Người ngủ bên đường và nỗi buồn của Anh hùng châu Á

Người ngủ bên đường và nỗi buồn của Anh hùng châu Á
Chồng chết vì “ết”, chị cũng nghĩ mình “dính” căn bệnh thế kỷ, người phụ nữ này ban đêm phải ngủ ngoài đường và dằn lòng nhìn ba đứa con đi lang thang. Đời chị sẽ lao xuống vực thẳm nếu...

Túp lều nép dưới chân cầu Hạc Long, sông Cấm (Hải Phòng). Khoảng mười mét vuông nhưng vừa là quán bán cơm, bán nước và “kiêm” luôn nơi ở cho 5 người. Như thế, đối với chị Phạm Thị Vân cũng tươm lắm rồi, chưa đến nỗi “không chốn nương thân”.

Chị đã thừa cơ cực để biết quý một chút không gian che nắng che mưa, che bớt đi nỗi bất hạnh ngày ngày vẫn phơi ra bên sông Cấm.

Chưa sống với chị được bao lâu thì chồng bước chân vào trại cải tạo vì  trộm cắp để chích hút heroin. Nỗi bất hạnh không dừng lại ở đó... Một ngày của năm 1994, bác sỹ ở trại cải tạo An Sơn gọi chị đến báo tin dữ: “Chồng em đã bị AIDS giai đoạn cuối”.

Chị nghe như sét đánh bên tai. Bản án tử hình ấy dường như còn được tuyên cho cả chị nữa, mấy khi chồng có HIV mà vợ lại thoát thứ virút khủng khiếp này. Nhưng cũng chẳng còn thời gian để khóc, chẳng còn đủ can đảm để đi xét nghiệm bởi  chồng “giai đoạn cuối” đang rên rỉ, thân thể bắt đầu lở loét.

Chị xin đưa chồng ra khỏi trại cải tạo, nhưng chẳng biết đi về đâu? Gia đình chồng kiên quyết không cho người con tội lỗi của họ về lại mái nhà xưa, trong khi túp lều chị đã quá tải và đang ở thuê với mẹ đẻ. Chị gạt nước mắt bảo mẹ: “Vợ chồng một ngày nên nghĩa, anh ấy có gì thì cũng không thể bỏ mặc được”. Túp lều bé xíu lại có thêm một thành viên nữa.

Cho đến bây giờ chị chẳng hiểu nổi vì sao mình không đột quỵ vào thời gian đó. Một mình nuôi 3 đứa con với người chồng sắp chết, trong khi bản thân chị cũng đang cần được chăm sóc.

Nhưng chị đành phó mặc cho vòng quay công việc của cả ngày lẫn đêm cứ vần, cứ vắt cho đến bã người. Sáng dậy sớm cho các con đi học, đi chợ làm hàng cơm, trưa bán hàng, tối bán nước cho đến 4 giờ sáng. Thời gian biểu nhọc nhằn ấy bị cắt vụn bởi những cơn đau của chồng.

Da thịt anh nứt ra, lở ra nhanh đến nỗi có cảm giác như phát ra thành tiếng. Người chồng nghiến răng chịu đau. Anh ta nhìn vợ quay quắt cả ngày kiếm tiền với đôi mắt hàm ơn và cảm giác tội lỗi. Trước khi chết, chồng cầm tay vợ, ứa nước mắt: “Vân ơi! Anh thương em lắm mà không biết làm sao cả”.

Ngay sau khi tắt thở, xác người chồng được đưa ra ngoài đường. Túp lều thuê, nên chủ không cho để xác chết bên trong. Hôm đấy, trời mưa xối xả, tầm tã suốt cả ngày.

Bác thổi kèn trong đội nhạc đám ma phải cầm tấm bạt căng ra để mưa không làm quan tài ướt sũng. Đã cầm bạt thì thôi thổi kèn. Đám tang trong ngày mưa thê lương vẻn vẹn có mấy người. Thi thể chồng chị được hoả thiêu. Nếu chôn sợ không có đất và phải rải vôi bột xuống.

Cái chết đó như một sự giải thoát đối với chồng, nhưng đã gieo vào chị nỗi sợ hãi ngày càng lớn dần. Lúc ấy, chị vẫn chưa dám đi xét nghiệm. Chị chưa biết mình đã có “ết” hay chưa? Chẳng lẽ chị không dám đối mặt với  tử thần?

