Người trở về từ đáy biển

Nguyễn Văn Nòi: Em chỉ muốn sẽ quay về với biển.
Nguyễn Văn Nòi: Em chỉ muốn sẽ quay về với biển.
TP - Trong tích tắc, cả con tàu bị lật úp, nước tràn vào như thác. Là người duy nhất trên tàu còn thức, anh chỉ kịp hét lên: “Tàu lật!”. Mọi thứ xung quanh như vô định. Nước òng ọc, sùng sục, lạnh tê tái trùm lên khiến con tàu chìm nghỉm, cùng 7 ngư dân đang say giấc nồng sau một đêm vất vả buông lưới.

Chuyến ra khơi định mệnh

Đã hơn 1 tháng thoát chết từ đáy biển trở về, mặc dù được dân làng xem như người hùng, nhưng Nguyễn Văn Nòi (1992), xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót khi nhắc lại thảm nạn chìm tàu hôm 15/2, làm 3 người mất tích trên biển Vịnh Bắc Bộ.

Tàu của anh Nguyễn Ngọc Hải mang số hiệu QB 92671 TS cùng 3 tàu bạn chọn ngày đẹp ra khơi cho mùa biển mới. Sau 3 ngày đêm vượt sóng cả, đêm 14/2 tàu buông vạt lưới đầu tiên được gần 2 tạ cá. Đến rạng sáng 15/2 có gió mùa, sóng lớn nên anh Hải quyết định neo tàu, vừa tránh sóng lớn, vừa cho anh em nghỉ ngơi sau một đêm vất vả buông lưới. Đến 8 giờ sáng ngày 15/2, tàu gặp nạn.

“Tôi chỉ nghe ầm một cái, đầu va vào cánh cửa như bị ai ném đi. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì nước tuôn vào ào ạt. Toàn thân lạnh toát, tôi mơ hồ nhận ra con tàu đang chìm. Tôi liền nghĩ đến thằng Sơn, nó ngủ dưới khoang máy, không biết có kịp thoát ra không?” - Hai hàng nước mắt anh Nguyễn Ngọc Hải (thuyền trưởng) giàn giụa trên khóe mắt thâm quầng khi nhắc đến người con trai đã mất trong thảm nạn.

“Gió to, sóng lớn lắm, trời có mưa nên rất lạnh. Khi đứng trên boong, em thấy tàu hơi nghiêng. Nghĩ do sóng lớn đánh nên nghiêng tàu, em lại quay vào ca bin. Vừa đóng cánh cửa thì bị ngã nhào, nước tràn vào như thác. Em chỉ kịp hét lên: “Tàu lật!”. Vật lộn, quờ quạng, mò mẫm, khi tàu gần chạm đáy biển em mới ngoi lên được mặt nước cùng 4 bạn tàu” - Nòi kể về vụ tai nạn.

Những con sóng cao hơn mái nhà liên tục vồ lấy, giữa một khoảng không xám xịt mây đen, 5 chấm nhỏ cứ bơi theo dòng nước trong vô vọng. Nguyễn Ngọc Hải (thuyền trưởng), Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Nòi, Nguyễn Văn Tọa may mắn tìm được những mảnh ván gỗ bám vào. Chiếc phao duy nhất được nhường cho ông Nguyễn Văn Bợi một thành viên trên tàu, vì ông tuổi đã cao. “Mưa to rồi sóng lớn nên mọi người chỉ biết bơi xuôi theo dòng nước. Bơi được khoảng 15 phút thì dừng lại vì toàn thân như tê cứng do quá lạnh. Cũng lúc đó, bọn tôi phát hiện ra ông Bợi đã biến mất, chỉ còn lại chiếc phao. Tôi vừa nghĩ may lắm chỉ sống thêm được vài chục phút. Không chết lạnh thì cũng đuối sức mà chết” – Anh Nguyễn Văn Nghĩa bồi hồi nhớ lại.

