“Người rừng” giữ thông đỏ

Trở về sau cuộc chiến chống Fulro, ông K’Ten luôn đau đáu với rừng già.
Trở về sau cuộc chiến chống Fulro, ông K’Ten luôn đau đáu với rừng già.
TP - Trở về sau cuộc chiến chống Fulro với thương tích đầy mình, ông K’Ten (60 tuổi, dân tộc K’Ho) vẫn đau đáu với núi rừng, bởi ông cùng đồng đội đã được núi rừng che chở. Với tâm nguyện trả nghĩa cho rừng, ông cùng vợ dọn hẳn vào bìa rừng ở để chống lâm tặc, bảo vệ quần thể thông đỏ quý hiếm hàng chục năm nay.

“Người rừng” K’Ten

Sinh ra và lớn lên ở thôn Bông Liêng, thị trấn Ðinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Ðồng, ông K’Ten giác ngộ cách mạng khi mới 17 tuổi. Ðến năm 20 tuổi, ông lấy vợ và chuyển về thôn Ka Long, xã Hiệp An, huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng sinh sống. Khi ấy, một lực lượng của tổ chức phản động Fulro từ Campuchia về hoạt động tại khu vực Tây Nguyên. Chúng lôi kéo nhiều người dân tộc thiểu số vào rừng chống đối, phá hoại nhà nước. Từ khi chuyển về Ðức Trọng ở, ông K’Ten trực tiếp tham gia hoạt động tại khu căn cứ cách mạng núi Voi để tiếp tục chiến đấu chống Fulro, bảo vệ dân làng.

Ngồi trong căn chòi gỗ đơn sơ với vài cái nồi méo xẹo, ông K’Ten cho biết, đây là nơi vợ chồng ông sinh sống hơn chục năm qua. Dù có nhà ở dưới làng nhưng ông quyết định lên bìa rừng ở để tiện cho việc bảo vệ rừng, bảo vệ quần thể thông đỏ quý hiếm trước bọn lâm tặc. Ông K’Ten kể, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1975, với vai trò của một người tổ trưởng lực lượng vũ trang, ông K’Ten đã trực tiếp tham gia tiêu diệt nhiều căn cứ của Fulro trên địa bàn huyện Ðức Trọng và đã lập nhiều thành tích. Ðến năm 1981, trong một lần bị đột kích ở suối đá Tà Rèn gần khu vực thác Prenn, một mình ông K’Ten đã chiến đấu với 5 tên Fulro, dù hạ được cả 5 tên nhưng ông K’Ten cũng bị đạn bắn trúng, sau đó được đồng đội cứu đưa về với thương tích hạng 4/4.

Dù bị thương nhưng ông tiếp tục sát cánh cùng đồng đội chiến đấu cho đến khi căn cứ cuối cùng của quân Fulro bị tiêu diệt vào năm 1986. Ông K’Ten được Trinh sát vũ trang Công an huyện Ðức Trọng chuyển về trông coi hơn 32ha rừng, trong đó có quần thể cây thông đỏ tại khu vực núi Voi, thuộc huyện Ðức Trọng. Từ đó đến nay đã hơn 30 năm, ông len lỏi qua những cánh rừng, leo từng con dốc… ngày đêm tuần tra trông coi, bảo vệ an toàn quần thể thông đỏ đặc biệt quý hiếm. Cũng từ đó, gần như ông sống hẳn trong rừng, ít khi xuống núi dù có nhà ở trong làng.

Gian nan giữ rừng

Cây thông đỏ được liệt vào danh sách thực vật quý hiếm bậc nhất và có giá đắt đỏ bậc nhất, trở thành mục tiêu săn lùng của lâm tặc. Chính vì thế, cuộc sống của gia đình ông K’Ten thường xuyên bị lâm tặc dọa giết, phá hoại tài sản.

Ông K’Ten kể, hàng chục năm bảo vệ rừng, không biết bao nhiêu lần ông bị lâm tặc đe dọa, vợ con ông nhiều lần can ngăn, kêu ông bỏ việc bảo vệ rừng nhưng ông không nhượng bộ. Gần như ngày nào ông cũng len lỏi vào rừng nên ông thuộc như lòng bàn tay những nơi nào có cây thông đỏ. “Ðã xác định bảo vệ rừng, sống để trả nghĩa cho rừng dù có chuyện gì xảy ra thì mình cũng không hề hối tiếc”, ông K’Ten dứt khoát.

Nhớ lại một lần suýt chết dưới tay lâm tặc, ông K’Ten kể: “Chúng quật mình xuống đất đánh túi bụi rồi lấy cây xà beng dài gần 2m đè lên cổ, may mà mình vùng dậy được rồi quăng xe tháo chạy khỏi bìa rừng chứ không giờ này chắc mồ xanh cỏ rồi”.

 “Người rừng” giữ thông đỏ ảnh 1

Bữa cơm đạm bạc của vợ chồng ông K’Ten nơi bìa rừng.