Giọng buồn buồn, chị Vân giải đáp băn khoăn của tôi: “Bây giờ em chẳng sợ gì cái chết cả. Chỉ sợ nhất một điều, lỡ xét nghiệm mà biết mình “dính”  rồi thì suy sụp vì không biết ai sẽ lo cho 3 đứa con. “Thôi đành ru lòng mình vậy”; Vờ như  mình không có  “ết ”.

Mấy năm nay, chị vẫn bấu víu vào chút hy vọng mong manh ấy để sống. Cuộc sống ngày càng gieo neo hơn. Từ khi biết chồng chị chết vì “ết”, khách đến ăn cơm uống nước vắng hẳn. Nhưng vòng qua công việc nhọc nhằn trong một ngày của chị vẫn vậy,  tinh mơ đã dậy và chỉ ngủ vào 4 giờ sáng.

 Chị ngủ luôn ngoài đường. Nếu ngủ trong nhà sợ các con phải nằm nghiêng vì quá chật. Trên nền xi măng lạnh lẽo, lổn ngổn rác bẩn, kim tiêm, chị dường như đêm nào cũng cố dụ dỗ giấc ngủ đến với mình.

Dưới chân cầu Hạc Long sông Cấm, đêm khuya lởn vởn những kẻ nghiện hút, lưu manh, lạ thay chúng chẳng hề động chạm gì người phụ nữ nằm một mình ngoài đường. Chúng trừ chị ra. 

Nhưng điều chị đau xót nhất là ba đứa con bị đẩy ra đường. Túp lều quá bé, mấy đứa trẻ không có chỗ để ngồi, cứ phải đi lang thang. Thằng con cả đã phải bỏ học vì nhà quá nghèo, đứa thứ hai học lớp học tình thương. Bố chết vì “ết”, mẹ rạc người lo chuyện cơm áo chẳng đủ thời gian mà dạy dỗ, lại sống trong một khu nhiều thành phần bất hảo, điều kiện để chúng hư hỏng có vẻ như đã “hội đủ”.

Chị nghĩ mình như cỗ xe rệu rã mất phanh đang lao đầu xuống vực... Nhưng đúng lúc ấy, bỗng có ai đó kéo chiếc xe ấy lên, rồi mở lòng chia sẻ với tất cả nỗi đau của chị...

Chung tay cùng Anh hùng châu Á

Người ngủ bên đường và nỗi buồn của Anh hùng châu Á ảnh 1
Chị Phạm Thị Vân - người ngoài cùng bên trái - trong một buổi tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS

Trong thế giới của những người có HIV/AIDS  ở Hải Phòng  có lẽ chẳng ai không biết đến Phạm Thị Huệ – người được tạp chí Time bầu chọn là anh hùng châu á năm 2004.

Có HIV từ chồng, sau những giằng xé đấu tranh, Phạm Thị Huệ đã xé toạc bóng tối lạnh lẽo của sự mặc cảm, để nói lên một sự thật ít ai dám thừa nhận: “Vâng, tôi đã bị HIV”. Cùng với chị Vân và 6 chị em có HIV khác, Huệ đã lập ra nhóm Hoa Phượng Đỏ.

Các thành viên của nhóm cùng chung một tâm niệm: chia sẻ, giúp đỡ cho những người cùng cảnh ngộ và tuyên truyền phòng chống HIV/ AIDS. Với sự hoạt động quên mình của Huệ và các thành viên, nhóm Hoa Phượng Đỏ đã trở thành ngôi nhà chung của nhiều người có HIV/AIDS ở Hải Phòng và được nhiều tổ chức phòng chống HIV/AIDS trong nước cũng như quốc tế biết đến.

Năm 2004, Huệ được tạp chí Time bầu chọn là Anh hùng châu Á. Trong bài phát biểu ở lễ trao giải tại Hàn Quốc, Huệ nói: “Phần thưởng này không phải của riêng tôi mà là của tất cả những người có HIV/AIDS ở Việt Nam dám vượt qua mặc cảm để sống có ích”. Bài phát biểu của Huệ đã làm cho hầu hết những người có mặt trong buổi hôm đó rơi nước mắt.

Người anh hùng châu á đó  ở trong một căn nhà cũ kỹ ở phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng – Hải Phòng. Hôm tôi theo đoàn Tình nguyện viên Liên Hợp Quốc (UNV) đến, Huệ đang cùng nhóm Hoa Phượng Đỏ chuẩn bị cho buổi sinh hoạt định kỳ.  

