Người linh sơn

Nén nhang đồng đội tưởng niệm liệt sĩ Trại Tiệp năm xưa. Ảnh: Trần Tuấn
Nén nhang đồng đội tưởng niệm liệt sĩ Trại Tiệp năm xưa. Ảnh: Trần Tuấn
TP - Giữa trưa Trường Sơn, cơn gió ào đến, lư hương bùng cháy. Chị Bích bảo, vậy là các anh đã về nhà mới rồi…

Chị Bích nhắn tôi 11 tháng 8 âm về dự khánh thành nhà bia tưởng niệm liệt sĩ hành lang Trại Tiệp trên mạn Quế Ninh, Nông Sơn. Sực nhớ ngót 15 năm rồi.  15 năm trước tôi đã từng một lần kể về tiếng hát của những linh hồn trên núi Cà Tang huyền bí này. Nơi những con người tốt bụng như hai cha con ông Nguyễn Dậu, chị Bích thường xuyên chuyện trò với những anh linh.

Về Khe Nhám, Khe Hộp, núi Dương Trục, núi Hòn Than, Trại Cây Ớt, Sân Banh (là nơi có sân bóng giữa rừng của bộ đội)... Kể rằng, mỗi lần vào làm rừng, trên người ông Dậu luôn có bi-đông đựng rượu, mấy thẻ nhang. Lần nào quên là ông quay về nhà lấy bằng được, dẫu đã đi được nửa đường. Việc đầu tiên là rót rượu ra một cái chén đặt trên phiến đá, đốt nhang khấn liệt sĩ. “Thời đó trên rừng là bộ đội, dưới làng là tề ngụy. Vô rừng, tôi hay được gặp anh em mình. Trẻ lắm, mấy ai biết rượu là thứ gì đâu. Nếu còn sống, tuổi đã lớn lắm rồi. Nay anh em nằm xuống, hồn cốt gửi cả ở  đất này, mời nhau ly rượu gọi là cái tình ...”, ông kể.

Còn chị Nguyễn Thị Bích con gái đầu ông Dậu, lên núi theo du kích từ năm 15 tuổi, sau hòa bình làm ngành giao thông. Quen thuộc rừng núi, được tâm linh các anh mến thương “theo bước”, nên nhiều lúc chị tìm được mộ liệt sĩ và trả lại tên tuổi, quê quán cho các anh một cách ly kỳ. Cuối tháng trước, tôi nhận điện thoại chị gọi từ Nha Trang. Thì ra vợ chồng chị và cậu con trai vừa vào Nha Trang thăm má nuôi Trần Kim Yến. Má Yến quê Quảng Ngãi, là em ruột liệt sĩ Trần Kim Báu – người đại đội phó quả cảm hy sinh trong trận cảm tử vào đồn Pháp ở Thu Bồn – Nông Sơn cuối xuân 1947. Người anh hùng được dân làng mai táng trên một nổng đất cao, gắn bia cẩn thận. Rồi ly loạn, rồi chiến tranh khiến mất dấu mộ liệt sĩ Báu. Vậy mà gần 50 năm sau, chị tìm ra mộ của ông, rồi lặn lội đi tìm thân nhân của ông để báo tin… 

Người linh sơn ảnh 1

 Chị Nguyễn Thị Bích hoan hỉ trong lễ khánh thành nhà bia.

Thấm thoắt đã 11 năm rồi ông Dậu an nghỉ trên ngọn đồi giữa làng Cà Tang Hạ. Chị Bích cũng đã về hưu. Nhưng dường như tâm linh những người lính trẻ ngã xuống giữa núi rừng Nông Sơn năm xưa vẫn chưa rời xa chị.

Buổi khánh thành nhà bia tưởng niệm Trại Tiệp trang trọng đông đủ đến không ngờ, dù ở giữa rừng, đường vào khó khăn, lại qua suối. Bởi lúc đầu cũng nghe chị Bích bảo làm đơn giản mời các anh về nhà mới. “Các anh” là 21 liệt sĩ vô danh nằm xuống nơi này sau trận phục kích của lính Mỹ cuối năm 1969.

Bí thư chi bộ thôn Ninh Khánh 1, ông Trương Thành Tá (Ba Tá), 77 tuổi, nhà ở ngay bìa rừng. Trong chiến tranh là Trạm trưởng giao bưu nên ông rành rẽ lịch sử nơi đây. Ông kể  đó là những người lính của Mặt trận 44 Quảng Đà. Cuối năm 1969, Mỹ càn quét lên đây, giao tranh dữ dội, nhiều anh em bị thương được chuyển lên Bệnh xá 78 Hòn Tàu. Hôm ấy, mọi người đang chuyển thương binh qua hành lang Trại Tiệp thì dính ổ phục kích của Mỹ. 21 thương binh thuộc trung đội 31 Sư đoàn 2 (QK5) hy sinh tại chỗ. Anh em đều từ miền Bắc vào. Sau khi thu đốt hết mọi giấy tờ tuỳ thân của các anh, địch cử lính ở lại canh không cho dân lấy xác. Mãi đến khi thi thể các anh bị heo rừng ủi xới, ăn thịt gần hết, chúng mới chịu rút đi.

