Người tìm đồng đội trong lòng đất

Người tìm đồng đội trong lòng đất
TP - Suốt gần 10 năm trời kể từ khi cởi áo lính, ông dùng đồng lương hưu ít ỏi lặn lội khắp các nghĩa trang ở chiến trường xưa để tìm đồng đội, báo về cho thân nhân của họ...       
Người tìm đồng đội trong lòng đất ảnh 1
Đại tá Cao Xuân Đại (mặc quân phục) cùng đồng đội cũ Võ Mai Phong bên tấm sơ đồ xác định mộ phần liệt sĩ của Tiểu đoàn

Còn nhớ buổi sáng hôm đó, một người đàn ông trạc 60 tuổi vóc dáng gầy nhỏ nhưng nhanh nhẹn cầm tờ Tiền Phong Chủ nhật số ra ngày 24/7/2005 tìm đến gặp tôi tại Văn phòng đại diện báo tại Đà Nẵng.

Ông chỉ vào bài báo Người dũng sĩ trở về từ cõi chết của tác giả Nguyễn Hữu Dy viết về dũng sĩ Lê Văn Chớ, giọng run lên vì xúc động: “Đồng đội của tôi đây, trận đánh ngày ấy của chúng tôi đây mà!”. Ông là đại tá Cao Xuân Đại, quê ở xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Trong trận đánh chiếm điểm cao 440 tại Động Chiên Giòng – Tây Nam (Hải Lăng, Quảng Trị) lúc 0 giờ ngày 18/5/1970 mà TPCN kể lại, ông Đại cũng có mặt, là Thiếu úy, đại đội phó đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 812, Sư đoàn 324 hai lần Anh hùng.

Câu chuyện giữa chúng tôi sau đó được tiếp nối tại nhà ông ở cuối đường Trưng Nữ Vương – một góc “phố nhà binh” của Đà Nẵng. Gia đình ông đang có một người đồng đội cũ từ Quảng Bình tới chơi, đó là dũng sĩ diệt xe tăng đầu tiên trên Đường 9, cựu Thượng úy Võ Mai Phong. Trong trận đánh chiếm cứ điểm 440 kể trên, ông Phong là Trung uý, đại đội trưởng đại đội 2, Tiểu đoàn 4.

Cứ thành thông lệ nhiều năm nay, ngày 30/4 và 27/7  hàng năm, nhà ông Đại lại quây quần những đồng đội cũ đến từ khắp nơi. Ông chỉ lên bức tường góc nhà, chất giọng Hà Tĩnh bùi ngùi: “Cách đây mấy hôm nơi này còn đặt bàn thờ Tiểu đoàn trưởng của chúng tôi, đại uý Phùng Văn Phức, nhưng vừa rồi đã tìm được người thân của anh ấy rồi. Mừng lắm chú ơi!”.

Câu chuyện là cả một khúc ca bi tráng về người lính. Sáng 30 Tết Mậu Thân 1968, binh nhất Cao Xuân Đại hồi hộp đón cái Tết đầu tiên của đời lính tại chiến trường Quảng Trị.

Cả Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 812) với 600 người đều hiểu sau bữa ăn Tết sớm này là trận chiến khốc liệt. 0 giờ ngày Mồng Một Tết 1968, Tiểu đoàn 4 xuất kích, cùng với các mũi giáp công khác của Trung đoàn 812 đánh vào thành Quảng Trị, toà thị chính, ty cảnh sát nguỵ, sân bay Đồng Lâm, nhà máy đèn...

Trận chiến diễn ra khốc liệt trên từng góc thành, từng vuông cỏ. Khi tiếng súng tạm ngưng, cả Tiểu đoàn 4 thiệt hại nặng nề.

Năm 1994, rời quân ngũ, Đại tá cựu chiến binh Cao Xuân Đại vẫn trăn trở không biết những đồng đội Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 của ông giờ đang nằm ở phương nào.

“Mình sống để trở về, có gia đình vợ con thế này, còn anh em ra đi hết, thử hỏi làm sao có thể nguôi ngoai. Có sống thêm bao nhiêu cuộc đời nữa cũng đâu đủ trả lại hết món nợ ấy ...”. 

Ông bắt đầu hành trình đi khắp các nghĩa trang để tìm đồng đội. Cho tới một trưa đầu tháng 7/1997, ông cùng Thiếu tướng Minh Long trên đường rong ruổi tìm đồng đội đã ghé vào Nghĩa trang huyện Phong Điền (TT-Huế) để thắp hương.

Chợt phát hiện cái tên quen thuộc của tiểu đoàn trưởng Phùng Văn Phức trên bia mộ, ông chợt run lên rồi đổ sụp xuống. Lần hồi sờ từng tấm bia, ông và tướng Minh Long cùng bật khóc như những đứa trẻ khi nhận ra gần như cả Tiểu đoàn 4, cả Đại đội 2 thân yêu đã được quy tập lại gần như nguyên vẹn sắp hàng đều tăm tắp nơi đây. Đêm ấy, ông ở lại với những đồng đội cũ.

Cũng từ hôm ấy, ông bắt đầu ghi chép cẩn thận tên tuổi, quê quán của từng anh em, riêng liệt sĩ của Trung đoàn 812 đã lên tới 720 người. Danh sách ấy cứ dài dần, liệt sĩ của Sư đoàn 324 ông đi tìm và ghi lại được lên tới 1.250 người.

Ròng rã nhiều năm sau đó, ông vừa tiếp tục tìm kiếm liệt sĩ của đơn vị tại các nghĩa trang khác, vừa viết thư báo về địa phương và gia đình của 242 đồng đội cũ, kèm theo cả ảnh chụp bia mộ để làm tin.

Rất nhiều gia đình đồng đội từ những miền quê đã đến nhà ông để nhờ đưa đi bốc mộ người thân về quê.

Thêm một chút thanh thản trong lòng người lính chiến già mỗi khi thêm một đồng đội cũ tìm về được với gia đình người thân. Và ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình kiếm tìm đồng đội của mình. Đã từ nhiều năm nay, cứ đến mùng 6/2, gia đình ông lại tổ chức ngày giỗ chung cho toàn đơn vị.     

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.