Trước tình thế nắm chắc phần chết, mọi người đề nghị buộc dây vào tay nhau, để sau này còn có cơ hội tìm thấy xác. Nòi luôn động viên, khích lệ anh em cùng bơi. “Trong đầu em lúc đó chỉ nghĩ đến một từ “phải sống” nên em cứ bơi dù toàn thân tê dại. Em biết, chỉ cần dừng lại, máu sẽ không lưu thông, là đồng nghĩa với chết” – Nòi nói.

Con tàu gặp nạn lúc 8 giờ sáng, 4 ngư dân cùng 4 tấm ván của nắp hầm đá lênh đênh trên biển. Sóng nhồi, mưa rát mặt, lạnh buốt xương tủy nhưng họ cứ bơi với một hy vọng sống mong manh. Sức khỏe bị vắt kiệt nhanh hơn trong cái lạnh của biển, sự đau đớn cùng cực khi vừa mất đi người thân, bạn tàu. Họ chỉ bơi, nhưng càng bơi càng càng vô vọng. Biển cả bao la, biết đâu là bến bờ!

Đến 11 giờ trưa, trong mưa gió dần xuất hiện 1 chiếc tàu từ xa. Khoảng cách để đến được con tàu đó còn hơn một hải lý, một khoảng cách dài dằng dặc của 4 cơ thể đã tê dại vì lạnh. “Nhìn con tàu kia mà chỉ ứa nước mắt, nó quá xa để anh em tôi có thể bơi đến. Gió tạt mạnh và nước đang xuôi, giữ cho người khỏi chìm đã khó đừng nói chi đến chuyện bơi ngược dòng” – Anh Hải nói.

Người trở về từ đáy biển ảnh 1

Anh Nguyễn Ngọc Hải (thuyền trưởng, bìa phải) kể chuyện Nòi cứu anh em bạn tàu.

Trong tình thế đó, Nòi đã có một quyết định táo bạo mà cho đến bây giờ cả 4 người trở về đều không thể hiểu vì sao Nòi lại làm được như vậy. Quyết định tách nhóm, một mình bơi đến chiếc tàu. Nòi cởi phăng chiếc áo và quần dài để bơi nhanh hơn. Trước khi tách nhóm, Nòi quay lại cố động viên: “Để em gọi người cứu”. Sau 1 tiếng cật lực vật lộn giữa sự sống và cái chết, đến 12 giờ, Nòi đã lên được tàu. Câu đầu tiên Nòi kịp hét lên: “Cứu anh em tui với, phía sau còn 3 người”. Thật may mắn vì chiếc tàu đó không ai khác, chính là 1 trong 4 tàu cùng ra khơi ngày mồng 4 tết. Họ dùng dao chặt phăng dây neo, rồ ga hướng đến 3 người gần như thoi thóp trong dòng nước lạnh ngắt. Sau khi được đưa lên tàu, cả 4 người bầm tím vì lạnh nhanh chóng được bạn tàu sơ cứu.

Con tàu rồ ga hơn 4 hải lý để quay lại điểm xảy ra tai nạn, tìm kiếm trong hy vọng mong manh. Nhưng chỉ còn lại một màu trắng xóa của sóng biển, những cột sóng cao như chực vồ lấy con tàu bé nhỏ. Họ may mắn trở về, 3 ngư dân mất tích đã không thể tìm thấy. “Lúc ở dưới nước nghĩ đến người thân và những bạn tàu đang đuối sức phía sau, em như thấy mình mạnh hơn. Em bơi và chỉ biết bơi để tự cứu mình, cứu anh em. Hình ảnh con thuyền lật úp rồi chiếc phao trống của ông Bợi cứ ám ảnh em. Giá như em phát hiện sớm hơn thì đã không đến nông nỗi này” - Nòi tự dằn vặt mình.

Sẽ vẫn quay lại biển

Nòi là anh cả của gia đình 5 anh em. Bố mẹ làm nghề buôn bán tạp hóa trong làng. Cả gia đình không ai làm nghề biển, không hiểu sao ngay từ nhỏ Nòi đã thích ngụp lặn trong sóng biển. Lên 13 tuổi, Nòi xin đi theo tàu ra khơi đánh cá.