Mẹ VNAH Phan Thị Hồng, năm nay đã 95 tuổi, ngày ấy đi làm rừng chứng kiến cảnh tượng đau lòng trên. Rừng ngày ấy rậm rạp lắm. Mẹ kể nhìn thấy từng phần thi thể các anh rải từ Hố Chuối sang Trại Tiệp. Ông Đặng Luyến, 61 tuổi, ở gần nhà mẹ Hồng ngày ấy mới hơn 10 tuổi, vào rừng giữ trâu, ngồi bên góp chuyện: “Vừa rẽ qua khe, tôi với cô Hồng và đứa cháu nhìn thấy ai nấy sảng hồn. Các anh nằm la liệt. Nhiều anh trông to khỏe lắm, nhưng bị heo rừng phá hết thân thể. Vội chạy về kêu bà con vác cuốc lên chôn cất các anh. Sau rồi dân ít ai qua lại nơi này, vì cứ ám ảnh cảnh tượng, xót thương quá…”.

Ông Ba Tá sau đó bị địch bắt đày ra Phú Quốc cho đến ngày giải phóng. Về hưu, ngày ngày vào rừng thả trâu, đi qua Đá Hang, qua Khe, Trại Tiệp, không còn dấu vết gì nhưng tâm trí ông cứ bồn chồn. Năm 2009, ông bàn với chi bộ vận động nhân dân góp sức lập bia tưởng niệm 21 liệt sĩ vô danh. Dân nghèo, tổng cộng 14 triệu đồng, đến năm 2012 dựng được tấm bia ghi công có mái che mưa nắng. “Được vậy mừng lắm rồi. Có nơi cho bà con mình thắp nén nhang tưởng nhớ các anh”, ông Tá kể. Tấm bia lọt thỏm giữa rừng cây phủ kín…

Rằm tháng giêng năm nay, chị Bích cùng Thượng tá Trần Thanh Đàm, Chủ nhiệm Kho kỹ thuật CK55 (Quân khu 5) - đơn vị đóng ở Trung Phước gần nhà, lên núi Hòn Than thắp hương liệt sĩ. Nghe người dân kể về Trại Tiệp, chị tìm đến. Thấy nao lòng vì nơi thờ cúng các anh còn quá đơn sơ. “Do xã nghèo quá không lo được. Vô ủy ban thấy chỗ làm việc nhỏ của mấy ổng nhỏ xíu xiu mà sảng hồn”. Chị Bích kể, giọng rưng rưng – “Giờ các anh đã vĩnh viễn vô danh, không ai biết tên tuổi, quê quán. Cha mẹ, vợ con các anh cũng không hay biết các anh nằm nơi đây”.

Tâm nguyện về một nhà bia tưởng niệm xứng với sự hy sinh của các anh bỗng hối thúc chị. Chị tất bật ra Bắc vào Nam, tìm bạn bè, đồng nghiệp, người quen “xin” từng đồng. Vận động được chừng 300 triệu, suốt mấy tháng cùng thượng tá Đàm thay nhau coi sóc công trình, chăm chút từng viên gạch, viên ngói, tới bức tranh tường, dòng chữ khắc trên bia… Để có được một nhà bia tưởng niệm tọa lạc uy nghi trong khuôn viên 300m2 giữa rừng thiêng. Không biết chính xác ngày hy sinh của các anh, chị bàn với ông Ba Tá và anh Đàm ghi lên bia ngày 27/7/1969, làm ngày giỗ hằng năm.

* * *

Nhớ lại, hơn 20 năm, bao phen tôi dọc ngang nơi thượng nguồn Thu Bồn này.

Đời người có những nơi chốn không bao giờ cũ. Từ người đến cảnh lúc nào cũng ngời ngợi thân thương trong tâm trí, như chỉ cần với tay là chạm ngay được. Dẫu giữa cái “chạm tay” đó là những tháng ngày xa ngút.

Người linh sơn ảnh 2

 Ông Trương Thành Tá và Mẹ VNAH Phan Thị Hồng hồi ức về sự hy sinh của 21 liệt sĩ trên đường hành lang Trại Tiệp

Khánh thành nhà bia xong, tôi quay lại Trung Phước làng chị. Để đi trên con đường bê tông Hố Cái dài hơn cây rưỡi số hút tắp quanh co theo những ruộng lúa nơi xóm nghèo Trung Hạ. Thật kinh ngạc, khi con đường này cũng do một tay chị… “đi xin” mà có!

