Người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí?

Người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí?
TP - Đại biểu QH  Nguyễn Thị Hồng Vy  cho rằng: “Trợ giúp pháp lý càng rộng rãi, càng giúp được nhiều đối tượng càng tốt. Tuy nhiên, đây là hoạt động miễn phí, không thể mở rộng cho mọi đối tượng.
Người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí? ảnh 1
Chuyên viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý đang thực hiện một ca tư vấn

Trợ giúp pháp lý (TGPL) cho nhân dân là nhu cầu rất lớn, nhất là trong điều kiện chúng ta gia nhập WTO.

Chính vì vậy, cả ngày 24/5, các  đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật này rất sôi nổi.

Một trong những quy định có nhiều ý kiến khác nhau nhất trong dự thảo Luật là đối tượng nào được thụ hưởng TGPL miễn phí.

Về đối tượng được thụ hưởng TGPL miễn phí, có khá nhiều ĐBQH cùng chung quan điểm là không nên mở rộng đối tượng như ĐB Nguyễn Đức Dũng, vì điều kiện của đất nước còn hạn hẹp.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vy (ĐB tỉnh Sơn La) cho rằng: “Trợ giúp pháp lý càng rộng rãi càng tốt, càng giúp được nhiều đối tượng càng tốt. Tuy nhiên, đây là hoạt động miễn phí, không thể mở rộng cho mọi đối tượng, trong khi ngân sách Nhà nước có hạn, việc xã hội hoá trợ giúp pháp lý chưa nhiều, do đó chỉ nên mở rộng đến một phạm vi nhất định”.

Theo bà Hồng Vy, các đối tượng được hưởng TGPL ngoài người nghèo (theo tiêu chí chuẩn nghèo) thì còn phải có thêm người được hưởng chính sách của nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số và cả người Kinh cư trú ở những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng tình với quan điểm này, ông Điểu Kré (ĐB tỉnh Đắk Nông) cho rằng, nếu chỉ người nghèo (được xác định theo chuẩn nghèo) mới được TGPL là chưa đủ và chưa công bằng vì bà con người dân tộc thiểu số rất cần TGPL vì thiếu kiến thức pháp luật.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Dũng (ĐB tỉnh Kon Tum) lại lập luận hiện còn một bộ phận khá lớn người dân không có khả năng  về kinh tế để tiếp cận  với việc tư vấn pháp luật và TGPL. Vì thế theo ông Dũng tên gọi của luật này phải là “Luật TGPL miễn phí” mới rõ ràng.

Cũng theo ông Dũng, đối tượng thụ hưởng TGPL  miễn phí chỉ nên là người nghèo. “Nếu đưa  thêm đối tượng là người có công với cách mạng và đồng bào dân tộc thiểu số thì lập tức gây bất bình đẳng ngay vì trong số này có người nghèo, có người đủ điều kiện kinh tế mà lại hưởng TGPL miễn phí như nhau”-Ông Dũng phân tích.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh (ĐB tỉnh An Giang) lại cho rằng trong TGPL, Nhà nước nên quy định có thu phí (một mức nhỏ) để người dân  đi xin TGPL có trách nhiệm  với việc mình nhờ. Còn các tổ chức TGPL không phải của Nhà nước sau khi TGPL cho người dân có thể thanh toán với Quỹ TGPL.

Bà Minh cũng đề nghị, Nhà nước không nên trả lương cho nhân viên trung tâm TGPL do Nhà nước lập ra, mà nên thanh toán với Quỹ sau các vụ việc để bình đẳng cho các tổ chức TGPL khác không phải của Nhà nước.

Liên quan đến việc hình thành Trung tâm TGPL, bà Huỳnh Thị Dã Thanh (ĐB tỉnh Ninh Thuận) băn khoăn: “Chúng ta nên thành lập một hay nhiều trung tâm và đặt ở đâu. Vùng đồng bằng, vùng kinh tế phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân tương đối khá, ít có người nghèo. ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, dân tộc thiểu số thì rất cần các trung tâm TGPL.

Vì đã nghèo thì hạn chế nhiều mặt trong đó có sự thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến không được đối xử công bằng. Cho nên việc quyết định thành lập và đặt trung tâm này ở đâu cũng là vấn đề cần cân nhắc và có định hướng.

Tránh tình trạng TGPL không phát huy tác dụng, không đạt mục đích yêu cầu của Luật đề ra. Vấn đề biên chế và tài chính cũng cần được đặt ra. Tài chính lấy ở đâu, tự cân đối ngân sách hay Nhà nước trợ giúp một phần?”.  

MỚI - NÓNG