Người phụ nữ nhặt gần 5 lượng vàng trong đống rác

Chị Mai đang chờ công an giải quyết số vàng nhặt được. Ảnh: Phúc Hưng.
Chị Mai đang chờ công an giải quyết số vàng nhặt được. Ảnh: Phúc Hưng.
Hơn một năm giao nộp gần 5 lượng vàng nhặt được trong lúc phân loại rác, nữ công nhân vệ sinh chưa được nhận tài sản này dù công an không tìm được chủ sở hữu.

Ngày 4/8/2014, trong lúc phân loại rác, chị Phạm Tuyết Mai (35 tuổi) - công nhân Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau - nhặt được ví da có một vòng vàng, 4 dây chuyền, 3 mặt dây lớn nhỏ, 10 nhẫn, 3 đôi bông tai, một mặt dây chuyền bị gãy... Chị thông báo với các đồng nghiệp và cất đi. Tuy nhiên, ít phút sau, lãnh đạo nhà máy đến lập biên bản giữ số vàng này.

"Tôi không đồng ý giao lại cho nhà máy. Bởi tôi nghĩ nếu có trả thì phải trả cho người mất nên giao nộp cho công an", nữ công nhân kể. Tổng cộng số vàng chị Mai giao nộp gần 5 lượng (2 chỉ vàng 24K và 4,7 lượng vàng 18K). 

Ngày 15/8/2014, Công an TP Cà Mau đăng tin tìm chủ sở hữu số tài sản nhưng đến nay chưa có ai đến nhận. "Tôi có đơn yêu cầu được nhận phần tài sản nhặt được. Công an TP Cà Mau hẹn ngày 16/9 đến giải quyết", chị Mai nói.

Theo chị Mai, vài ngày sau khi nhặt được vàng chị bị công ty cho nghỉ việc. Chồng bệnh viêm khớp không làm được nặng, chị đang là trụ cột trong gia đình bỗng nhiên mất việc nên cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Từ đó đến nay chị phải đi làm thuê ở nhiều nơi để lo cho chồng con.

Theo văn bản trả lời chị Mai của Công an TP Cà Mau, số tài sản sẽ được áp dụng theo khoản 2 Điều 241 Bộ luật Dân sự: "Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được".

"Nếu vật có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước".

Tuy nhiên, luật sư Lê Thanh Thuận (TP Cà Mau – người hỗ trợ pháp lý miễn phí cho chị Mai) cho rằng, trong trường hợp này nên áp dụng Điều 239 của Bộ luật Dân sự. Theo đó, người phát hiện vật không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật.

"Việc Công an TP Cà Mau giải quyết theo khoản 2 Điều 241 Bộ luật Dân sự thì không ổn bởi chị Mai phát hiện tài sản trong rác chứ không phải nhặt nên phải áp dụng điều 239", luật sư Thuận nêu thêm.

Hơn một năm trước, trong lần đi mua ve chai chị Huỳnh Thị Ánh Hồng mua được chiếc loa cũ bên trong có 5 triệu yen. Chị sau đó giao số tiền cho Công an quận Tân Bình. Ngày 28/4/2014, cơ quan này đã đăng tin tìm chủ sở hữu.

Một năm sau chị Hồng xin nhận lại tiền thì công an cho biết bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi) có đơn cho rằng 5 triệu yen là của chồng bà - ông Afolayan Caleb (48 tuổi, quốc tịch Nam Phi) để quên trong thùng loa. Công an quận Tân Bình phải gia hạn việc giải quyết để xác minh yêu cầu của bà Ngọt.

Nhà chức trách sau đó xác định chồng bà Ngọt đã sử dụng hộ chiếu giả để vào Việt Nam và làm việc cho công ty "ma". Từ đó cơ quan này bác yêu cầu của bà Ngọt. Ngày 2/6 vừa qua, Công an quận Tân Bình đã ra quyết định trả lại toàn bộ 5 triệu yen cho chị Hồng.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.