Chỉ mới mấy tháng trước, xóm nghèo với hơn chục hộ dân này hầu như bị cô lập với bên ngoài. Nhà anh Cao Hồng Sanh nằm ở cuối con đường kế bên đập Hố Cái, nghèo nhất nhì xã. Khi toàn bộ “cơ ngơi” của anh là mấy tấm tôn cùng phên tre lá ghép thành cái gọi là “nhà”, rộng đủ bốn người ngồi. Trống hoác. Vợ chồng làm thuê. Hai đứa con đứa lớp 4 đứa lớp 2. Anh kể, không có đường, ngày ngày vợ chồng thay phiên cõng con băng ruộng vượt mấy cây số đến trường. Nhiều bữa mưa gió té ngã lấm lem, lạnh cóng. Nay có đường rồi, xe máy chạy tới tận nhà. Có con đường, vẫn nghèo nhưng đỡ tủi hơn.

 Bà cụ Huỳnh Hồng Sanh, 72 tuổi, móm mém: “Có đường của con Bích, tui muốn sống tới 90 tuổi để đi lại cho đã”. Cả đời sống khổ vì ruộng đồng bao quanh, bùn lầy ngập ngụa, nên khi hay tin, vợ chồng bà hiến ngay 2 sào ruộng cho chị Bích làm đường. Bà Sanh nói, trước xóm này như bị bỏ hoang, nay có đường xe máy đi liên tục. Thăm đồng, chở phân, chở lúa, chở củi... Nhiều người còn chạy xe ngắm cảnh như đi “du lịch”…

Hỏi, sao chị đi xin tài thế. Chị cười, thì mình xin để làm việc nghĩa việc tình cho quê hương thôi, ai nỡ…từ chối ! Giúp chị là những người em thân thiết ở Quảng Nam, như Trương Quang Ân chủ doanh nghiệp Tuyết Ân, Nguyễn Sự - giám đốc Taxi Hoàng Sa, đến những người bạn lâu năm như vợ chồng bác sĩ Lê Các ở Điện Bàn… Thủ trưởng cũ của chị là ông Nguyễn Văn Quyền - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cũng góp vào một tay. Đến những người xa, như anh Trương Quốc Huy – Tổng GĐ Cty CP Xi măng Vicem Bút Sơn. Còn thì không thể kể hết những người giúp năm, ba trăm ngàn...

Cũng có người quen thân từ lâu, như trường hợp Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Hàng hải VN Vinalines Lê Anh Sơn. Anh Sơn có người chú liệt sĩ hy sinh dưới núi Cà Tang này mấy mươi năm gia đình mải miết đi tìm. Sau duyên gặp chị Bích, nhờ đó tìm ra mộ.

Đặc biệt may mắn là những việc làm của chị luôn có sự âm thầm theo sát, giúp đỡ của một người chị quê Quảng Nam phúc hậu, thương người. Người phụ nữ đáng kính ấy hiện đang sống ở Hà Nội, luôn dành hết tâm trí về quê nhà… 

Nhưng có tiền chưa chắc làm được, nếu không đổ hết mồ hôi và tâm trí vào đó. Là dân giao thông, chị trực tiếp tính toán từ thiết kế, đến chỉ đạo thi công, giám sát… Suốt 5 tháng ròng từ tháng 2 đến 7/2016 lăn lộn mưa nắng trên công trình, cùng với những người lính Kho kỹ thuật CK55 để hoàn thành 1,5km đường bê tông.

Chị Bích tâm sự, nguyện ước của chị bây giờ là làm được con đường đàng hoàng hơn dẫn vào nhà bia liệt sĩ Trại Tiệp. Cũng là để dân mình có lối đi lại làm ăn cho bớt cực …

            Nông Sơn, tháng 9/2016

 …Nhớ hôm ấy, sau lễ khánh thành nhà bia liệt sĩ, người phụ nữ trẻ ở văn phòng ủy ban xã làm công việc dẫn chương trình, chạy xuống nắm chặt tay tôi, mừng rỡ: “Anh về hồi nào mà em không biết”. Sững một lúc tôi mới nhớ ra. Nhớ đôi vợ chồng trẻ cán bộ xã gần chục năm trước tôi tình cờ gặp khi về đây cứu trợ lụt bão. Sau đó làm cầu nối để bạn đọc Tiền Phong giúp mổ tim cho cậu con trai Lê Huy Đạt mới 15 tháng tuổi của họ. Nay cậu bé đã học lớp 5, khỏe mạnh. Còn người cha - chàng trai trẻ tuổi Lê Văn Ni năm ấy nay đã là Chủ tịch xã...

Những câu huyện ân tình dưới bóng núi Cà Tang như dòng suối, chảy suốt đêm ngày…

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.