Hơn chục năm ra khơi vào lộng, không ít lần gặp sóng to gió lớn, nguy hiểm cận kề, nhưng Nòi không bỏ nghề, chỉ mong kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. “Càng ngày biển càng khan, làm tối mặt cả năm may lắm cũng được 30 - 40 triệu, có chuyến về tay không lỗ vốn. Nhưng lỗ vốn còn may, đôi khi phải trả bằng mạng sống” - Nòi buồn rầu tâm sự.

Trong căn nhà cấp 4 chỉ độc chiếc giường và một số vật dụng đơn sơ, ánh mắt của cô vợ trẻ Hoàng Thị Huệ vẫn chưa hết bàng hoàng. “Cả tháng nay anh Nòi cứ như người mất hồn, không ngủ, không nói, thỉnh thoảng lại ra bờ biển ngồi đến tối muộn mới về, em lo lắm” - chị Huệ chia sẻ. Nòi lấy vợ được 3 năm, nhưng vì hoàn cảnh nên hai vợ chồng quyết định chưa sinh con. Ngôi nhà đang ở được thuê lại của người quen, cứ mỗi khi mưa gió, ngôi nhà lại lênh láng vì bị dột.

“Em may mắn được sống để trở về, còn gặp lại vợ và bố mẹ. Như anh Hải (thuyền trưởng) sống trở về nhưng mất mát của anh không thể đo đếm được. Con tàu là gia sản của gia đình anh đã chìm xuống đáy biển, kéo theo con trai cùng 2 người bạn tàu mất tích chưa tìm thấy xác” - Nòi rưng rưng nước mắt nói.

Sau hơn 1 tháng từ khi tai nạn xảy ra, gia đình những ngư dân gặp nạn vẫn chưa hết bàng hoàng. Cả bên nội, bên ngoại và vợ đều không muốn Nòi theo nghề biển nữa, nhiều lần khuyên can và cố tìm việc gần nhà để Nòi không còn nghĩ đến chuyện đi biển. “Nó mà còn đi biển là tôi từ, không có con cái, ba mẹ gì với nó nữa hết” - bà Nguyễn Thị Hải, mẹ Nòi tâm sự.

Những người bị nạn được Nòi cứu sống cho đến nay chưa một ai nghĩ đến chuyện đi biển, họ vẫn thường xuyên lui tới thăm hỏi và động viên Nòi. “Khoảng hơn tuần nay, thỉnh thoảng nó lại đưa qua nhà con cá. Nó nói: em xin làm bên cảng cá, đợi anh đóng tàu mới rồi anh em mình tiếp tục ra khơi. Tôi chỉ biết ngậm ngùi. Gia cảnh khó khăn, phải chạy miếng ăn từng bữa lấy đâu ra tiền đóng tàu mới ?”- Anh Hải tâm sự .

Người trở về từ đáy biển ảnh 2

Nòi hiện đang làm việc tại cảng cá Sông Gianh.

Sau mấy lần thử đi phụ hồ, phụ nề nhưng không phù hợp, Nòi đã xin về làm phụ kho cho cảng cá Sông Gianh. “Em chỉ thích làm nghề biển thôi. Không được ra biển thì cũng được hít hà vị mặn của biển, ngày ngày vẫn được ngửi mùi thơm của tôm cá”. Nòi tâm sự giọng nhẹ nhàng nhưng ánh mắt ngời lên, nói với tôi rằng: Nòi rất yêu biển. Cho dù nghề biển có những thăng trầm nhưng trong thâm tâm Nòi vẫn luôn muốn quay về với biển.

“Trong cái chết cận kề, chỉ có lòng dũng cảm và một ý chí kiên cường, sắt đá mới có thể vượt qua chính mình để giành giật sự sống cho mình cho bạn tàu. Tôi khâm phục ý chí của cậu ấy”- Anh Trần Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình nhận xét về Nòi. Vừa qua Tỉnh đoàn Quảng Bình đã khen thưởng và trao tặng giấy khen cho Nòi vì lòng dũng cảm, xứng đáng là tấm gương của tuổi trẻ Quảng Bình.

MỚI - NÓNG