dưỡng đam mê nhưng mỗi khi nhắc đến rối nước mắt ông lại bừng sáng. Ông nói: “Mỗi vở diễn, mỗi câu chuyện có một nhân vật rối khác nhau. Ví như vở có bối cảnh ra đồng, con trâu phải khác con trâu ở vở diễn chiều quê. Khi con trâu đi cày phải tạo hình khác với con trâu thong thả có mục đồng trên lưng lúc chiều về. Thần thái, biểu cảm một con rối tùy theo bối cảnh, trạng huống để có thần thái phù hợp. Rối cũng như một vai diễn của diễn viên trên màn ảnh vậy”.

Theo ông Oánh, điêu khắc rối không chỉ tạo hình, truyền thần vào từng con rối mà điều khác lạ giữa điêu khắc rối và điêu khắc tượng là mỗi con rối phải biết chuyển động từ tay chân đến cơ thể. “Nếu tạc tượng, các vật tạo ra ở trạng thái tĩnh thì điêu khắc rối phải tạo cho vật chuyển động không ngừng, từ đôi chân, đôi tay, cái đầu hay bất cứ bộ phận nào đều phải chuyển động được. Rối mà bất động thì làm sao gọi là rối. Vì thế mỗi con rối được chạm khắc khác nhau, có thể chân tay rời, mình rời, đầu rời... tùy vào ý đồ của đạo diễn”, ông Oánh nói.

Theo ông Oánh việc tạo hình rối nước dù rối được cách điệu để tạo sự cuốn hút nhưng cũng vẫn phải đảm bảo một cách chuẩn mực phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục như trang phục miền Bắc là áo tứ thân, miền Nam là áo bà ba... “Để làm nên một con rối hoàn chỉnh, ngoài tay nghề, nghệ nhân cần phải có sự hiểu biết sâu rộng về văn hóa dân gian từng vùng miền, sự kiện lịch sử. Như vậy những con rối làm ra mới giữ được cái hồn, cốt của dân tộc”, ông Oánh chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.