Nguồn cảm hứng dân chủ năm 1946 và kinh nghiệm cho hôm nay

Các ĐBQH của Hà Nội (khóa I) ra mắt cử tri tại khu Việt Nam học xá (Trường ĐH Bách khoa ngày nay) tháng 1/1946. Ảnh tư liệu chụp lại.
Các ĐBQH của Hà Nội (khóa I) ra mắt cử tri tại khu Việt Nam học xá (Trường ĐH Bách khoa ngày nay) tháng 1/1946. Ảnh tư liệu chụp lại.
TP - Đã 70 năm trôi qua kể từ lần bầu cử đầu tiên ngày 6/1/1946, thế hệ từng chứng kiến, sống với khung cảnh náo nức thời đó nay đã ở tuổi xưa nay hiếm. Lần theo một vài bức ảnh tư liệu còn lại, chúng tôi gặp một số nhân chứng...

Mốc son

Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên diễn ra trên cả nước, kể cả vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Để thực hiện tính dân chủ, công khai, các ứng cử viên đã đi “tiếp xúc cử tri”.

Lần theo những bức ảnh tư liệu lịch sử, phóng viên Tiền Phong tìm về phường Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) gặp những nhân chứng nơi Bác Hồ và bác sĩ Trần Duy Hưng về dự mít tinh của nhân dân khi Người và các vị được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa I.

“Không khí sôi nổi, nhân dân đến rất đông. Từ bà già ốm yếu con cháu dắt đi, đến trẻ nhỏ cũng tham gia, bởi biết cuộc bầu cử này để xây dựng chính quyền cách mạng”. 

Ông Hồ Liên

Tiếp chúng trong căn phòng nhỏ ở khu tập thể Thủy lợi, ông Hồ Liên, năm nay đã 90 tuổi vẫn nhớ không khí thời điểm đó. Ông Liên lúc đó đã vào bộ đội, đóng quân ở gần nhà. Dù không trực tiếp tham dự cuộc gặp, ông nghe bà con dân làng kể lại, Bác Hồ và bác sĩ Trần Duy Hưng có về nói chuyện.

“Không khí sôi nổi, nhân dân đến rất đông. Từ bà già ốm yếu con cháu dắt đi, đến trẻ nhỏ cũng tham gia, bởi biết cuộc bầu cử này để xây dựng chính quyền cách mạng”, ông Liên nói. Cũng theo ông Liên, hồi đó, vừa mới bị nạn đói, hơn 2 triệu người chết, người dân thấy được cái khổ của kiếp nô lệ, cho nên ai cũng muốn đi theo chính quyền cách mạng. “Bác Hồ là người sẽ đem lại hạnh phúc, no ấm cho mọi người nên ai cũng tin”, ông Liên nhớ lại. Sau đó, khi công bố danh sách những người trúng cử, trong đó có Bác Hồ, bác sĩ Trần Duy Hưng, người dân Thủ đô rất mừng, cờ quạt chăng đỏ khắp phố. “Biết kết quả, người dân rất vui. Các vị ấy trúng thì vui lắm vì đúng nguyện vọng của dân”, ông Liên chia sẻ.

Nguồn cảm hứng dân chủ năm 1946 và kinh nghiệm cho hôm nay ảnh 1Chủ tịch Hồ Chí Minh và bác sĩ Trần Duy Hưng tới dự buổi mít tinh trọng thể của nhân dân Thủ đô tổ chức tại sân vận động Phúc Tân chào mừng Người và các vị được giới thiệu ra ứng cử ĐBQH khóa I tại Hà Nội (5/1/1946). Ảnh tư liệu chụp lại.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão chia sẻ, hồi đó ông tuổi còn nhỏ nhưng cũng biết được không khí ngày hội lớn. Sau này nghiên cứu thêm, ông cho rằng, cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc ngày 6/1/1946 là rất đặc biệt, là dấu son trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Hoàn cảnh thời điểm đó đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, nghìn cân treo sợi tóc. Việc tổ chức Tổng tuyển cử là rất mạo hiểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có niềm tin sắt đá vào lòng yêu nước của nhân dân và nhân dân đã đáp lại niềm tin ấy. “Đây là bài học quý giá, lấy dân làm gốc, dựa vào dân, tin vào dân. Đồng thời cũng là tầm nhìn xa, chiến lược, quả cảm của Bác Hồ”, ông Vũ Mão nói.