Tôi thấy chị Vân trong đám đông ấy, gương mặt không còn nỗi buồn khi ngồi bán nước dưới chân cầu Hạc Long mà trở nên vui tươi như thể cuộc đời tươi đẹp đang ở phía trước. Chị vẫn chưa dám đi xét nghiệm nhưng từ lâu đã là thành viên của Hoa Phượng Đỏ!

Nhớ lúc chồng phát bệnh, lở loét, người ngoài ai cũng lánh xa, nhưng chị em trong nhóm đã cùng Huệ xúm lại, xem như việc của nhà mình. Tiếng khóc đưa ma chồng vì thế mà bớt đi nỗi cay đắng, xót xa.

Chị cảm Hoa Phượng Đỏ từ đó. Và chính bàn tay chị đã tắm rửa, khâm liệm cho hai thành viên trong nhóm khi họ từ giã cõi đời. Chị không còn chỉ biết ngồi như tượng đá dưới chân cầu Hạc Long bán nước, mà đã đi đến nhiều nơi để tuyên truyền phòng chống HIV/ AIDS.

Đến tận nhà dân xin quần áo cũ, rồi mua truyện tranh tặng cho con em những người có HIV, đó là những việc thường ngày mà chị Vân cùng nhóm Hoa Phượng Đỏ vẫn làm.

Huệ, nay đã trở thành tình nguyện viên của Liên Hợp Quốc,  thuyết phục đại sứ quán Đan Mạch  nhận hỗ trợ học phí và góc học tập đầu năm học mới cho 60 cháu nhỏ đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. 

Một tổ chức của Pháp cũng đã giúp gạo trong vòng 6 tháng cho những gia đình người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn. Hôm nay, những túi gạo đó đã được trao  trong buổi sinh hoạt của nhóm Hoa Phượng Đỏ. 

Bà mẹ già tóc bạc trắng, mắt rưng rưng, nhận gạo từ tay chị Vân, nghẹn ngào: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Gạo này ăn hết nhưng tình nghĩa của các chị sẽ còn mãi”.

Ít ai biết rằng trong nhà Huệ có một lớp học tiếng Anh cho nhóm Hoa Phượng Đỏ. Thanh Vân – cô gái còn trẻ măng, một UNV đã  tình nguyện làm giáo viên từ mấy tháng nay. Dù mưa gió bão bùng, nhưng tối nào Vân cũng đến lớp đúng giờ, giữa học viên với các cô giáo đã dấy lên tình thân như ruột thịt.

Câu hỏi lớn giữa đêm lạnh

Sau buổi sinh hoạt, chị Vân lại về với túp lều dưới chân cầu Hạc Long. Túp lều nhỏ ấy sắp  bị chủ lấy lại, không cho thuê nữa. Mẹ con chị biết đi đâu?  Mẹ chị cũng chẳng thể giúp chị khi mà bà cũng đang phải nuôi một đứa con có HIV và một đứa khác còn ở tù.

Chị vẫn chưa dám đi xét nghiệm nhưng niềm hy vọng mong manh dường như đã tan vỡ khi gần đây chị sút mất năm cân. Các con chị vẫn đi lang thang nhưng chúng sẽ về đâu khi chị không còn nữa?

Đêm khuya, dưới chân cầu Hạc Long, một người đàn bà nằm bên lề đường, nước mắt ướt đầm, thức trắng với những câu hỏi đó. Hỏi mà không thể trả lời.

Huệ – anh hùng châu Á - cũng chẳng thể trả lời.Thân thiết với chị Vân còn hơn cả ruột thịt, mỗi lần qua túp lều đó, Huệ cố kìm nước mắt. Chẳng biết làm thế nào để giúp được mẹ con người đàn bà bất hạnh này một chốn nương náu khi mùa đông đã đến.

Đến nhờ cậy, chính quyền địa phương cũng mủi lòng, bảo: nếu chị Vân có đất thì sẽ sẵn sàng xây tặng một căn nhà. Chị đang phải ngủ bên đường làm sao có nổi đất ở thành phố Hải Phòng?  Thêm một lần Huệ buồn và bất lực. Dù ai đó có hỏi: Anh hùng châu Ấ mà bó tay sao?

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).