Người phụ nữ gần 2.000 ngày nước mắt nơi xứ người

Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Ất Mùi, có lẽ đây là cái Tết mong chờ nhất bên gia đình trong đời người đàn bà truân chuyên.
Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Ất Mùi, có lẽ đây là cái Tết mong chờ nhất bên gia đình trong đời người đàn bà truân chuyên.
Giờ đây chị Thanh đã trở về trong vòng tay của gia đình nhưng đó là một cuộc hành trình gần 2.000 ngày thấm đẫm nước mắt nơi xứ người…

Để bảo vệ tương lai của người phụ nữ bất hạnh này, tôi xin gọi nhân vật của mình là chị Thanh. Chị Thanh (27 tuổi) ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) là nạn nhân một vụ buôn bán phụ nữ. Giờ đây chị đã trở về trong vòng tay của gia đình nhưng đó là một cuộc hành trình gần 2.000 ngày thấm đẫm nước mắt nơi xứ người…

Sông Hồng mùa này vào mùa khô nhưng đoạn chảy qua huyện Trấn Yên vẫn mênh mông và ngầu đỏ. Nhà chị Thanh nằm cheo leo trên một đỉnh đồi xơ xác. Đến giữa trưa, hai cha con chị Thanh mới chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng đi khai báo ở trên xã về. Câu chuyện với chúng tôi luôn đứt đoạn theo tiếng nấc như hành trình chìm nổi chị tìm về với mẹ…

Đầu tháng 12/2009, chị bị chính người yêu của mình tên là Đinh Văn Phòng ở cùng xã rủ rê, chị bỏ dở dám cưới của cô em họ, đi tàu lên Lào Cai kiếm tiền làm đám cưới. Cánh cửa địa ngục cuộc đời chị cũng mở ra từ đó. Chị bị đánh thuốc ngủ, đến khi tỉnh dậy trên xe ôtô với toàn người xa lạ, họ nói những ngôn ngữ xa lạ, ở một đất nước xa lắc, chị mới biết mình bị bán sang Trung Quốc. Quá hoảng loạn, chị khóc lóc van xin được về nhà và không ít lần cố chạy trốn nhưng chỉ nhận lại những cái tát trời giáng.

Ban đầu chị bị bán cho một quán rượu, bà chủ quán bóc lột sức lao động của chị rất thậm tệ. “Dù có ốm thì hằng ngày tôi vẫn phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị nấu nướng, rồi còn bưng bê, dọn dẹp đến tận khuya mà chỉ được ăn thức ăn thừa của khách. Có lần khách say rượu, giở trò sàm sỡ, tôi phản kháng lại thì bị bà chủ túm tóc đánh chửi ngay tại quán, đến khi máu me đầm đìa mới thôi”. Chị Thanh buồn bã vén tóc qua mang tai, chỉ cho chúng tôi cái sẹo khá to ngay trên xương hàm.

Không chịu nổi những trận đòn của chủ quán rượu, một đêm nhân lúc chủ quán say rượu, chị trốn đi. Chị viết tên mình, quê quán bằng tiếng Việt ra mảnh giấy, gặp ai thấy tử tế chị cũng chìa ra hỏi, nhưng chẳng ai đọc được nên họ cũng chẳng thể giúp chị tìm đường về quê. Chị lang thang làm bất cứ việc gì người ta thuê mướn, không biết tiếng, thân con gái nơi xứ người, chị tiếp tục bị đánh đập, hành hạ không biết bao nhiêu lần.

Sau nhiều tháng ngày lưu lạc, chị may mắn được một người đàn ông dân tộc Mông tên Hổ Sao Chẻn mua về làm vợ. Mặc dù vậy, người chồng không hôn thú ấy đi làm ăn xa biền biệt, có khi mấy tháng mới về nhà một lần. Lúc sinh cậu con trai Hổ Chàng, một mình chị vẫn phải tự nấu nướng, giặt giũ, kiếm tiền nuôi con. Một thân một mình nơi đất khách, sức khỏe yếu, lại không thể kiêng khem, thiếu kinh nghiệm, chị ốm thập tử nhất sinh. “Khổ nhiều cũng phải quen. Cái cảm giác ốm đau, cô độc giết tôi mỗi ngày. Nhưng vì đứa con và nhớ về bố mẹ, anh chị em ở quê, tôi lại có thêm nghị lực để sống”.

Khi con trai được 3 tuổi rưỡi, Sao Chẻn mới đưa vợ con đáp tàu hoả 2 ngày, 1 đêm tới nhà chị họ của anh ta làm chứng minh thư giả cho chị Thanh, ý định làm giấy khai sinh cho con đi học nhưng sự giả dối này bị Công an Trung Quốc phát hiện. Chị bị tống giam. 5 ngày bị còng tay, không được thay quần áo, không được gặp chồng con, chỉ được ăn hai bữa một ngày với cơm nát và rau bắp cải xào, chị hoang mang vô độ không biết số phận mình sẽ ra sao. Nhưng trong cái rủi có cái may, chị được cơ quan chức năng sở tại xếp vào thành phần trao trả. Vậy là chị được đưa đến khu vực biên giới, bàn giao cho Công an tỉnh Lai Châu - nơi gần nhất với chỗ chị bị bắt giữ...

Năm năm lưu lạc là cái giá quá đắt cho lòng tin dại khờ. Gã người yêu táng tận lương tâm Đinh Văn Phòng sau đó cũng bị bắt, phải lãnh án 8 năm tù. Tội ác phải trả giá, nhưng giờ đây những năm tháng bị đọa đầy lưu lạc của chị thì không ai bù đắp nổi. Trông chị gầy gò, tiều tụy và già dặn hơn rất nhiều so với tuổi 26. Dù vậy, thế vẫn là may mắn hơn rất nhiều người đồng cảnh ngộ khi chị còn được trở về quê cha đất tổ.

Lang bạt nhiều nơi trên đất khách giữa cộng đồng đủ các dân tộc ở Trung Quốc cho đến bây giờ chị cũng chỉ nói được vài câu giao tiếp hằng ngày. Chị cũng không nhớ nổi nơi mình cư trú là đâu, chỉ biết đó là một vùng đồi núi, dân cũng nghèo đói và khó khăn. Gần 2.000 ngày bị đọa đầy, bị đánh đập đã ảnh hưởng đến một phần trí nhớ của chị. Ngay cả tiếng mẹ đẻ, đôi khi chị phải nghĩ khá lâu mới ra được từ để diễn đạt cảm xúc của mình.

“Được về Việt Nam, tôi mừng vì thỏa được ước nguyện, nhưng còn đứa con, mình làm mẹ, day dứt lắm vì không thể mang con theo về, đây là nỗi đau đớn nhất của tôi…”, chị Thanh ôm mặt nức nở.

Theo Anh Thư
Theo Công An Nhân Dân
MỚI - NÓNG