K’Ten cho biết, hiện ông đang bảo vệ quần thể 57 cây thông đỏ trong đó có những cây được cho là có tuổi thọ cả ngàn năm. Ðể đến được với quần thể thông đỏ, phải mất hơn 30 phút chạy xe máy men theo con đường dốc thẳng đứng, trơn trượt. Những cây thông đỏ có đường kính gần 2m, cao vun vút, thẳng đứng nổi trội giữa cánh rừng già nguyên sinh. Ðó chỉ là những cây nhỏ, vào sâu hơn, những cây thông cả nghìn năm tuổi có đường kính chục người ôm. Ðể bảo vệ quần thể quý hiếm này, gần như ngày nào ông cũng vượt hàng chục km đường rừng để tuần tra. “Một tuần ít nhất cũng 5 ngày leo núi, để kiểm tra, bảo vệ thông đỏ. Càng đi mình thấy càng khỏe, thế người ta mới gọi mình là người rừng”, ông K’Ten nói.

Ông kể tiếp, trước đây khu vực núi Voi có rất nhiều cây thông đỏ, đặc biệt là ở độ cao trên 2.000 m so với mặt nước biển. Tuy nhiên, thời điểm trước năm 2005, công tác bảo vệ rừng còn yếu nên lâm tặc tàn phá, khai thác rừng thông đỏ cổ thụ để lấy gỗ. Nhiều cây thông đỏ có đường kính gốc lên tới 2 đến 3 m, tuổi hàng nghìn năm bị chặt hạ không thương tiếc.

Vì thế những người đứng ra bảo vệ rừng, bảo vệ thông đỏ theo ông K’Ten là phải kiên cường, dũng cảm, không sợ chết mới đủ dũng khí đối đầu với lâm tặc. Dù vậy, vợ con ông vẫn luôn mất ăn mất ngủ lo lắng cho an toàn của gia đình khi liên tục bị lâm tặc khủng bố. “Có lần chở vợ đi khám bệnh, chúng chặn đường đánh mình một trận rồi yêu cầu không được trông rừng thông nữa, nếu không chúng giết. Về nhà vợ con khuyên tôi không lên núi nữa nhưng tôi nói không thể bỏ được, rừng đã che chở cho mình, giờ mình phải bảo vệ rừng. Nếu sợ thì không làm, còn làm thì chả sợ gì nữa”.

Bỏ ngoài tai lời đàm tiếu

Cuộc sống của vợ chồng K’Ten ngày ngày phải đối mặt với những lời đàm tiếu, đặc biệt là những những người bị ông ngăn không cho vào phá rừng. Khuyên mãi nhưng vẫn không làm ông K’Ten đổi ý rời rừng “xuống núi”, vợ con ông đành thuận theo làm điểm tựa cho “người rừng” khi chấp nhận dựng chòi gỗ cùng ông sống nơi bìa rừng.

Chị Ka Hảo (con gái ông K’Ten) rơi nước mắt mỗi khi nhắc đến công việc của bố mình và những hiềm khích, đàm tiếu của kẻ xấu với gia đình khi ông kiên quyết bảo vệ rừng. Lập gia đình sớm và đã có hai con nhưng tình duyên lận đận, Ka Hảo phải đi làm thuê để kiếm tiền lo cho hai đứa con. Nhiều lúc mệt mỏi, chị muốn đi bước nữa để tìm chỗ dựa. Nhưng miệng đời chua chát, cứ có người tìm đến với chị thì người ta lại đàm tiếu, nói xấu đủ điều cũng từ cái cớ bố "gàn, dở" giữ rừng.

Ðã bao lần ông bị đánh, bị dọa giết, dọa đốt nhà. “Vì công việc mà không biết bao lần bố tôi gặp nguy hiểm, bị đánh đập. Quá nhiều lời đàm tiếu với gia đình, họ nói bố tôi phá hoại việc làm ăn của họ. Ðặc biệt họ dựng chuyện, thêu dệt khi bố bảo vệ rừng thông đỏ, ngăn đồng bào lên phá rừng làm rẫy, lấy gỗ”, chị Ka Hảo nói.

Còn bà Ka Khuy, vợ ông K’Ten đành chấp nhận đồng hành cùng chồng nơi bìa rừng. Sống chung trong căn chòi nhỏ suốt hơn 20 năm qua, bà Ka Khuy cũng bao phen ngậm đắng nuốt cay cùng chồng. “Căn chòi có vài cái nồi cũ mà cũng bị bọn họ vào lấy trộm, đập nát. Nhiều lần tôi nói ổng nghỉ đi, đừng làm nữa. Ổng bảo không có tiền ổng cũng làm”, bà Ka Khuy nói.

Bà Ka Khuy kể, cách đây mấy năm, khi lâm tặc lên rừng ồ ạt bị ông K’Ten ngăn cản, họ hận thù nhưng không làm gì được vợ chồng ông đành quay sang phá hoại tài sản, bỏ thuốc sâu làm chết hết hồ cá của gia đình. Bà Ka Khuy nói: “Ngày nào ổng cũng vác ba lô lên rừng, đối mặt với hiểm nguy. Nhiều lúc mình thấy tủi thân, chạnh lòng lắm. Thấy ông tâm huyết quá thì mình cũng cố gắng thôi, ủng hộ ông hết mình để làm điểm tựa tinh thần mỗi khi ổng thấy khó”.

Những cây thông đỏ có đường kính gần 2m, cao vun vút, thẳng đứng nổi trội giữa cánh rừng già nguyên sinh. Đó chỉ là những cây nhỏ, vào sâu hơn, những cây thông hàng nghìn năm tuổi có đường kính cả chục người ôm. Để bảo vệ quần thể thông đỏ quý hiếm, gần như ngày nào ông cũng vượt rừng núi để tuần tra.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.