Hoàn cảnh thời điểm đó đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, nghìn cân treo sợi tóc. Việc tổ chức Tổng tuyển cử là rất mạo hiểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có niềm tin sắt đá vào lòng yêu nước của nhân dân và nhân dân đã đáp lại niềm tin ấy. Đây là bài học quý giá, lấy dân làm gốc, dựa vào dân, tin vào dân. Đồng thời cũng là tầm nhìn xa, chiến lược, quả cảm của Bác Hồ”. 

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Thời điểm này, cuộc tổng tuyển cử đã tạo nguồn cảm hứng dân chủ, khuyến khích các ứng cử viên ra tự ứng cử, tổ chức các hình thức phong phú để các ứng cử viên tranh cử. Đặc biệt, khi thấy có những nhân sĩ muốn ra ứng cử nhưng không đủ thì giờ để nộp đơn và vận động tranh cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76 của Chính phủ lâm thời quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946 và kéo dài hạn nộp đơn ứng cử. Nguyên tắc bầu cử tự do còn thể hiện trong các quy định về tự do tranh cử. “Mỗi người phải tự giới thiệu về mình, chương trình hành động của mình, đồng thời cử tri có ý kiến, thậm chí là ứng cử viên khác có ý kiến phản bác. Hà Nội có 74 người ứng cử mà chỉ bầu 6, trong đó Bác Hồ đạt tỷ lệ cao nhất, sau đó đến bác sĩ Trần Duy Hưng”, ông Mão nói.

Sau khi trúng cử, Bác Hồ và các ĐBQH của Hà Nội ra mắt cử tri tại Khu Việt Nam học xá (Trường Đại học Bách khoa bây giờ - PV).

Với sự giúp đỡ của lãnh đạo UBND phường Bách khoa, chúng tôi gặp được một vài cao niên sinh sống trên địa bàn phường. Ông Nguyễn Đắc Lộc, người soạn thảo cuốn lịch sử Đảng bộ phường Bách khoa cho rằng, trước cách mạng, nơi đây là Đông Dương học xá, có sinh viên của nhiều nước sinh sống. “Sau cách mạng đổi tên thành Việt Nam học xá và vẫn có sinh viên nhưng không nhiều lắm. Ở đây thường tổ chức các khóa đào tạo cán bộ cấp thấp của chính quyền. Vì đây là nơi đông cư dân trí thức nên Bác Hồ và bác sĩ Trần Duy Hưng lấy địa điểm này để gặp gỡ, trao đổi với nhân dân, ra mắt đồng bào Hà Nội”, ông Lộc nói.

Nguồn cảm hứng dân chủ năm 1946 và kinh nghiệm cho hôm nay ảnh 2 Ông Nguyễn Tân Việt và ông Trương Văn Hợp. Ảnh: Trường Phong.

Bài học “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Sinh năm 1925, ông Nguyễn Tân Việt, đang sinh sống ở phường Bách Khoa (Hà Nội) từng là cử tri đi bầu cử năm 1946. Ngày đó, ông sinh sống ở Quảng Trị và tham gia hoạt động tiền khởi nghĩa. “Nhà nghèo không có cơm ăn, áo mặc, tôi phải làm thuê cho địa chủ ở làng. Người ta tuyên truyền đi theo cách mạng, mình giác ngộ nên đi theo. Cứ cam chịu thì khổ, chết đói, chết rét”, ông Việt nói. Đến lúc bầu cử, ông được lựa chọn vào đội bảo vệ hòm phiếu ở địa phương.

“Tôi cũng đi vận động bà con nhân dân đi bỏ phiếu. Ai cũng nói mai phải đi bầu cử vì lần đầu tiên có quyền công dân. Bị áp bức lâu lắm rồi, nay được làm công dân của một nước tự do nên vui lắm”, ông Việt nói. Ông cũng phải đi vận động các gia đình cường hào, ác bá mới bị lật đổ. “Tôi nói bây giờ chính quyền thuộc về cách mạng rồi, không thuộc Pháp nữa, không phải cường hào gian ác nữa. Chính quyền cũ hàng hết rồi, bây giờ bầu cử để thành lập chính quyền mới. Mọi người nên đi đầy đủ”, ông Việt chia sẻ.

