Người trồng mía khóc bên nhà máy

Người trồng mía khóc bên nhà máy
TP - Mấy ngày qua, hàng trăm nông dân trồng mía ở huyện Thới Bình (Cà Mau) cầm đơn đến Xí nghiệp Đường Thới Bình thuộc Cty CP Mía đường Tây Nam “xin bán mía”. Còn ông Lê Văn Hiệu, TGĐ Cty CP Mía đường Tây Nam, nhăn nhó: “Chúng tôi phải ngừng sản xuất vì không có lựa chọn nào khác”.

Người trồng mía khóc

Thông báo phát đi từ Xí nghiệp Đường Thới Bình đơn vị này sẽ ngừng mua mía từ ngày 17/10. Ngay lập tức, hàng trăm người trồng mía đổ xô mang đơn đến Xí nghiệp ở ấp 1, xã Trí Phải (Thới Bình) xin được bán hết chí ít số mía đã trồng.

Dọc theo Quốc lộ 63 xuyên qua vùng mía huyện Thới Bình có các xã Trí Phải, Trí Lực, Biển Bạch, Biển Bạch Đông, Tân Bằng, đâu đâu cũng u buồn. Cả huyện còn khoảng 1.500 ha mía với sản lượng hàng trăm ngàn tấn mía cây. Chủ tịch UBND xã Trí Phải Đào Thị Phượng nói: “Chúng tôi vận động bà con trồng mía nguyên liệu cho Xí nghiệp, bây giờ khó ăn nói với bà con”. Ở xã Trí Lực còn 600 ha mía của gần 400 hộ, đang chờ trổ cờ, Chủ tịch UBND xã Huỳnh Văn Hùng cho biết: “Chúng tôi vận động nông dân giữ mía chứ không bỏ mía để nuôi tôm, ngờ đâu đã đẩy nông dân vào cảnh khốn đốn bây giờ”.

Cãi nhau về nước thải

Xí nghiệp Đường Thới Bình nguyên là Nhà máy Đường Thới Bình sống dở chết dở từ năm 1999. Năm 2010, nó được Cty CP Mía đường Tây Nam mua và TGĐ Lê Văn Hiệu cho biết, công nghệ sản xuất được thay đổi, bớt lượng nước thải ra môi trường, mỗi ngày đêm chỉ còn 80-120 m3. Đồng thời, xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 180 m3/ngày đêm, gấp 1,5 lần lượng nước thải cần xử lý.

Công nghệ cũ của Xí nghiệp thải ra môi trường 1.000 m3/ngày đêm và báo cáo đánh giá tác động môi trường trước đây theo con số đó. Cty Tây Nam đã có tờ trình đến Bộ TN&MT vào ngày 1/8/2011 xin điều chỉnh số nước thải cần xử lý cho phù hợp thực tế nhưng không được phúc đáp.

“Chúng tôi đã cùng với Cty CP Mía đường Tây Nam đề nghị Bộ TN&MT xem xét nhưng không có kết quả, nên sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng

Vì con số nước thải cũ mà cuối năm 2013, Thanh tra Bộ TN&MT xử phạt Cty Tây Nam 292,5 triệu đồng. TGĐ Hiệu nói: “Chúng tôi bị phạt oan nhưng vẫn đóng 50% tiền phạt và yêu cầu xem xét đúng thực tế”. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã đoàn cử cán bộ ra Hà Nội làm việc với Bộ TN- MT để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo TGĐ Hiệu tại buổi làm việc ở Hà Nội đại diện Bộ TN&MT đã hứa xem xét theo thực tế. Tuy nhiên đến ngày 6/10/2014, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến vẫn tiếp tục ký quyết định xử phạt hành chính Cty Tây Nam 360 triệu đồng. Ông Hiệu ngậm ngùi: “Ngưng sản xuất thì bà con trồng mía gặp rất nhiều khó khăn, vùng qui hoạch mía nguyên liệu sẽ bị phá vỡ nhưng chúng tôi không còn con đường nào khác vì nếu càng sản xuất sẽ càng bị phạt sạt nghiệp luôn”.

MỚI - NÓNG