Nguồn cảm hứng dân chủ năm 1946 và kinh nghiệm cho hôm nay ảnh 3 Ông Nguyễn Tân Việt và ông Trương Văn Hợp trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong. Ảnh: Trường Phong.

Sinh năm 1930, lúc đó ông Trương Văn Hợp còn khá trẻ và chưa đủ điều kiện tham dự bầu cử Quốc hội đầu tiên. Tuy nhiên, do hoạt động cách mạng sớm, gia đình lại nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng, nên ông nắm được khá nhiều thông tin.

Bồi hồi nhớ lại chuyện cũ, ông Hợp vẫn nhớ như in không khí lúc bầu cử sôi nổi, nghiêm trang. “Từ chỗ bị áp bức bóc lột, không có cơm ăn, chết đói la liệt, giờ thành công, được đi bầu cử lập ra chính quyền cách mạng thì sướng lắm”, ông Hợp hồi tưởng. Cũng theo ông Hợp, không khí tuyên truyền rầm rộ, sôi nổi. “Người dân lần đầu tiên hiểu về bầu cử, lần đầu tiên được đi bỏ phiếu, được thể hiện quyền của mình mà. Tất cả vì độc lập, vì sự nghiệp bảo vệ đất nước”, ông Hợp chia sẻ. Dù còn trẻ, nhưng trong lần họp Quốc hội đầu tiên, vài lần ông Hợp được ngồi dự thính. Đến nay, ông vẫn coi đó là một kỷ niệm không thể nào quên.

Nguồn cảm hứng dân chủ năm 1946 và kinh nghiệm cho hôm nay ảnh 4 Ông Nguyễn Đắc Lộc giới thiệu bức ảnh chụp Bác Hồ và bác sĩ Trần Duy Hưng về ra mắt cử tri tại khu Việt Nam học xá, nay là trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Trường Phong.

Nghiên cứu về cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, ông Vũ Mão cho rằng, có nhiều bài học vẫn còn giá trị đến ngày nay, trong đó có công tác tuyên truyền, vận động bầu cử.

Trong cuốn sách "Dấu son nghị trường" do ông biên soạn có ghi: “Khi đó làm gì có phương tiện tuyên truyền như bây giờ, nhưng với sự chỉ đạo sát sao, cùng trình độ nghệ thuật tài tình, hình ảnh giản dị, thân thương của Bác Hồ đã đi vào lòng dân. Toàn dân Việt Nam đã vượt lên muôn vàn khó khăn để đi bầu, biến ngày bầu cử thành ngày hội toàn dân, tạo ra bầu không khí náo nức trong cả nước. Tại Hà Nội, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, nhân dân Thủ đô đã nhiệt tình tham gia Tổng tuyển cử bất chấp sự phá hoại của kẻ thù. Mỗi khu vực bỏ phiếu đều có sáng kiến riêng trong cách tổ chức hợp lý. Hàng chục vạn cử tri Thủ đô hăng hái đi làm nghĩa vụ công dân. Có nơi mới 11 giờ trưa đã có gần 80% cử tri đi bỏ phiếu”.

Ông Vũ Mão cho biết thêm, thời đó, do hoàn cảnh, tương quan lực lượng, Quốc hội đã đồng ý công nhận thêm 70 ghế thuộc các đảng phái khác không qua bầu cử. Mặc dù, các đảng này còn phát động tẩy chay bầu cử, nhưng tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Bác đã khiến các đảng này phải “tâm phục, khẩu phục”. 

Toàn dân Việt Nam đã vượt lên muôn vàn khó khăn để đi bầu, biến ngày bầu cử thành ngày hội toàn dân, tạo ra bầu không khí náo nức trong cả nước. Tại Hà Nội, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, nhân dân Thủ đô đã nhiệt tình tham gia Tổng tuyển cử bất chấp sự phá hoại của kẻ thù.

MỚI - NÓNG